Làm gì khi trẻ bị sặc sữa?
Khi cho bú, nên bế trẻ cao đầu. |
Bé đang bú bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi. Đó là bé đã bị sặc sữa, một tai biến thường gặp khi bú bình. Sữa tràn vào khí quản, thậm chí vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể chết vì thiếu ôxy.
Gặp trường hợp này cần cấp cứu ngay vì đưa đi bệnh viện lúc này thường không cứu kịp. Người lớn phải khẩn trương làm cho sữa ra khỏi đường hô hấp, nhanh nhất đơn giản nhất là dùng mồm mình hút mạnh vào miệng và mũi bé. Hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau đó, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi, nhổ đi. Khi hút xong nên kích thích mạnh vào đầu trẻ, để cháu bé khóc và thở được. Ngay sau đó mới khẩn trương đưa trẻ tới bệnh viện để tiếp tục cứu chữa và giải quyết hậu quả.
Sặc sữa có thể do nhiều nguyên nhân:
- Do lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.
- Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm vú sữa vẫn chảy nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây ra sặc.
- Trẻ 3-4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nói chuyện. Nếu người vừa cho bú vừa à ơi nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí, trẻ toét miệng cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc.
Để đề phòng sặc sữa, không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú. Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá (gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc sữa lên mũi). Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ.
BS Vũ Hướng Văn, SK&ĐS, 6/2001