Phát hiện nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ gái
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho rằng, sự giảm nồng độ hoóc môn nam testosterol trong cơ thể là thủ phạm dẫn đến hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ gái. Phát hiện này hết sức giá trị vì dậy thì sớm là một nguyên nhân dẫn đến ung thư vú sau này. Kết luận được đưa ra tại cuộc họp của Hiệp hội Nghiên cứu bệnh Ung thư của Mỹ, tổ chức ngày 25/3.
Từ trước đến nay, người ta vẫn cho rằng nguyên nhân của dậy thì sớm là tình trạng béo phì và ít vận động. Hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ gái được coi là do nồng độ oestrogen (một hoóc môn nữ) trong máu cao hơn bình thường.
Thế nhưng, trong một nghiên cứu tiến hành trên 192 trẻ gái 9 và 10 tuổi, các bác sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Ngộ độc Quốc gia của Mỹ đã phát hiện ra rằng oestrogen không liên quan đến hiện tượng này. Trái lại, người ta thấy trẻ dậy thì sớm có mang một gene quyết định việc sản xuất enzyme phân huỷ testosterol. Ở những trẻ này, testosterol bị phân huỷ nhanh hơn bình thường và do đó nồng độ hoóc môn này trong máu cũng thấp hơn. Các nhà khoa học cho rằng gene này chính là nguyên nhân gây ung thư vú về sau.
Trong tương lai, người ta có thể tiến hành thử nghiệm để phát hiện những trẻ gái có nguy cơ dậy thì sớm, nhằm mục đích hướng dẫn các cháu tránh những yếu tố nguy cơ khác như béo phì và ít vận động.
Trẻ gái dậy thì ngày càng sớm
Rất nhiều nhà khoa học cho rằng tuổi dậy thì của trẻ gái ngày càng giảm. Nghiên cứu tiến hành năm 1997 cho thấy khoảng 1/2 trẻ da trắng và 15% trẻ da đen bắt đầu phát triển giới tính khi lên 8 tuổi. Tuổi dậy thì trung bình cho trẻ da trắng là 13 và trẻ da đen là 12. Trẻ gái thường bắt đầu phát triển ngực 1 năm trước khi có kinh.
Thu Thủy