Ngáy ở trẻ em - một dấu hiệu báo động
Ngáy mạn tính thường là biểu hiện của OSA. |
Viện hàn lâm Nhi khoa Mỹ vừa đưa ra khuyến cáo cho rằng, cần kiểm tra sàng lọc tất cả những trẻ mắc chứng ngáy để phát hiện sớm khả năng bị căn bệnh nguy hiểm là hội chứng Ngừng thở Khi ngủ do Tắc nghẽn (OSA). Bệnh lý này có thể khiến tim phổi phát triển chậm, gây rối loạn hành vi và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị.
OSA đặc trưng bởi những cơn ngừng thở đột ngột xảy ra thường xuyên, khiến người bệnh tỉnh dậy trong chốc lát. Bệnh nhân nhận được quá ít ôxy và quá nhiều CO2. Các bác sĩ vẫn cho rằng bệnh lý này và biểu hiện mất ngủ của nó có thể làm ảnh hưởng tới việc học tập của trẻ, làm chậm quá trình tăng trưởng và gây huyết áp cao.
Bác sĩ Sally Davidson Ward, thành viên của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, cho biết amiđan hoặc VA sưng to là nguyên nhân hay gặp nhất của chứng bệnh này. Ngoài ra, chứng béo phì cũng có thể là thủ phạm: Mỡ tụ quanh cổ họng có thể khiến cơ quan này hẹp lại, và mỡ trong dạ dày thì cản trở cơ hoành hoạt động bình thường. Khoảng 20-40% trẻ béo phì mắc hội chứng OSA.
Ngáy không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với OSA, nhưng là dấu hiệu điển hình nhất của hội chứng. Tại Mỹ, 10% trẻ em có biểu hiện ngáy và 1/5 trong số này bị OSA. Phần lớn các cháu ở độ tuổi 2-8. Bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Theo khuyến cáo của Viện hàn lâm, khi khám cho trẻ trên 1 tuổi, các bác sĩ nên hỏi cha mẹ xem bé có ngáy không, nếu câu trả lời là có thì phải tiến hành các thử nghiệm tiếp theo.
Về phần mình, cha mẹ nên theo dõi giấc ngủ của con và nếu trẻ ngáy thì hãy trả lời các câu hỏi:
- Đêm nào trẻ cũng ngáy?
- Trẻ ngáy có to không?
- Trẻ có há mồm để thở không?
- Trẻ có thao thức khi ngủ không?
- Trẻ có gặp khó khăn ở trường học do mệt mỏi không?
Nếu có từ vài câu trả lời "có" trở lên thì trẻ cần đi khám bác sĩ nhi khoa để được kiểm tra và phẫu thuật nếu cần. Với những cháu được chẩn đoán mắc OSA, việc đầu tiên phải làm là cắt amiđan hoặc nạo VA.
Thu Thủy (theo CNN)