Dùng thuốc cho trẻ ngủ là điều cực chẳng đã
Việc lạm dụng thuốc ngủ cho trẻ sẽ gây lệ thuộc thuốc và làm chứng rối loạn giấc ngủ trở nên trầm trọng hơn. Đó là chưa kể việc dùng thuốc không đúng có thể gây các tai biến nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Quang Vinh, phụ trách chuyên khoa thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, thuốc gây ngủ có nhiều loại. Loại thứ nhất là thuốc dùng vào mục đích điều trị bệnh có tác dụng phụ gây ngủ. Thứ hai là thuốc thật sự để điều trị mất ngủ. Thứ ba là thuốc tâm thần, thần kinh dùng để điều trị bệnh nhân tâm thần (bắt buộc phải cho ngủ thì mới hết bệnh). Trẻ em chỉ có thể dùng nhóm đầu tiên để ngủ nhiều hơn, bớt hoạt động, dễ lên cân và đỡ quấy khóc. Việc dùng thuốc 2 nhóm sau rất nguy hiểm. Chúng là các loại thuốc hướng thần, gây nghiện được ngành y tế quản lý rất chặt chẽ và khi mua bắt buộc phải có đơn.
Loại thuốc điều trị bệnh có tác dụng phụ gây ngủ thường dùng là nhóm kháng histamine. Tác dụng chính của nó là điều trị các bệnh dị ứng như nổi mề đay, ngứa, sổ mũi, ho khan theo thời tiết. Các biệt dược hay được dùng cho trẻ là Théralène, Chlorpheniram, Peritol..., thường là dạng xirô.
Bác sĩ Vinh khuyên không dùng thuốc ngủ cho trẻ khi không có bệnh, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng sẽ gây nhờn thuốc (mất hiệu quả điều trị) hoặc lệ thuộc thuốc (không dùng thì không ngủ được). Mặt khác, việc tùy tiện dùng thuốc ngủ sẽ khiến trẻ ngủ ngày nhiều, đêm không ngủ nữa, và chứng rối loạn giấc ngủ càng nặng thêm.
(Theo Tuổi Trẻ)