Nấm lưỡi khiến trẻ biếng ăn
Cần tạo cho trẻ thói quen đánh răng sau khi ăn. |
Nấm lưỡi là một trong những nguyên nhân chính gây chứng biếng ăn ở trẻ, nhưng lại ít được các bậc phụ huynh chú ý. Căn bệnh chữa lâu khỏi và dễ tái phát này lại rất phổ biến. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM, cứ 10 trẻ đến khám thì có 6 trẻ nhiễm nấm lưỡi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh Tuyết thuộc khoa Tổng hợp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, nấm lưỡi được dân gian gọi là đẹn trăng hay tưa lưỡi. Bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể xuất hiện ở trẻ lên 10, thậm chí 15. Biểu hiện bệnh là những chấm trắng hình tròn, tạo thành một sợi dây tưa trên lưỡi, khiến trẻ không bú sữa, không ăn uống được vì đau đớn. Trường hợp nặng có viêm đỏ; nếu sốt ruột "cạy" những chấm trắng này ra thì sẽ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Nếu để lâu, nấm sẽ ăn loang khắp lưỡi, làm mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn. Có những trường hợp nặng, nấm lan xuống đường ruột, gây tiêu chảy kéo dài, rất nguy hiểm.
Bệnh do nhiều loại nấm gây ra, nhưng chủ yếu vẫn là Candidas albican. Đây là loại nấm cơ hội, luôn hiện diện trong cơ thể mỗi người và "bùng lên" khi vệ sinh không tốt hoặc sức đề kháng kém. Bệnh xuất hiện nếu trẻ nhỏ không uống nước tráng miệng sau khi bú hoặc ăn bột xong. Ở trẻ lớn, nguyên nhân gây nấm lưỡi là không đánh răng sau khi ăn, hay ăn ngọt, ăn đêm.
Nấm lưỡi thường xuất hiện khi sức đề kháng kém, khi cơ thể mắc một loại bệnh khác. Trong trường hợp này, phải chữa trị các loại bệnh chính trước (như ho, tiêu chảy, viêm họng...), đồng thời trị nấm lưỡi bằng cách rơ lưỡi với thuốc Daktasin. Do bệnh dễ tái phát nên phải phối hợp nhịp nhàng các biện pháp khác như: vệ sinh răng miệng, tăng cường sức khỏe cho trẻ.
Để phòng ngừa nấm lưỡi, trẻ nhỏ sau khi ăn cần được uống hoặc súc miệng bằng nước lọc. Trẻ lớn hơn thì dùng kem đánh răng dành riêng cho bé. Nên hạn chế việc bú đêm với trẻ nhỏ và ăn đêm với trẻ lớn vì trẻ ăn xong thường đi ngủ luôn, quên súc miệng.
Bác sĩ Oanh Tuyết cũng khuyên rằng, nếu dùng mật ong để rơ lưỡi cho trẻ (mật ong sát trùng rất tốt) nhưng khi làm xong phải cho trẻ uống nước lọc tráng miệng để khỏi lưu lại chất đường trong miệng. Với trẻ lớn, có thể dùng nước muối để súc miệng thay kem đánh răng nếu không có loại kem dành riêng cho trẻ em.
(Theo Thế Giới Phụ Nữ)