Trẻ đi chân đất dễ bị nhiễm giun móc
Khám phát hiện búi giun cho trẻ. |
Ấu trùng giun móc vào cơ thể qua đường ăn uống hoặc qua da. Vì vậy, những trẻ có thói quen không đi giày dép hoặc lăn lê bò toài trên đất hoặc ăn uống mất vệ sinh rất dễ nhiễm loại giun này.
Ở người, giun móc ký sinh ở tá tràng, miệng bám vào niêm mạc ruột để hút máu. Trung bình mỗi ngày, 1 con giun móc có thể hút 0,2 ml máu. Giun cái đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài nở thành ấu trùng. Độ ẩm càng cao càng thuận lợi cho ấu trùng phát triển.
Nhiễm giun móc hay gặp ở trẻ lớn 9-14 tuổi. Những trẻ này thường chán ăn, đau vùng thượng vị hoặc quanh rốn, đau âm ỉ cả lúc no lẫn lúc đói. Phân lúc táo lúc nát, có màu đen do chảy máu đường tiêu hóa. Dấu hiệu thiếu máu xuất hiện từ từ trong vòng 1-2 tháng hoặc kéo dài hơn. Trẻ mệt mỏi, xanh xao, chóng mặt. Tình trạng này được khắc phục tốt sau điều trị giun móc. Hậu quả của nhiễm giun móc là giảm hấp thu các chất dinh dưỡng, viêm ruột, bội nhiễm ở phổi và có thể suy tim do thiếu máu.
Khi nghi ngờ trẻ bị nhiễm giun móc, cần đưa đến bệnh viện để xét nghiệm tìm trứng giun móc trong phân. Khi đã xác định bệnh, cần tẩy giun cho trẻ. Nếu nhiễm giun móc nhẹ, có thể dùng 1 liều duy nhất albendazol 400 mg. Nếu nặng, có thể dùng 2 ngày liền albendazol 400 mg. Không dùng thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi và phụ nữ có thai. Ngoài thuốc tẩy giun móc, bệnh nhi nên uống thêm viên sắt để hỗ trợ chống thiếu máu.
Để phòng tránh nhiễm giun móc, cần tăng cường vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường. Không để trẻ bò lê dưới đất hoặc đi chân đất để tránh ấu trùng giun móc chui qua da; rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.
PGS Đào Ngọc Diễn, Sức Khoẻ & Đời Sống