Phát hiện điếc sớm ở trẻ nhũ nhi bằng giọng nữ
Trẻ sơ sinh nhạy cảm với âm thanh tần số cao. Vì vậy, có thể dùng giọng nữ để thử xem bé có nghe tốt không. Nên thử bằng giọng của mẹ vì bé đã quen với giọng nói này từ thuở chưa lọt lòng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Thính học Bệnh viện Tai mũi họng TP HCM, cho biết, điếc ở trẻ thường đi kèm một tật khác là câm (không tiếp xúc được với âm thanh nên trẻ không thể học nói). Điều này sẽ không xảy ra nếu chứng điếc được phát hiện và can thiệp kịp thời. Trẻ sẽ được chỉ định đeo máy nghe sớm (đeo trước sáu tháng tuổi sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với các trường hợp muộn hơn).
Trẻ nào nhiều nguy cơ điếc? Đó là những bé dưới 1 tuổi nằm trong nhóm: sinh non, suy hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, suy dinh dưỡng bào thai, gia đình có người điếc, mẹ bị bệnh trong khi mang thai (cúm trong quý đầu, sởi, quai bị, lao, sốt rét...). Sự suy giảm thính lực xảy ra ngay khi mới sinh hoặc một thời gian sau đó. Vì vậy, các trẻ thuộc nhóm trên dù đã được xác định có sức nghe bình thường vẫn phải được theo dõi về thính lực trong vài năm. |
Phát hiện điếc sớm ở trẻ nhũ nhi bằng giọng nói nữ là phương pháp dễ thực hiện nhất và không tốn tiền. Chọn phòng thử yên tĩnh, ánh sáng dịu, cách âm càng tốt. Trẻ được đặt nằm trên giường. Để có kết quả chính xác, người mẹ nên thử lúc trẻ mới vừa thiu thiu ngủ (khi thức trẻ thường có những cử động ngẫu nhiên hoặc đáp ứng do nhìn thấy). Lúc đó, bé thường nằm yên nên những đáp ứng với âm thử dễ được quan sát nhất. Người thử đứng cách trẻ 1 m và phát ra các âm lưỡi như: A, I, M, S, X. Cường độ âm thanh phát ra làm sao cho vừa đủ dao động khoảng 60-70 dB (tương đương với một giọng nói bình thường). Thời gian phát ra âm thanh khoảng 2-5 giây.
Khi nghe âm thanh, các phản ứng của trẻ có thể là: mở mắt, chớp mắt, cười, vặn mình, ngọ nguậy chân tay. Có thể thử nhiều lần để củng cố thêm kết quả thu được, vì nhiều trẻ có thể không phản ứng hoặc phản ứng chậm dù sức nghe bình thường.
Nếu bé không có phản ứng hoặc phản ứng không rõ với âm thanh, cha mẹ nên đưa đến Bệnh viện Tai mũi họng để chẩn đoán chính xác bằng các phương pháp khách quan, hiện đại như đo âm ốc tai (OAE), đo điện thính giác thân não (ABR). Nếu kết quả là nghe kém, bé sẽ được kiểm tra ABR hai lần nữa. Nếu kết quả ba lần như nhau, trẻ sẽ được chỉ định mang máy nghe, theo dõi định kỳ để hiệu chỉnh và đánh giá hiệu quả đeo máy.
Trong thực tế, dù đã được thông tin đầy đủ về tình trạng nghe kém nhưng nhiều gia đình vẫn không chấp nhận thực tế và không đồng ý cho đeo máy. Họ thường đưa trẻ quay lại gặp bác sĩ sau vài năm hoặc hơn, khiến việc tập luyện phục hồi ngôn ngữ cho trẻ càng thêm khó khăn. Ngược lại, những trẻ điếc vừa (khoảng độ 2, 3) đeo máy nghe sớm thường phục hồi ngôn ngữ gần như hoàn toàn.
(Theo Tuổi Trẻ)