Tiếng ồn - nguyên nhân chính gây điếc ở trẻ
Khi mua đồ chơi cho bé, nên chọn loại không phát ra tiếng ồn. |
Trước đây, viêm nhiễm (chảy mủ tai) là thủ phạm lớn nhất khiến trẻ nghe kém ở trẻ. Nhưng càng ngày tỷ lệ nghe kém do viêm nhiễm càng giảm, nhường chỗ cho các trường hợp điếc do ồn.
Với trẻ em, tiếng ồn có cường độ không cao lắm đã ảnh hưởng xấu đến sức nghe. Ở trẻ, yếu tố này cũng dễ tác động hơn và gây hại nhiều mặt hơn so với người lớn.
Tiếng ồn có cường độ trên 115 dB được coi là nguy hiểm cho trẻ em vì có thể gây điếc, nghe kém dù chỉ tiếp xúc 1 lần trong thời gian từ 3 đến 15 phút. Có thể gặp tiếng ồn loại này ở các vũ trường lớn, khi ở gần các loa ca nhạc điện tử phát với công suất cao, tiếng còi ô tô tải, chuông, chiêng...
Âm thanh có cường độ trên 100 dB gây hại rõ rệt sau thời gian tiếp xúc vài phút đến vài chục phút trong một số ngày (tùy theo lứa tuổi). Tiếng ồn này có thể gặp ở các nhà ga, khu phố buôn bán náo nhiệt, tiếng vô tuyến, dàn nhạc gia đình mở ở mức cao.
Ở trẻ em, tiếng ồn có cường độ trên 80 dB đã gây hại vì làm giấc ngủ
không sâu, hoạt động hô hấp và tiêu hóa dễ rối loạn, ảnh hưởng đến
tư duy, học tập. Nếu phải sống thường xuyên ở nơi ồn ào như vậy, trẻ
nhỏ sẽ nghe kém.
Chớ nghĩ là
khi trẻ đã đến tuổi biết kêu ca về tiếng ồn thì mới bị ảnh hưởng.
Cần phòng tránh tiếng ồn ngay từ khi trẻ mới là bào thai và đặc biệt
là trong 3 năm đầu. Nên sớm tạo cho trẻ ý thức phòng tránh tiếng ồn:
không gây ồn, tránh xa nguồn gây ồn cao.
Cha mẹ đừng để trẻ
tiếp xúc với nguồn ồn gây hại: không cho trẻ theo đến các nơi thi
đấu thể thao lớn như bóng đá, ca nhạc, có loa đài công suất cao,
chợ, nhà ga... Tránh để trẻ (nhất là trẻ nhỏ) dùng đồ chơi phát ra
âm thanh quá to như ô tô cứu hỏa có còi rú, còi, súng phun lửa...
Chúng thường phát ra âm thanh cường độ 100-115 dB, có âm tần cao,
chói tai.
Hãy tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ. Trong phòng có trẻ, nên vặn nhỏ 1-2 nấc chỉnh âm của vô tuyến, đài... so với mức người lớn thường nghe; không đặt các máy gây ồn, không xô đẩy đồ đạc, quát tháo, nói cười quá to.
Cần phát hiện sớm các dấu hiệu nghe kém ở trẻ:
- Với trẻ nhỏ: Chậm nói, nói ngọng kéo dài, kém phát triển nói (cấu trúc câu, câu không đủ ý...), kém linh hoạt.
- Với trẻ lớn: Thay đổi tính nết (lầm lỳ, cáu dỗi), học tập
sa sút...
Khi nghi ngờ trẻ bị nghe kém, cần đến các cơ sở
thính học, tai mũi họng chuyên sâu để xác định tình hình, mức độ
nghe kém. Tuân thủ thực hiện ngay các biện pháp khắc phục cần thiết
như đeo máy trợ thính sớm, đừng để có hại đến sức nghe bình thường.
GS Ngô Ngọc Liễn, Sức Khỏe & Đời Sống