Đôi điều cần biết về ghép thận trẻ em
Do sự chuẩn bị ghép thận và các thuốc ức chế miễn dịch ngày càng tốt nên tỷ lệ trẻ sống sau ghép thận ngày càng cao. Hiện tỷ lệ sống sau ghép 1 năm là trên 90% và sau 5 năm là trên 60%.
Một số câu hỏi về ghép thận nhi:
1. Bệnh nào có thể gây hư thận đến nỗi phải ghép thận?
Đó là một số bệnh thận bẩm sinh (như dị dạng đường tiết niệu), hoặc mắc phải (thận hư kháng corticoid), bệnh miễn dịch hệ thống (lupus...).
2. Bệnh đến giai đoạn nào mới phải ghép thận?
Đó là giai đoạn không điều trị được hoặc đúng cách, dẫn đến suy thận mạn. Khi đó, trẻ phải chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hay ghép thận với mục đích giúp cơ thể hoạt động bình thường.
3. Số người cần ghép có nhiều không?
Nhiều cuộc điều tra trên thế giới cho thấy, cứ 1 triệu người lớn thì có khoảng 200 người cần được ghép hay chạy thận. Ở trẻ em, con số này chỉ bằng một nửa. Như vậy, nếu TP HCM có 6 triệu dân thì khoảng 1.200 người lớn và 600 trẻ đang cần ghép thận hay chạy thận. Nếu tính cả nước với dân số 80 triệu người, thì khoảng 16.000 người lớn và 8.000 trẻ em có nhu cầu này.
4. Ghép thận được tiến hành ra sao?
Trước hết, trẻ được xem xét là đã ở giai đoạn cuối của suy thận chưa; nếu là giai đoạn cuối thì được xếp vào danh sách ghép thận. Bước tiếp theo là tìm một người cho thận phù hợp, làm một số xét nghiệm xem sức khỏe người đó có tốt không, có thể cho thận được không, thận cho có thể ghép được cho trẻ không.
Sau khi hoàn tất mọi bước trên, trẻ sẽ được ghép thận. Trước, trong và sau khi ghép, trẻ được dùng thuốc ức chế miễn dịch để trái thận mới ghép có thể tồn tại trong cơ thể và hoạt động tốt. Sau đó, bệnh nhi được theo dõi thường xuyên để biết thận mới có hoạt động tốt không.
5. Tại sao trẻ ghép thận không thể sống lâu như bình thường?
Dù khoa học rất tiến bộ nhưng việc ghép thận vẫn còn gặp một số khó khăn chưa thể giải quyết như chưa có thuốc ức chế miễn dịch tối ưu để loại trừ hoàn toàn sự thải ghép; vẫn còn một số biến chứng sau ghép như nhiễm trùng, ung thư... Sau ghép thận, đa số trẻ vẫn sống bình thường, một số ít bị biến chứng cần ghép lại, chạy thận nhân tạo. Nếu bị biến chứng nặng thì có thể tử vong.
TS Vũ Huy Trụ, Người Lao Động