Mùa nóng năm nay và cách chăm sóc trẻ
Ảnh: pro.corbis.com |
Say nắng
Biểu hiện: Trẻ sốt cao, da nóng khô, không có mồ hôi, mạch nhanh, buồn ngủ, lú lẫn rồi bất tỉnh.
Xử lý: Đưa trẻ vào chỗ mát và cởi quần áo ngoài. Dùng nước ấm lau toàn thân và đắp khăn mát lên trán trẻ. Không nên tìm mọi cách hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, nước đá vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp lại sẽ khó tản nhiệt. Nếu trẻ vẫn còn tỉnh táo, bạn có thể cho trẻ uống một ly nước chanh đường hoặc cam tươi. Nếu thân nhiệt trẻ vẫn sốt cao, cần đưa ngay trẻ đến trung tâm y tế để tránh bị co giật.
Các trò chơi vận động cũng như thời tiết nắng nóng khiến trẻ dễ đổ mồ hôi, nên phải tắm rửa thường xuyên để giữ vệ sinh thân thể. Nên tắm nước ấm vừa phải. Không tắm ngay khi vừa đi nắng về, khi đang đổ mồ hôi.
Mụn nhọt
Vào mùa hè, trẻ rất dễ nổi mụn nhọt. Mức độ nhẹ, có thể tự khỏi. Nặng hơn, có thể gây đau nhức, sốt, biếng ăn, có thể phải chích mụn để thoát lưu mủ.
Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ. Tránh cho trẻ nghịch đất, cát bẩn. Cho trẻ uống thật nhiều nước rau quả. Không tự ý nặn hoặc bôi thuốc lên mụn vì có thể gây nhiễm trùng nặng hơn.
Bệnh đường hô hấp, tiêu hoá
Mùa nóng, trẻ thường bị mất nước dẫn đến tiểu ít, niêm mạc khô và sau đó sẽ bị sốt, ho... Do vậy, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước.
Khi trẻ đi phân lỏng hơn 3 lần/ngày thì cần bù nước và ion bằng cách uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối...
Nếu bệnh không giảm trong vòng 3 ngày hoặc có kèm theo: Ói mửa nhiều, sốt cao, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen)... thì cần đưa đến bác sĩ ngay.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ, bởi việc uống thuốc tuỳ tiện sẽ gây nhiều tai biến nguy hiểm trước mắt cũng như lâu dài.
Đây là hai bệnh mùa hè đáng ngại nhất, bởi chúng đều liên quan đến muỗi và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Trẻ sốt cao 39-40oC liên tục trong 2-3 ngày, ngày thứ 3-4 có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da. Nặng hơn nữa có thể nôn ra máu, đi tiểu ra máu. Cần lưu ý các dấu hiệu nặng như vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu phải đưa đi cấp cứu. Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, rất nguy hiểm. Nên đưa trẻ em đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo đúng quy định.
Phòng tránh tai nạn cho trẻ vào mùa hè
Ngạt nước: Nếu trẻ dưới 4 tuổi thì không nên cho tập bơi, vì cơ thể chưa phát triển thích hợp. Không được để trẻ bơi xa khu vực có chiều cao quá đầu trẻ.
Nhiễm trùng: Mùa hè nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh, dễ gây mất nước, nhiễm trùng và sốt cho trẻ. Do vậy, lưu ý trẻ luôn uống nước thường xuyên, đặc biệt là khi trẻ chơi thể thao hay đi dã ngoại. Lưu ý để trẻ chơi ở nơi thoáng mát, không chơi trên lề đường... cũng không nên chơi ở những góc ẩm tối, dễ bị muỗi và côn trùng đốt, chích.
Vệ sinh ăn uống: Cơ cấu tốt nhất cho việc chọn lựa nước uống hàng ngày là 60% nước giải khát thông thường, 20% sữa các loại và 20% nước trái cây tươi các loại. Nhớ cắt móng tay của trẻ thật ngắn và cho trẻ rửa tay trước khi ăn uống để tránh nguy cơ bị tiêu chảy.
BS. Mạnh Hà