CHĂM SÓC CHO BÀN
CHÂN TÍ HON
MẠC HUY THẰNG
(Santé- 8/98)
Bàn chân của các em bé có thể làm mềm lòng hay gây xúc động ngay cho cả
những người tự cho rằng không thích trẻ con, dĩ nhiên là vì chúng còn rất bé
nhưng đúng hơn là vì chúng vô cùng xinh xắn và bụ bẫm. Vì vậy, ai cũng có
thể hiểu được nỗi thất vọng và khổ tâm của các bậc cha mẹ khi thấy đứa con
của mình vừa chào đời mà đôi bàn chân đã có những biểu hiện dị dạng.
Những khó khăn gặp phải trong lúc sinh nở của người mẹ không đóng vai trò
gì trong sự biến dạng này. Còn đối với những nhân tố tác động trực tiếp tới
bé trong thời gian sống trong bụng mẹ như thai lớn, thiếu nước ối. thì trong
một số trường hợp có thể là những nguyên nhân chính.
Mức độ lệch của bàn chân?
Bàn chân gập lên ống quyển
Bàn chân bị vẹo, nghiêng sang một bên, có đặc điểm là cong quá mức về
phía cẳng chân (ống quyển). Tư thế này được xem là bình thường khi đứa bé
vừa chào đời. Nó biến mất một cách tự nhiên đối với phần lớn những đứa trẻ
sơ sinh liền sau đó vài ngày. Tuy nhiên, nếu bé đã được vài ba tuần hoặc một
tháng tuổi mà biểu hiện đó vẫn không chấm dứt thì bắt buộc phải tiến hành
điều trị.
Bàn chân bị trẹo vào bên trong
Đó là do xương bàn chân bị lệch vào phía trong, gót chân vẫn ở đúng vị
trí, cổ và mắt cá chân hoạt động bình thường, thế nhưng, khi đứa trẻ cử
động, mũi bàn chân và gót của nó không di chuyển theo một đường thẳng.
Hai bàn chân "nhìn" nhau
Cần phải phân biệt được loại lệch chân, nếu nhìn tổng quát toàn bộ cơ thể
thì thấy hai chân trẻ hơi bị lệch vào trong, nhưng khi bé làm những điệu bộ
hoặc cử động ở hai chân thì hiện tượng này biến mất. Sự lệch lạc này có thể
khắc phục được, nó khác với loại lệch chân vòng kiềng không thể chỉnh sửa
(chiếm tỷ lệ 1 trên 700 trẻ sơ sinh).
Nhưng cho dù bàn chân của bé bị lệch lạc theo kiểu nào đi chăng nữa thì
điều quan trọng phải làm trước tiên đó là kiểm tra kỹ lưỡng 2 xương hông
cháu bé xem có lệch hay không để chắc là bé không bị dị dạng, bởi sự lệch,
vẹo giữa hông và bàn chân có thể liên quan đến nhau.
phương pháp vận động trị liệu
Ngày nay việc điều trị các dị tật chủ yếu dựa trên phương pháp vận động
trị liệu, tuy nhiên ở một số nơi, người ta vẫn còn áp dụng kỹ thuật bó bột
để đưa bàn chân trở lại vị trí bình thường. Việc điều trị phải được tiến
hành đều đặn, từ 2 đến 3 lần một tuần trong vòng 2 tháng và hơn nữa nếu cần
thiết.
Bác sĩ điều trị sẽ dần dần làm cho da và các cơ chân mềm ra bằng phương
pháp xoa bóp; chỉnh bàn chân lại cho thẳng một cách nhẹ nhàng; tập cho các
cơ thụ động phải làm việc. Người ta cũng có thể dùng đến các dụng cụ hỗ trợ
nhẹ (khuôn giày gỗ, khung giữ 2 bàn chân đều nhau bằng nhựa hay kim loại
nhẹ. ) tùy theo sức chịu đựng của đứa bé.
Cha mẹ trẻ có thể đóng một vai trò rất tích cực trong việc điều trị cho
đứa con cưng của mình, bằng việc kích thích các cơ thiểu năng của bé liên
tục mỗi ngày, với một loại bàn chải đánh răng mềm (thích hợp với đôi chân
nhỏ, non nớt của bé).
Thường thì một khi được điều trị xong, có thể sau đó hiện tượng lệch lạc
này sẽ xuất hiện trở lại, vì vậy trong trường hợp chân của trẻ bị trẹo nhiều
rất cần sự theo dõi trường kỳ của các bác sĩ chỉnh hình (kiểm tra lại mỗi
năm hoặc 2 năm một lần).
Khi trẻ đến tuổi tập đi, việc lựa chọn những đôi giày thích hợp là điều
rất quan trọng, nhất là khi đứa trẻ vẫn còn lại vài di chứng cũ.