Cảnh giác với tình trạng răng mọc ngầm, lệch ở trẻ
Em N.N.M.P. (10 tuổi, Thủ Đức) đến Trung tâm Răng Hàm Mặt TP HCM với một hàm răng lố nhố, lộn xộn, đa số răng cửa hàm trên mọc ngầm, xoay, lệch. Tình trạng này đã xảy ra nhiều năm nhưng gia đình không để ý, đến khi đi khám thì đã quá muộn để dùng phương pháp chỉnh nha trẻ em. Các bác sĩ phải chỉnh lại vị trí răng bằng phẫu thuật.
Em P. là một trong rất nhiều trẻ em gặp các tai biến về răng miệng do quá trình mọc răng không được theo dõi chặt chẽ. Bác sĩ Hứa Thị Xuân Hòa, Trưởng khoa Phẫu thuật trong miệng Trung tâm Răng Hàm Mặt TP HCM, cho biết, khi trẻ lên 5 tuổi, các răng vĩnh viễn sẽ dần dần thay thế các răng sữa. Vì vậy, từ thời điểm này, cha mẹ nên đưa con đi khám răng định kỳ để tránh tình trạng răng sữa mọc lệch hoặc những dị tật (như răng ngầm) có thể cản trở răng vĩnh viễn mọc ra. Những trẻ bị một số chấn thương từ lúc nhỏ (như bị ngã) hoặc sún răng cần được theo dõi chặt chẽ hơn vì các tình trạng này có thể ngăn cản sự phát triển theo hướng bình thường của răng.
Khi răng mọc ngầm, lệch lạc, thức ăn dễ kết tụ, gây sâu răng hoặc rối loạn khớp cắn, dẫn đến đau vùng khớp thái dương hàm... Nếu không điều trị sớm, bác sĩ chỉ còn cách can thiệp duy nhất là phẫu thuật, chỉnh lại vị trí đúng cho răng và nẹp lại răng. Phương pháp này gây nhiều đau đớn, tốn kém cho bệnh nhân. Hơn nữa, phải đợi 3-6 tháng sau phẫu thuật, bác sĩ mới khẳng định được răng có liền lại hay không. Sự phục hồi của răng tùy thuộc nhiều vào các yếu tố như: vệ sinh răng miệng trong thời gian đeo nẹp, khớp cắn của bệnh nhân, vùng xương ổ răng có tốt hay không... Nếu răng không liền lại được, bệnh nhân buộc phải làm răng giả.
Để tránh tình trạng đó, các bậc cha mẹ nên để ý đến răng của con em mình, đặc biệt là trong thời kỳ mọc răng vĩnh viễn. Nếu thấy có những triệu chứng khác lạ về răng, nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa khám ngay.
Người Lao Động