Đèn đêm giúp bảo vệ thị lực của bệnh nhân tiểu đường
Nghiên cứu mới của Anh cho thấy, việc để đèn ngủ ban đêm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lý võng mạc - nguyên nhân gây mù ở nhiều bệnh nhân tiểu đường type 2. Ánh sáng đèn xuyên qua da mắt nhắm nghiền sẽ ức chế khả năng thích nghi với bóng tối của mắt - thủ phạm gây giảm ôxy ở võng mạc.
Khoảng 17 triệu người Mỹ bị tiểu đường và 1/4 trong số này bị bệnh lý võng mạc. Bệnh xuất hiện khi những mạch máu nhỏ li ti của võng mạc (ở sau mắt) bị vỡ. Nguyên nhân của hiện tượng này còn chưa được làm rõ. Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy, nồng độ ôxy ở võng mạc của bệnh nhân tiểu đường giảm khi mắt phải thích nghi với bóng tối.
Trong nghiên cứu tiến hành trên 7 bệnh nhân tiểu đường type 2 và 8 người bình thường, giáo sư Neville Drasdo và cộng sự tại Đại học Cardiff đưa ra bằng chứng cho thấy, nguyên nhân gây bệnh lý võng mạc chính lạ sự thiếu ôxy ở các lớp trong của võng mạc, xuất hiện khi trời tối. Theo các tác giả, việc kích thích liên tục mắt người bệnh bằng ánh sáng trong đêm sẽ giúp duy trì dòng chảy của máu qua võng mạc, làm mất đi tình trạng thiếu ôxy ở đây.
Bệnh lý võng mạc không có biểu hiện báo động sớm. Các mạch máu có thể bị xuất huyết và để lại dấu vết trên võng mạc. Hiện tượng xuất huyết có thể xảy ra nhiều lần, chủ yếu là vào ban đêm. Các vết này sẽ mất đi sau đó nhưng cũng có thể còn lại mãi, làm giảm thị lực của bệnh nhân.
Theo giáo sư Drasdo, việc dùng ánh sáng phải được duy trì thường xuyên vì bệnh lý võng mạc cần tới 20 năm để xuất hiện. Cũng chưa rõ tác dụng lâu dài của phương pháp này. Do nghiên cứu có quy mô quá nhỏ nên cần nhiều nghiên cứu mới trước khi có thể đưa ra lời khuyên cụ thể cho người bệnh. Nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet sẽ ra ngày 29/6.
Thu Thủy (theo WebMD)