Ngày càng có nhiều trẻ em thành phố bị béo phì
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang..., tỷ lệ trẻ 6-10 tuổi thừa cân là 9-12% và đang có xu hướng tăng nhanh. Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm thói quen ăn uống, sinh hoạt không hợp lý của trẻ và nhận thức chưa đúng của cha mẹ về tác hại của béo phì đối với sức khỏe.
Qua theo dõi tình trạng thể lực của học sinh Hà Nội, Viện Dinh dưỡng nhận thấy, tình trạng thừa cân ở tất cả các lứa tuổi đều có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tỷ lệ thừa cân và béo phì thể hiện cao nhất ở học sinh cấp tiểu học (6-10 tuổi) với 9%, tiếp đến là lứa tuổi trung học cơ sở với 6%.
Tại TP HCM, theo Trung tâm Dinh Dưỡng, tỷ lệ thừa cân và béo phì ở lứa tuổi 6-11 là 12%. Tại Nha Trang, theo điều tra của Viện Pasteur, 4,3% trẻ lứa tuổi mẫu giáo bị thừa cân. Đến cấp tiểu học, nhiều em có cân nặng 50-60 kg.
Trẻ béo phì - lỗi một phần do cha mẹ
Theo một điều tra, phần lớn cha mẹ học sinh nhóm béo phì đều cho rằng béo đồng nghĩa với khỏe mạnh. Chỉ có 42,7% nhận thức được béo phì là không tốt cho sức khỏe.
Thói quen ăn uống là yếu tố quan trọng tác động đến cân nặng của trẻ. Trong khi đó, do nhận thức sai hoặc do dễ dãi, nhiều người đã tạo cho con một chế độ ăn uống không phù hợp. Nghiên cứu đã cho thấy, nguy cơ béo phì tăng:
- 12 lần ở những trẻ ăn trứng hằng ngày.
- 11 lần ở trẻ có thói quen ăn đồ rán hằng ngày và ăn bữa phụ trước khi đi ngủ.
- 6-8 lần ở trẻ ăn thịt mỡ, đường, uống nước ngọt hằng ngày.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ béo phì thường lười hoạt động hơn trẻ bình thường. Thời gian vận động (chạy, đi bộ, chơi thể dục thể thao) ở nhóm trẻ béo là 49 phút/ngày, trong khi ở trẻ thường là 68 phút. Ngược lại, thời gian dành cho các hoạt động tĩnh (đặc biệt là xem tivi) ở trẻ em béo cao hơn hẳn: 82 phút/ngày (so với trẻ bình thường là 50 phút).
Vì vậy, tạo lập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh và chế độ tập thích hợp là điều mà các bậc phụ huynh rất cần quan tâm.
Béo không có nghĩa là khỏe mạnh
Tình trạng thừa cân và béo phì gây nên một số bệnh, trong đó có chứng tăng huyết áp ở trẻ em. Có khoảng 16% trẻ béo phì bị tăng huyết áp và tỷ lệ này có xu hướng tăng theo tuổi (ở trẻ 6 tuổi, tỷ lệ tăng huyết áp là 5% và ở lứa tuổi 10-11 là 25%).
Các chỉ tiêu sinh hóa ở trẻ béo phì đều vượt quá giới hạn bình thường, trong đó 16% trẻ có cholesterol và 78% có triglycerid cao hơn bình thường. Đây là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch sau này. Để khắc phục, cần giảm chất béo trong khẩu phần ăn của trẻ.
Béo phì có tính chất di truyền rõ rệt. Nguy cơ béo phì ở những trẻ có mẹ mắc chứng này tăng 7,5 lần. Trẻ có bố béo phì thì nguy cơ này tăng 4,8 lần.
Thanh Niên