TUỔI NHÀ TRẺ VẪN RẤT CẦN ÐẾN SỮA
Tác giả : BS. NGUYỄN LÂN ÐÍNH (Chuyên viên Dinh dưỡng)
Trẻ từ 1- 3 tuổi là thời gian phát triển răng sữa. Lúc thôi nôi mới được 6 chiếc răng cửa, đến 26 tháng thường có đủ 20 chiếc của lứa răng sữa. Nhiều người nghĩ trẻ có răng là đã nhai được thức ăn nên ít quan tâm đến nhu cầu về sữa. Tuy nhiên đây là một suy nghĩ không đúng vì vào giai đoạn này, trẻ cũng vẫn rất cần đến sữa.
Chế độ ăn của trẻ áp dụng theo tháp dinh dưỡng
Ở nhà trẻ, theo chế độ ăn, người ta phân loại các cháu vào nhóm (ăn) cháo, cơm nát, cơm thường và áp dụng tháp dinh dưỡng về lượng nên ăn mỗi ngày cho từng nhóm thức ăn. Từ đáy tháp lên tới đỉnh, có:
1. Lương thực căn bản.
2. Rau: Nên phân biệt rau lá xanh với các rau củ, rau quả và rau khác (như giá, măng, hoa v.v...). Rau càng đậm màu thì bảo đảm càng có nhiều Caroten, vitamin C và các muối khoáng như sắt, vôi...
3. Trái cây: Dùng tráng miệng sau bữa ăn.
4. Thức ăn giàu chất đạm: Bao gồm cả thức ăn động vật như thịt, cá, trứng, sữa v.v... lẫn thức ăn thực vật như các hạt họ đậu, sữa đậu nành và các loại tàu hũ (đậu phụ). Trẻ 1-3 tuổi còn cần ít nhất 1/2 lít sữa mỗi ngày.
5. Nhóm thức ăn giàu chất béo: Cần cho trẻ vì giúp đưa vào các sinh tố cần thiết cho sự tăng trưởng dễ tan trong dầu, mỡ và hấp thu theo.
6. Ðường: Không có cũng được vì hay gây táo bón và sâu răng. Không nên đem lại quá 10% tổng số Calo.
7. Muối: Trẻ có nhu cầu về muối thấp hơn người lớn vì thận còn yếu, chỉ cần cho trẻ ăn những thức ăn luộc với ít nước (không phải nêm) cũng có thể cung cấp đủ nhu cầu về muối khoáng.
Ô vuông dinh dưỡng là nguyên tắc nên áp dụng để từng bữa ăn được cân đối cả về chất lẫn lượng: Mỗi bữa nên có đủ bột - béo - đạm - rau + trái cây (cung cấp chất xơ, muối khoáng và sinh tố). Vào độ 1,5 tuổi, ít nhiều trẻ cũng đã ăn được những thức ăn giống như người lớn, về khối lượng có thể ăn được từ 1/3 đến 1/2 chén (200 ml) mỗi bữa. Với thức ăn giàu đạm như thịt, mỗi bữa không nên cho trẻ ăn quá 1 muỗng canh vun, nếu là tàu hũ thì có thể cho gấp đôi. Sau bữa ăn nên cho trẻ tráng miệng bằng một ít trái cây, chẳng hạn 1 trái chuối cau hay 1-2 muỗng đu đủ. Cần lưu ý là với trẻ ở tuổi này, khi chế biến thức ăn không nên nêm mặn hay ngọt như cho người lớn, chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/2 là thích hợp. Cũng cần tránh cho trẻ ăn những mẩu thức ăn cứng và nhỏ như hạt dưa, đậu phộng: Các loại trái cây có hột nhỏ như na, sa-pô-chê trước khi cho trẻ ăn nhớ loại bỏ hạt vì lỡ nuốt phải sẽ dễ bị sặc và đôi khi rất nguy hiểm.
Cho bé tham gia vào bữa cơm gia đình
Vào độ tuổi này, cũng là lúc nên tập cho trẻ tự xúc ăn một mình và bắt đầu "tham gia" vào các bữa ăn gia đình. Dù chưa ăn được những thức ăn giống người lớn nhưng cha mẹ có thể cho bé "nếm" thử các thức ăn sau khi xắt nhỏ. Tuy nhiên, sẽ phải mất một thời gian để tập cho bé chịu ngồi yên trong bữa ăn.
Vai trò của các bữa phụ
Cho bé ăn thêm khoảng 2-3 bữa phụ, trong đó sữa hay các sản phẩm từ sữa sẽ là món chính (thí dụ yaourt, bánh flan...) vào các giờ: 9-14 giờ, 20-21 giờ kèm với trái cây, nước trái cây, 1-2 cái bánh quy. Tuy gọi là bữa phụ nhưng năng lượng tổng cộng cũng tương đương với 1/2 lít sữa tươi.
Cách làm cho sữa trở nên đa dạng
Các thức ăn trong bữa phụ cũng đóng góp cho khẩu phần ăn cả ngày, người ta còn tìm cách làm sao để có thể cho trẻ ăn những thứ khác nhau vào bữa chính và bữa phụ.
- Sữa và những loại đồ uống chế biến từ sữa dùng làm bữa phụ rất tốt vì hàm chứa chất đạm, vôi và nhiều vitamin nhóm B. Với trẻ 1-2 tuổi nên sử dụng sữa nguyên kem; 2-3 tuổi có thể dùng sữa 1/2 béo để không bị dư cân. Có thể pha trộn sữa với trái cây tươi hay nước ép trái cây để làm tăng độ bổ dưỡng nhờ Caroten và vitamin C. Tránh loại có bỏ thêm xi-rô đường.
- Ðừng quên những sản phẩm từ sữa như yaourt, phô-mai, bánh Flan... có độ bổ dưỡng ngang bằng hay còn hơn sữa tươi. Cũng có khi một thức ăn bị trẻ "chê" ở hình thức này nhưng lại chấp nhận dưới hình thức khác. Ví dụ không chịu uống sữa nhưng lại đòi ăn kem (làm từ sữa), hoặc yaourt trắng thì chê, nhưng nếu trộn với dâu hay mơ thì lại thích...
Hãy cho các cháu tham gia chuẩn bị bữa ăn
Bạn cũng có thể làm trẻ chú ý tới thức ăn hơn bằng cách cho cháu tham gia vào việc sắp xếp hay thậm chí chuẩn bị một phần cho bữa ăn phụ. Bé sẽ rất hãnh diện vì được phụ giúp bạn rửa hay nhặt rau, đi lấy ly tách để mẹ rót nước cho uống...