Các biểu hiện thiếu vitamin ở trẻ
Nên cho trẻ phơi nắng sớm để tránh còi xương do thiếu vitamin D. |
Hãy nghĩ đến tình trạng thiếu vitamin A nếu con bạn có làn da thô ráp, sần sùi, mắt khô, sợ ánh sáng, dễ chảy nước mắt, hoặc quáng gà. Trẻ thiếu vitamin A cũng dễ nhiễm trùng đường hô hấp, chậm lớn, mệt mỏi, lười chơi.
Để điều trị và phòng bệnh, nên cho trẻ ăn chế độ ăn có mỡ, dùng nhiều thực phẩm chứa vitamin A như gấc, gan, trứng, cá, đu đủ, xoài, hồng. Đưa trẻ đi uống vitamin A định kỳ 6 tháng một lần ở các trạm y tế.
Nhu cầu về vitamin của trẻ em cao hơn người lớn. Nếu thiếu một loại vitamin nào đó, cơ thể sẽ xuất hiện những triệu chứng tương ứng:
Thiếu vitamin B1: Triệu chứng chủ yếu là rối loạn tiêu hóa, kém
ăn, nôn, đại tiện lỏng hay táo bón. Nếu ở thể cấp diễn (thể nặng)
trẻ có thể bị liệt chi dưới.
Điều trị và phòng bệnh: Cho trẻ
dùng vitamin B1, có thể dùng đường tiêm hoặc uống. Chế độ ăn phải
thay đổi luôn, có nhiều rau. Các bà mẹ cho con bú cần ăn uống đầy
đủ, không ăn gạo sát kỹ quá, không nên ăn uống kiêng khem quá mức.
Thiếu vitamin PP: Bệnh thường thấy ở trẻ ăn bột, ngô hoặc những
trẻ ở tập thể, ăn không đầy đủ, trẻ có rối loạn tiêu hóa mạn tính.
Triệu chứng là hay tiêu chảy, phân có mũi hoặc có máu; hay bị viêm
miệng và lưỡi, không ngủ được, lờ đờ. Nếu không được điều trị, bệnh
nhi sẽ tử vong do viêm phổi, viêm thận.
Điều trị và phòng bệnh: Bổ sung vitamin PP cho trẻ, uống thêm
vitamin B và men bia.
Thiếu vitamin B12: Sắc mặt của
trẻ trắng bệch, lông tóc hơi vàng, thần kinh không phấn chấn, không
muốn ăn, nôn mửa, tiêu chảy... Lúc này, cần cho trẻ uống vitamin
B12.
Thiếu vitamin K: Xuất hiện trong thời kỳ mới
đẻ, vào ngày thứ 3-5, do vi khuẩn đường ruột chưa tổng hợp đủ
vitamin K. Bệnh cũng gặp ở các trẻ em bị tắc đường mật, rối loạn
tiêu hóa. Triệu chứng chủ yếu là chảy máu ở đường tiêu hóa (nôn ra
máu, đại tiện ra máu), ở da, niêm mạc. Cách phòng chống tốt nhất là
cho thai phụ uống hoặc tiêm vitamin K trước khi đẻ và cho trẻ
uống/tiêm vitamin K ngay sau khi sinh.
Thiếu vitamin D:
Nếu trẻ hay đổ mồ hội trộm, đầu mềm, thóp chậm liền, răng chậm mọc;
trẻ bực tức khó chịu, ngủ hay giật mình, rụng tóc...
Điều trị và phòng bệnh: Nên cho trẻ em nhiều đạm, mỡ, ăn các
thứ nhiều vitamin D như trứng gà, dầu cá... Trong thời gian mang
thai, người mẹ cần ăn uống đầy đủ thịt cá, rau tươi... Nhà ở phải
thoáng mát, có ánh sáng mặt trời. Nên cho trẻ ra ngoài trời từ tháng
thứ 2 (tùy vào thời tiết). Nếu là trẻ sinh đôi hay trẻ đẻ non, ngày
thứ 8 sau khi đẻ cần cho uống vitamin D.
Lưu ý: Khi trẻ có các biểu hiện thiếu vitamin, cần
đưa đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tránh tự ý dùng
thuốc vì dù là vitamin cũng có thể gây ngộ độc.
TS. Hồ Anh Kiên, Sức Khoẻ & Đời Sống