Có nên cho con bú khi người mẹ bị ốm?
Nên hạn chế dùng thuốc khi cho con bú. |
Với phần lớn các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp, người mẹ vẫn có thể tiếp tục cho con bú. Việc cho bú lúc này không làm tăng nguy cơ truyền bệnh cho đứa trẻ vì trong sữa mẹ có sẵn các kháng thể chống lại vi sinh vật gây bệnh.
Tuy
vậy, các nhận xét dịch tễ học cho thấy, có một tỷ lệ nhất định trẻ
nhỏ lây nhiễm HIV do bú sữa mẹ nếu người mẹ bị HIV dương tính. Do
vậy, xu hướng chủ yếu hiện nay là không cho trẻ bú khi mẹ bị nhiễm
HIV. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, khi mẹ bị nhiễm HIV, nếu
có điều kiện kinh tế, có thể nuôi dưỡng trẻ tốt thì không nên nuôi
con bằng sữa mẹ.
Một vấn đề khác cần quan tâm là phải xem
người mẹ đang điều trị bằng thuốc gì? Các thuốc đó có làm giảm sự
tiết sữa, có làm thay đổi mùi vị của sữa hay độc hại cho trẻ hay
không (bởi hầu hết các thuốc đều đi vào sữa mẹ tuy chỉ với một lượng
rất nhỏ). Qua đó, có thẻ lựa chọn thuốc cho phù hợp, cụ thể:
- Khi người mẹ phải dùng các thuốc thông thường như hạ sốt, giảm đau, vitamin... với liều trung bình, ít khi phải cho trẻ ngừng bú. Nếu bị sốt, người mẹ cần uống nhiều nước hơn. Nếu vì mệt mỏi không muốn cho con bú, người mẹ cần vắt sữa (cứ 3 giờ vắt một lần) và cho con ăn bằng thìa.
- Khi phải dùng kháng sinh, nếu có thể được, nên tránh dùng các thuốc: cloramphenicol, tetraxiclin, metronidazon, sulfonamid...
- Không dùng các thuốc lợi tiểu, thuốc tránh thai có oestrogen vì có thể làm giảm tiết sữa.
Cần ngừng cho con bú khi mẹ phải dùng các thuốc chữa bệnh tâm thần, thuốc chống co giật, thuốc điều trị ung thư hoặc đang phải xạ trị. Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc do thuốc, người mẹ trong thời gian cho con bú cần theo đúng chỉ định và ý kiến tư vấn của thầy thuốc.
BS Nguyễn Hưng Thịnh, Sức Khỏe & Đời Sống