Mổ nội soi có thể áp dụng rộng rãi cho trẻ nhỏ
Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Nhi. |
Phương pháp này có thể được áp dụng trong rất nhiều bệnh như phình đại tràng, phì đại tuyến ức, tinh hoàn lạc chỗ, mủ màng phổi, u nang phế quản... Đã có 200 bệnh nhân nhỏ tuổi với 20 loại bệnh được Viện Nhi (Hà Nội) cứu sống bằng mổ nội soi.
BS Nguyễn Văn Lộc, Phó Viện trưởng Viện Nhi, cho biết, mổ nội soi với diện tích vết mổ hẹp sẽ giúp giảm thiểu tai biến do nhiễm trùng, mất máu. Ngoài ra, bệnh nhân cũng ít bị đau đớn, thời gian hồi phục sau mổ nhanh, vết sẹo nhỏ. Tổng kết 200 ca phẫu thuật nội soi tại Viện Nhi cho thấy, tỷ lệ phải chuyển sang mổ hở rất thấp, lượng máu bị mất ít hơn hoặc tương đương mổ hở, sau mổ không có trường hợp nào bị tử vong hoặc biến chứng. Ở tất cả các bệnh nhân phẫu thuật ổ bụng, không có trường hợp nào bị liệt ruột, kể cả những phẫu thuật phức tạp điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh.
Các bệnh lý có thể điều trị bằng mổ nội soi
Phương pháp này giúp chữa các bệnh phình to đại tràng (megacolon), cắt lách, cắt nang phổi, cắt phì đại tuyến ức, chữa thoát vị cơ hoành, khối u buồng trứng, giãn tĩnh mạch tinh, teo hậu môn trực tràng, tinh hoàn lạc chỗ, thận niệu quản đôi, mủ màng tim, mủ màng phổi...
Trong đó, các bệnh lý tiết niệu (như tinh hoàn lạc chỗ, giãn tĩnh mạch tinh, tình trạng giới tính không xác định, thận niệu quản đôi) là những chỉ định tốt cho mổ nội soi. Với những trường hợp tinh hoàn "ngoan cố" nằm trong ổ bụng, phương pháp này cho phép vừa chẩn đoán vừa điều trị. Phẫu thuật nội soi có thể bóc tách mạch máu lên rất cao nên "hạ" được tinh hoàn xuống đúng vị trí.
Phẫu thuật lồng ngực bằng nội soi tuy ít được chỉ định đối với trẻ em nhưng cũng đã được áp dụng thành công cho các bệnh mủ màng phổi, nang phế quản, nhược cơ, u tuyến ức, u màng ngoài tim và thoát vị cơ hoành. Đặc biệt, gần đây, Viện Nhi đã thực hiện mổ nội soi thành công cho một bệnh nhân thoát vị cơ hoành mới 17 ngày tuổi.
Mổ nội soi được chỉ định nhiều nhất trong trường hợp mổ ổ bụng, cắt u nang buồng trứng, cắt túi mật. Theo BS Lộc, đối với các bệnh viêm ruột thừa, co hậu môn trực tràng, có rò trực tràng bàng quang... ở trẻ em, phẫu thuật nội soi vẫn tỏ ra ưu việt hơn mổ hở.
Mổ nội soi cũng có thể gây nguy hiểm
BS Nguyễn Văn Lộc cho biết, phương pháp trên có thể gây nguy hiểm nếu được áp dụng cho bệnh nhân phình đại tràng bẩm sinh, hoặc khi tiến hành cắt lách phì đại. Lách trong tình trạng bị thương tổn nặng nề sẽ phì đại đến mức bất ngờ, giống như một túi nylon mọng nước, chỉ một sơ suất nhỏ cũng gây chảy máu ồ ạt. Trong khi đó, với trẻ sơ sinh nặng 2-4 kg, việc mất 5-10 ml máu cũng đủ gây nguy hiểm. Nếu mất nhiều máu, các cháu sẽ rơi vào tình trạng sốc và tử vong.
Hiện Viện Nhi chưa áp dụng đại trà mổ nội soi đối với bệnh thận vì cơ quan này nằm sau phúc mạc, việc phẫu thuật sẽ rất phức tạp, cần được nghiên cứu thêm. Riêng trong phẫu thuật não và xương, cho đến thời điểm này, phương pháp nội soi vẫn chưa được áp dụng ở Việt Nam và cả trên thế giới.
Lao Động