GIẢM TỶ LỆ SUY DINH DƯỠNG TRẺ EM CON SỐ THÁCH
THỨC VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP
BS. ĐÂNG QUỐC VIỆT
Theo số liệu báo cáo
của Bộ Y tế, đến cuối năm 1998, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của
cả nước là 39,8%. Vấn đề đặt ra là trong 2 năm 1999 và 2000 cả nước phấn đấu
đạt chỉ tiêu tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chỉ còn 30% như theo Nghị
quyết 37 C/P của Chính phủ. Giải pháp nào để đạt được chỉ tiêu đó?
30% - CON SỐ THÁCH THỨC
Rất nhiều nguyên nhân để
chỉ tiêu chỉ còn 30% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) vào năm 2000 trở
nên một con số thách thức.
Trước hết, năm 1998, nước
ta chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trên thế giới và
trong khu vực, thu nhập quốc dân giảm (chỉ tăng 5,83% so với dự kiến là 9%).
Những tác động này sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng kéo dài trong cả năm 1999 và
năm 2000. Thứ đến, ngân sách Nhà nước đầu tư cho y tế không tăng trong khi
dân số tăng hơn 1 triệu người, nhiệm vụ của ngành Y tế tăng (triển khai công
tác quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm). Ngược lại các nguồn viện trợ,
vốn vay có chiều hướng giảm do các nhà tài trợ quốc tế chuyển đầu tư từ châu
Á sang châu Phi.
Thời tiết, khí hậu diễn
biến phức tạp ở nước ta cũng là một thách thức. Nhiều nơi bị hạn hán, thiếu
nước trồng trọt nên năng suất cây trồng giảm, kinh tế phát triển chậm dẫn
đến số hộ đói nghèo nguy cơ tăng. Đồng thời thiếu nước sinh hoạt không bảo
đảm vệ sinh ăn uống cũng dễ làm bệnh dịch phát sinh, phát triển. Mặt khác
theo dự báo, năm nay có khả năng xuất hiện bão to, lũ lớn vừa là nguyên nhân
gây thiệt hại kinh tế vừa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát.
Các yếu tố này đều dẫn đến nguy cơ làm tăng số trẻ SDD.
Môi trường sống đang bị
tàn phá nặng nề do tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa tăng nhanh, đồng
thời tình trạng di dân tự do đã làm cho nhiều dịch bệnh trước đây đã bị
khống chế nay có cơ hội bùng phát thành dịch như sốt rét, sốt xuất huyết,
dịch hạch.
Cuối cùng, phải nói là
nước ta đang còn gần 20% dân số là người nghèo sống ở nông thôn, miền núi
(trong đó 1.715 xã đặc biệt khó khăn) là vùng kinh tế phát triển chậm. Tỷ lệ
trẻ em SDD ở những gia đình nghèo, vùng nghèo cao hơn các vùng khác, nhiều
nơi tỷ lệ trẻ em SDD còn trên 50%.
Đó là những nguyên nhân
chủ yếu để con số tỷ lệ 30% trẻ em dưới 5 tuổi SDD vào năm 2000 trở nên một
con số thách thức chúng ta.
CÁC GIẢI PHÁP
Trên thực tế, khi đi công
tác ở cơ sở, chúng tôi thấy có khá nhiều địa phương triển khai phòng chống
SDD trẻ em đạt kết quả tốt. Huyện Thanh Miện (Hải Dương) tỷ lệ SDD trẻ em
còn 33,7%, Thị trấn Chợ Gạo (Tiền Giang) còn 21%, phường Phú Thọ (thị xã Thủ
Dầu Một, tỉnh Bình Dương) còn 21%.
Qua tình hình thực tế,
kinh nghiệm của các địa phương, chúng tôi đề xuất một số giải pháp để đạt
được chỉ tiêu nói trên.
Trước hết, phải nói đến là
nâng cao đời sống kinh tế cũng như xã hội cho người dân. Đói nghèo vừa là
nguyên nhân vừa là bạn đồng hành của SDD, nên vấn đề cơ bản số 1 là phải
giải quyết lương thực cho dân đủ ăn. Mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Đảng
và Nhà nước ta được cụ thể bằng 2 chương trình: chương trình mục tiêu Quốc
gia xóa đói giảm nghèo (chương trình 133) và chương trình phát triển kinh
tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (chương
trình 135). Đây là hai chính sách đòn bẩy đẩy mạnh phát triển kinh tế, thực
hiện công bằng xã hội, đồng thời là cơ sở chính trị, xã hội vững chắc góp
phần giải quyết vấn đề phát triển kinh tế cho vùng nghèo, người nghèo.
Chúng ta cũng nhận thấy
rằng, hiện nay tỷ lệ trẻ SDD ở những gia đình không nghèo còn chiếm tỷ lệ
đáng kể. Nguyên nhân là do các bà mẹ, nhất là bà mẹ trẻ đang thiếu kinh
nghiệm nuôi con. Để giải quyết vấn đề này cần triển khai mạnh mẽ công tác
truyền thông, tư vấn và hướng dẫn cách nuôi con khoa học cho các bà mẹ.
Kinh nghiệm phát triển
kinh tế nông thôn trong thời gian vừa qua với mô hình vườn - ao - chuồng
(VAC), ở miền núi là VACR đã có nơi làm tốt. Huyện Thanh Miện (Hải Dương)
xuất hiện mô hình "màu xanh rau ngót, màu vàng đu đủ, màu đỏ trứng gà".
Ơû đây mỗi gia đình đã hưởng ứng phong trào trồng thêm một mét vuông rau
ngót, trồng thêm một cây đu đủ và thêm một con gà. Kết quả sau ba năm thực
hiện đã giảm tỷ lệ trẻ SDD. Nhưng không phải địa phương nào cũng thực hiện
được như Thanh Miện, nhiều nơi đang lúng túng.
Nguyên nhân sinh nhiều ở
các gia đình nghèo là do thiếu điều kiện giải trí, nâng cao hiểu biết. Họ
không có radio và tivi. và đó cũng là nguyên nhân sinh con nhiều ở các gia
đình này. Giải quyết vấn đề này, chương trình 135 đầu tư xây dựng đồng bộ cơ
sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm. cho các xã nghèo, nhằm cung ứng các
dịch vụ cần thiết để nhân dân trong đó có người nghèo có thể tiếp cận và sử
dụng được. Bên cạnh đó, tập tục lạc hậu còn có ở đồng bào dân tộc thiểu số
vùng cao như sinh nhiều, sinh dày, sinh tại nhà, cúng bái khi ốm đau. là
những nguyên nhân gây tai biến sản khoa, nhiễm khuẩn. và cũng làm tăng tỷ lệ
SDD trẻ em. Giải bài toán này cần tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao
nhận thức của nhân dân để họ từng bước thay đổi hành vi và tự nguyện loại bỏ
các tập tục lạc hậu.
Các giải pháp về kinh tế
xã hội cần được thực hiện đồng bộ với các giải pháp tác động đến trẻ dưới 5
tuổi và bà mẹ đang độ tuổi sinh con.
Đối với trẻ dưới 5 tuổi
cần được tiêm chủng 6 loại vắc-xin 6 bệnh truyền nhiễm; trẻ cần được giảm tỷ
lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh viêm phổi, bệnh tiêu chảy. Cần cân và theo
dõi biểu đồ tăng trưởng trẻ em và cho trẻ em uống viên sắt, vitamin A. Chú ý
nhất là trẻ dễ mắc, tử vong do viêm phổi, tiêu chảy. Đây là hai nhóm bệnh
trẻ dễ mắc nhất, mắc nhiều nhất và diễn biến phức tạp nhất, nguy cơ dẫn đến
SDD cao nhất và gây tử vong nhiều nhất.
Với các bà mẹ trong độ
tuổi sinh con phải chú ý: phụ nữ có thai được khám đủ ba lần, được theo dõi
biểu đồ tăng trưởng đề phòng SDD bào thai. Họ cần được uống viên sắt đề
phòng thiếu máu. Phụ nữ nuôi con ba tháng đầu được uống vitamin A đề phòng
thiếu vitamin A và phòng bệnh khô mắt cho trẻ. Phụ nữ có thai được tiêm
chủng uốn ván 2 lần. Cần giảm tỷ lệ SDD và giảm tình trạng thiếu vi chất
dinh dưỡng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Đầu tư cho công tác phòng
chống SDD chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bởi đó là sự
đầu tư xây dựng nguồn lực quan trọng nhất - nguồn lực con người - nguồn lực
có vai trò quyết định sự phát triển của đất nước. Trong đó đầu tư cho công
tác phòng chống SDD trẻ em còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi đó chính
là sự đầu tư cho những chủ nhân tương lai của đất nước, góp phần phát triển
giống nòi. Để thực hiện mục tiêu cao đẹp trên, trong điều kiện đất nước còn
nghèo, nguồn lực có hạn, thì việc triển khai đồng bộ các giải pháp là phương
thức hiệu quả nhất góp phần giảm tỷ lệ SDD nói chung và SDD trẻ em nói
riêng.