Những nguy cơ thường gặp ở trẻ sinh non
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ ra đời trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng là sinh non. Các em thường rất yếu ớt, tỷ lệ bệnh tật và tử vong cao, đặc biệt là những trẻ không quá 32 tuần thai và nặng dưới 2.000g lúc chào đời.
Tỷ lệ trẻ sinh non ở Việt Nam hằng năm là 10% (khoảng 150.000 em). Việc chăm sóc và nuôi dưỡng các em gặp rất nhiều khó khăn do các cơ quan trong cơ thể chưa phát triển chín muồi.
Trẻ sinh thiếu tháng rất dễ bị hạ thân nhiệt, ngay cả khi thời tiết nóng. Nguyên nhân là lớp mỡ dưới da của trẻ quá mỏng, khả năng sản sinh nhiệt kém, trong khi sự mất nhiệt do bức xạ và bốc hơi lại rất lớn. Trung tâm điều hóa thân nhiệt của trẻ hoạt động yếu. Nhiệt độ môi trường dễ khiến trẻ bị lạnh và phù cứng, vì lớp mỡ dưới da chứa nhiều axit béo no nên rất mau đông cứng. Việc sưởi ấm cho trẻ sinh non cực kỳ quan trọng và cách hiệu quả nhất là người mẹ ôm trẻ vào lòng.
Bé sinh non có nguy cơ hạ đường huyết và canxi huyết rất cao do năng lượng dự trữ thiếu và ăn uống quá ít. Để khắc phục tình trạng này, trẻ cần được cho ăn sớm và nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ chưa tự dung nạp thức ăn qua đường tiêu hóa thì nên tiến hành nuôi bằng đường tĩnh mạch trong những ngày đầu (việc này chỉ thực hiện được trong bệnh viện). Khi bắt đầu ăn được qua đường miệng, trẻ cần ăn sữa mẹ ngay. Sữa mẹ rất cần cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ đẻ non vì nó chứa nhiều protein, đặc biệt là protein kháng khuẩn. Protein giúp trẻ sinh non phát triển nhanh, còn protein kháng khuẩn giúp bảo vệ cơ thể yếu ớt của trẻ chống lại các bệnh truyền nhiễm.
Trẻ sinh non thường bị suy hô hấp. Tuổi thai càng thấp thì tỷ lệ suy càng cao, dễ dẫn đến tử vong do bị xẹp phổi và hội chứng màng trong. Những trường hợp này cần được điều trị tích cực tại bệnh viện.
Ngoài ra, những trường hợp sinh thiếu tháng có nguy cơ xuất huyết cao, nhất là xuất huyết màng não và phổi. Tình trạng xuất huyết sẽ càng trầm trọng nếu trẻ bị thiếu oxy hoặc hạ thân nhiệt.
Để giảm tỷ lệ trẻ sinh non, thai phụ cần được chăm sóc tốt, nhất là trong thời kỳ thai nghén. Chị em cần đi khám thường xuyên để sớm phát hiện dấu hiệu sinh non và có biện pháp xử lý kịp thời.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kiểm, Sức Khỏe & Đời Sống