Trẻ trầm cảm dễ trở nên nghiện ngập
Đây là một rối loạn khá phổ biến ở trẻ, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Trầm cảm có thể gây các hậu quả nghiêm trọng như giảm hoặc mất khả năng học tập, sinh hoạt gia đình và giao tiếp xã hội. Nó có thể đẩy trẻ vào con đường nghiện rượu, ma túy và tăng gấp 5 lần nguy cơ tự sát.
Để phát hiện sớm trầm cảm ở trẻ em, cần chú ý đến những em hay bối rối, buồn vui thất thường hoặc nhạy cảm quá mức. Các bậc cha mẹ cũng cần phải hiểu rằng rối loạn này không phải chỉ là buồn bã chán nản mà còn có thể bao gồm nhiều dấu hiệu khác về cảm xúc, ý nghĩ và thể chất (đau nhiều vị trí trong cơ thể, mệt mỏi, suy nhược). Nhiều khi các em uống rượu, sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác để tìm cảm giác thoải mái.
Các dấu hiệu sớm của trầm cảm trẻ em xuất hiện ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống hằng ngày. Trẻ đang vui vẻ hòa hợp, có nhiều bạn bè cùng lứa tuổi, bỗng nhiên dần dần ít nói, ngại giao tiếp, hay cáu kỉnh, hay ở một mình trong phòng, không thích vui chơi với bạn bè, hờ hững với các hoạt động của lứa tuổi hoặc các sở thích trước đây. Kết quả học tập của trẻ đang tốt tự nhiên sút kém, ngại học, hay quên. Từ một người hăng hái, thích hoạt động, trẻ trở nên chậm chạp, luôn cảm thấy mệt mỏi, ngại làm việc. Trước đây, trẻ luôn tự tin thì nay hay bi quan, tự ti...
Lứa tuổi này có thể khó giải thích được tâm trạng của mình nên lại càng ít muốn chia sẻ cùng cha mẹ. Do đó, cha mẹ cần gần gũi, nhận xét những thay đổi trong cuộc sống của con em mình, luôn luôn chia sẻ cùng con cái để nhận biết sớm trầm cảm.
Ở giai đoạn muộn hơn, các dấu hiệu trở nên rõ rệt: nét mặt buồn rầu, hay khóc hoặc cáu kỉnh; mệt mỏi và mất hứng thú trong cuộc sống; khó tập trung tư tưởng. Những ý nghĩ tồi tệ xuất hiện liên tục như tự trách mình, ân hận, day dứt quá khứ, thậm chí tuyệt vọng, muốn chết; cơ thể không khỏe mạnh, có thể khó chịu hoặc đau ở nhiều nơi. Giấc ngủ bị xáo trộn, trẻ hay thức giấc nửa đêm gần sáng, khó vào giấc ngủ, mất ngủ; ăn không ngon miệng; sút cân hoặc tăng cân... Những dấu hiệu trên thường kéo dài ít nhất hai tuần đến vài tháng.
Trẻ có thể ổn định nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, cha mẹ khi nghi ngờ trẻ có rối loạn trầm cảm cần đưa đến với một trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần hoặc một nhi khoa để khám và điều trị. Bệnh có nguy cơ tái diễn cao; 40% số trẻ bị bệnh sẽ tái diễn trong 2 năm đầu, 70% tái diễn ở tuổi trưởng thành. Do vậy, trẻ cần được theo dõi và điều trị dự phòng tái diễn ít nhất 6 tháng.
ThS Nguyễn Thị Thanh Mai, Sức Khỏe & Đời Sống