Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Tác giả : BS. CAM NGỌC PHƯỢNG (Khoa Hồi sức sơ sinh - BV. Nhi đồng I)Một số rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ sơ sinh bao gồm ọc sữa, tiêu chảy, bón, bú kém. Nguyên nhân của các vấn đề này có thể do phương pháp cho bú không đúng hoặc do một số bệnh lý như nhiễm trùng, kém hấp thu, dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.
1. Nôn ói
Ðây là triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ bình thường cũng hay trớ một lượng nhỏ sữa trong hoặc ngay sau bú. Bú no quá, bú các cữ gần nhau quá, đổi loại sữa, lỗ núm vú cao su to hoặc nhỏ quá, đặc biệt tư thế bế trẻ không đúng là những nguyên nhân có thể làm trẻ ọc sữa.
Có thể làm giảm ọc bằng tư thế cho bú đúng.
Cách bế trẻ đúng cách bao gồm:
- Ðầu và thân trẻ ở trên cùng một đường thẳng.
- Mặt trẻ đối diện với vú, mũi trẻ đối diện với núm vú.
- Thân trẻ thật sát thân bà mẹ.
- Mẹ đỡ toàn bộ thân trẻ, không chỉ đỡ ở cổ và vai.
Cách giúp trẻ ngậm bắt vú tốt bao gồm:
- Mẹ nên chạm vú vào môi trẻ.
- Chờ đến khi miệng trẻ mở rộng.
- Nhanh chóng đưa miệng trẻ vào vú, hướng cho môi dưới của trẻ ở dưới núm vú.
Một số dị dạng đường tiêu hóa (như teo thực quản, teo tắc ruột, bệnh phình đại tràng bẩm sinh...) là nguyên nhân của 1/3 số trường hợp trẻ sơ sinh bị ọc. Tỷ lệ tử vong có thể rất cao nếu điều trị chậm trễ.
Vì vậy đối với mọi trẻ sơ sinh bị ói, đặc biệt cần lưu ý tìm những dấu hiệu sau để giúp nhận biết trẻ có nguy cơ và cần phẫu thuật khẩn.
- Lúc mang thai bà mẹ đa ối (nước ối nhiều, trên 2 lít).
- Ngay sau sinh trẻ nhiều đàm (sùi bọt cua).
- Ọc dịch xanh rêu.
- Bụng chướng.
- Không đi tiêu phân su 48 giờ sau sinh.
2. Tiêu chảy
Trẻ sơ sinh bình thường, đặc biệt những trẻ bú mẹ, có thể đi tiêu 5-10 lần trong một ngày, thường sau mỗi cữ bú, phân sệt, màu vàng sậm, trẻ tăng cân tốt; trường hợp này không gọi là tiêu chảy.
Nếu trẻ bú không đủ, phân có màu xanh lẫn nước nhưng lượng ít.
Nếu trẻ bú nhiều quá, mẹ uống thuốc xổ hoặc ăn thức ăn nhuận trường thì trẻ bú mẹ có thể bị tiêu chảy.
Một số nguyên nhân khác gây tiêu chảy ở trẻ sơ sinh bao gồm: nhiễm trùng, dị ứng sữa, hội chứng kém hấp thu.
3. Bón
Ở một số trẻ sơ sinh có thể đi tiêu 1 lần trong ngày hoặc mỗi 36-48 giờ, nhưng phân không khô và trẻ đi tiêu dễ, đây không gọi là bón.
Bón thường gặp ở trẻ bú sữa bột, do lượng sữa bú không đủ, do loại sữa có nhiều protein hoặc nhiều chất béo. Nếu pha sữa đặc quá (ví dụ hơn 1 muỗng sữa cho mỗi 30ml nước) trẻ cũng có thể bị bón, trong trường hợp này cần pha đúng tỷ lệ (1 muỗng sữa gạt ngang cho mỗi 30ml nước) sẽ giúp trẻ đi tiêu bình thường.
Bón có thể xảy ra ở trẻ sinh non, sinh ngạt, suy giáp, mẹ sản giật kèm hạ Magné/máu, trẻ bị nứt hậu môn. Bệnh phình đại tràng bẩm sinh làm trẻ không đi tiêu phân su trong 48 giờ đầu sau sinh, sau đó trẻ bón kéo dài kèm chướng bụng.
4. Bú kém
Bú kém là bú ít hơn một nửa thể tích sữa so với bình thường.
Bú kém do hậu quả của bú không đủ lượng kéo dài vì nôn ói, tiêu chảy, do bệnh lý thần kinh trung ương, nhiễm trùng, suy giáp.
5. Ðau bụng
Ðau bụng từng cơn kèm khóc ngất. Cơn đau xuất hiện đột ngột, có thể kéo dài nhiều giờ. Mặt trẻ đỏ hoặc có thể tái. Trong cơn đau, bụng chướng, chân co lên bụng, bàn tay nắm chặt. Trẻ đi tiêu xong có thể hết đau.
Ðau bụng ở trẻ sơ sinh có thể do đói, nuốt nhiều hơi khi bú, bú nhiều quá.
Một số bệnh lý gây đau bụng như lồng ruột, thoát vị bẹn.
6. Chậm tăng cân
Trẻ sơ sinh bình thường tăng cân khoảng 25g mỗi ngày kể từ tuần lễ thứ hai sau sinh. Lúc đầy tháng trẻ lên cân được trung bình 700g.
Nguyên nhân chính của chậm tăng cân ở một nửa số trường hợp là bú không đủ. Trẻ có thể khóc nhiều, tăng kích thích, bón, ngủ ít.
Trường hợp nặng, trẻ có dấu hiệu mất nước, da khô, thóp lõm, véo da vết véo mất chậm.
Các bà mẹ cần điều chỉnh tư thế bế trẻ bú đúng, tăng lượng sữa bú cho đủ và tìm bệnh lý đi kèm.
7. Béo phì
Thường gặp ở trẻ bú sữa bột.
Béo phì do bú nhiều, sữa pha đặc quá gây dư năng lượng, dư chất béo, chất đường. Béo phì thường kéo dài tiếp tục qua giai đoạn sơ sinh đến giai đoạn trẻ lớn.
Chú thích ảnh: Ðộng tác bú chuẩn xác giúp trẻ tránh được rối loạn tiêu hóa do nuốt nhiều hơi.