Vì sao trẻ sơ sinh suy hô hấp và qua đời? |
Ngay sau khi chào đời hoặc chỉ vài giờ sau sinh, trẻ đã thở nhanh (nhịp trên 60 lần/phút), thở rên, rút lõm ngực, tím tái vì thiếu oxy rồi đuối sức, thở chậm lại rồi ngưng thở. Có thể tiên lượng được sự cố nguy hiểm này khi trẻ bị sinh non, sinh ngạt, khi mẹ có bệnh hoặc cố tình sinh mổ. Hội chứng suy hô hấp (Respiratory Distress Syndrome) là bệnh lý gây ra do thiếu chất surfactant. Trước đây người ta gọi bệnh này là "bệnh màng trong" do quan sát thấy màng eosinophile lót trong khoảng phế nang của những trẻ tử vong vì bệnh suy hô hấp. Thành phế nang bao gồm hai loại tế bào: Tế bào phế nang loại 1 giữ vai trò trao đổi khí giữa máu mao mạch và khí phế nang. Tế bào phế nang loại 2 là nơi tổng hợp và dự trữ surfactant. Các tế bào này bắt đầu biệt hóa từ biểu mô trụ từ tuần lễ thứ 24 của thai và chủ yếu vào khoảng tuần lễ thứ 34. Trong số 3 trẻ sinh non, khi thai chưa được 34 tuần, sẽ có 1 cháu gặp sự cố này. Ðối với nhóm trẻ sinh non thai trước 28 tuần, tỷ lệ suy hô hấp lên đến hơn 80%. Các yếu tố nguy cơ
- Sinh non: Sinh non là yếu tố quan trọng nhất liên quan đến suy hô
hấp. Tế bào phế nang loại 2 có số lượng ít cho đến tuần lễ thứ 34.
Do đó, suy hô hấp ít gặp ở trẻ sinh sau 34 tuần. Trẻ sinh non
(nhất là trẻ sinh cực non), do thiếu surfactant và cấu trúc phổi
chưa đầy đủ (các phế nang chỉ bắt đầu hình thành từ tuần lễ thứ 30);
sự trao đổi khí có thể không hiệu quả vì nó xảy ra chủ yếu qua các
tiểu phế quản trong khi các cơ hô hấp chưa phát triển đầy đủ và lồng
ngực mềm làm phổi dễ bị xẹp. - Yếu tố di truyền: Khi một bà mẹ
sinh con non tháng bị suy hô hấp, cơ hội lần sinh sau cũng non và bị
suy hô hấp lên đến 90%. Suy hô hấp chiếm tỷ lệ cao ở trẻ da trắng
hơn trẻ da đen. Trẻ nam thường gặp và bị suy hô hấp nặng hơn trẻ nữ.
- Mẹ bị tiểu đường: Ðường huyết của mẹ cao dẫn đến nồng độ Insulin
của thai cao. Insulin làm chậm trưởng thành tế bào phế nang loại 2,
dẫn đến tần suất sinh trẻ suy hô hấp ở bà mẹ tiểu đường cao gấp 6
lần bà mẹ không tiểu đường. - Tổn thương chu sinh: Ngạt và xuất
huyết trước sinh làm tăng nguy cơ suy hô hấp. Thiếu oxy máu và toan
máu ức chế tổng hợp surfactant. Thiếu oxy máu và tụt huyết áp phá
hủy tế bào phế nang loại 1 và mao mạch phổi. Tổn thương hàng rào phế
nang - mao mạch dẫn đến phù phổi, từ đó làm suy giảm chức năng
surfactant. Hạ thân nhiệt gây thiếu oxy máu và toan máu, do đó cũng
ức chế chức năng surfactant. - Sinh mổ: Sinh mổ khi bà mẹ chưa
chuyển dạ kèm tỷ lệ suy hô hấp ở trẻ sơ sinh cao. Chuyển dạ phóng
thích các nội tiết tố nhóm catecholamin và steroid giúp kích thích
sản xuất và phóng thích surfactant và gây tăng tái hấp thu dịch phổi
qua hệ bạch huyết phổi. Do đó trẻ sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ
sẽ thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao. Giữa tháng
1/1986 đến 3/1991, tại BV Northwestern Memorial (Illinois, Mỹ) có
1.207 trường hợp sinh mổ vì mẹ có vết mổ cũ và mổ khi chưa chuyển
dạ, trong đó có 5 trường hợp suy hô hấp. Tỷ lệ suy hô hấp sau sinh
mổ khi chưa chuyển dạ là 0,41%. Các trường hợp này phải điều trị tại
khoa Hồi sức sơ sinh với thở máy. Trong vài năm gần đây, ở Việt
Nam có tình trạng một số sản phụ mê tín dị đoan, đi xem bói để chọn
ngày tốt sinh con và xin mổ chủ động bắt con mặc dù mẹ chưa chuyển
dạ. Hậu quả, đã có những trường hợp sau sinh, trẻ sơ sinh bị suy hô
hấp nặng, phải nhập khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1, có
cháu đã tử vong. Điều trị Nguyên tắc điều trị trẻ
sơ sinh suy hô hấp là điều trị surfactant thay thế, cung cấp oxy qua
thở áp lực dương liên tục hoặc thở máy. Bên cạnh đó là các phương
pháp điều trị hỗ trợ như bảo vệ thân nhiệt, dinh dưỡng, hỗ trợ tuần
hoàn và điều trị nhiễm trùng. BS. Cam Ngọc Phượng, Sức khoẻ & Đời sống |