Hạ đường máu ở trẻ sơ sinh
Chăm sóc trẻ sơ sinh suy dinh dưỡng ở Kiên Giang. |
Tai biến này thường xảy ra trong những ngày đầu sau đẻ và hay gặp ở trẻ đẻ thấp cân (dưới 2.500 g). Nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương cho thấy, có tới 41% trẻ đẻ thấp cân bị hạ đường máu. Nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm thần kinh của trẻ sau này.
Hạ đường máu ở trẻ sơ sinh được xác định khi đường máu giảm dưới 40 mg/dl (2,2 mmol/l) và sau khi điều trị bằng glucose thì đường máu trở về bình thường. Những trẻ có nguy cơ hạ đường máu là trẻ đẻ thấp cân, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai; trẻ đẻ ra bị ngạt, suy hô hấp nặng, nhiễm khuẩn, hạ thân nhiệt; trẻ bị đói hoặc có mẹ bị tiểu đường.
Nguyên nhân gây bệnh thường là sự suy giảm sản xuất glucose hoặc dự trữ glycogen ở gan trong thời kỳ bào thai; hoặc sự gia tăng nhu cầu sử dụng glucose. Bình thường, mức độ sử dụng glucose ở trẻ sơ sinh cao hơn người lớn; trong đó não là nơi sử dụng glucose như một nguồn năng lượng chủ yếu. Đường máu giảm xuống mức thấp nhất khoảng 1-3 giờ sau sinh rồi tăng dần lên lúc trẻ được 72 giờ tuổi. Đối với trẻ sơ sinh non tháng, thấp cân, dự trữ glycogen thường giảm, khả năng phân hủy glycogen tạo đường cũng giảm nên trẻ dễ bị hạ đường máu trong những giờ đầu sau sinh.
Biểu hiện của hạ đường máu ở trẻ sơ sinh thường không đặc hiệu, thường có đường máu thấp và trở về bình thường sau điều trị. Một số trẻ có biểu hiện li bì, rên nhẹ hoặc khóc thét, giảm trương lực cơ, run rẩy, co giật, tím tái, có cơn ngừng thở. Khi trẻ bị hạ đường máu, ngoài việc tiêm glucose 10% bằng đường tĩnh mạch, nên lưu ý cho trẻ ăn sữa càng sớm càng tốt.
Trong dự phòng hạ đường máu ở trẻ sơ sinh, việc chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ ngay sau đẻ là rất quan trọng. Sự thiếu hụt dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ thai nghén có thể làm cho thai nhi chậm phát triển trong tử cung, đẻ non, đẻ con thấp cân (cũng là điều kiện thuận lợi gây nhiễm độc thai nghén). Vì vậy, chế độ ăn cần đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng để đảm bảo sự tăng cân bình thường của thai nhi, tử cung, bánh rau, nước ối và khối lượng tuần hoàn máu của mẹ.
Theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng, khẩu phần năng lượng ở phụ nữ bình thường là 2.200 calo/ngày và tăng thêm 350 calo/ngày đối với phụ nữ có thai. Chất béo chiếm khoảng 20-25% tổng số năng lượng. Nhu cầu các chất dinh dưỡng mỗi ngày là 70 g đạm, 600 mcg vitamin A, 80 mg vitamin C, 1.000 mg canxi và 30 mg sắt. Do sắt trong khẩu phần khó đáp ứng đủ nhu cầu nên phụ nữ có thai cần uống thêm viên sắt mỗi ngày 1 viên (60 mg sắt nguyên tố + 0,4 mg axit folic) trong suốt thời gian mang thai đề phòng thiếu máu.
Ngoài ra, cần chăm sóc tốt thai sản như khám thai định kỳ ít nhất 3
lần, tiêm phòng uốn ván, nghỉ ngơi trước đẻ và sinh đẻ tại cơ sở y
tế.
Đối với trẻ sơ sinh thì nên cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ để
phòng tránh hạ đường huyết, nếu trẻ không bú được thì vắt sữa mẹ cho
ăn bằng cốc, thìa. Với những trẻ đẻ quá nhẹ cân, cho trẻ tiếp xúc da
kề da ngay sau đẻ, chăm sóc theo kiểu chuột túi (Kanguru) để chống
hạ thân nhiệt.
PGS Đào Ngọc Diễn, Sức Khỏe & Đời Sống