Bệnh sa đì
"Gần đây tôi thấy đau ở bộ phận sinh dục, đi lại
hơi khó khăn. Có người bảo tôi bị bệnh sa đì. Đây là bệnh
gì, có cần chữa ngay không? Bệnh có ảnh hưởng đến khả năng thụ tinh
không?".
Trả lời:
Sa đì là từ dân gian chỉ một bệnh trong đó ruột hoặc phủ tạng tụt xuống bìu qua một lỗ ở thành bụng dưới. Danh từ chuyên môn gọi là bệnh thoát vị bẹn.
Trong bào thai, tinh hoàn là một tạng được sinh ra từ các mầm sinh dục bên trong ổ bụng. Nó chuyển dần xuống, đi qua ống bẹn phía dưới thành bẹn để chui vào bìu. Việc di chuyển này thường hoàn tất khi thai được 7 tháng. Ống bẹn còn là nơi ống dẫn tinh từ tinh hoàn lên bụng đi qua, nên nó thông với ổ bụng và bìu. Khi mới sinh, ống bẹn vẫn tồn tại nhưng nhỏ, các tạng trong bụng không chui qua được.
Nếu ngay từ khi mới đẻ, ống bẹn đã rộng, để ruột sa xuống thì gọi là thoát vị bẹn bẩm sinh. Tuy nhiên, trường hợp này ít xảy ra. Bệnh thường xuất hiện khi đứa trẻ đã lớn hoặc trưởng thành do cơ thành bụng quá yếu, áp lực thường xuyên tại ổ bụng quá cao.
Triệu chứng của thoát vị bẹn chủ yếu là một bên bìu to lên thành khối phồng do ruột ở trên dồn xuống. Bìu này càng to thêm khi người bệnh đi lại, chạy nhảy hay làm việc nặng. Người bệnh thấy tức, nặng, khó chịu ở vùng bụng dưới. Lúc mới mắc, người bệnh có thể cảm thấy đau.
Cần chú ý phát hiện sớm các biểu hiện biến chứng: thấy đau nhiều, đau từng cơn kèm theo nôn mửa; ở tư thế nằm hay khi nắn nhẹ vào khối phồng người bệnh thấy đau hơn và khối phồng không xẹp xuống như mọi khi. Khi đó, nhiều khả năng là thoát vị đã bị nghẹt, có thể dẫn đến tắc ruột, hoại tử ruột, cần đưa bệnh nhân đi khám cấp cứu ngay.
Không có thuốc nào chữa được bệnh này. Để điều trị, phải mổ để khâu hẹp ống bẹn lại, không cho các tạng trên bụng sa xuống nữa. Trong khi chờ mổ, cần hạn chế làm việc nặng và các điều kiện làm tăng áp lực ổ bụng như mặc quần lót chật, ho nhiều, rặn mạnh... để tránh việc thoát vị bẹn mỗi ngày một to thêm. Người bị thoát vị bẹn vẫn có thể có con như những người khác.
Những gì bạn miêu tả trong thư không đủ để xác định bệnh thoát vị bẹn. Tốt nhất bạn nên đi khám để chẩn đoán chính xác. Nếu bạn mới xây dựng gia đình hoặc quan hệ tình dục hơi nhiều thì vùng tinh hoàn có thể đau nhức và đi lại khó khăn, điều này không đáng ngại. Chỉ cần quan hệ tình dục một cách điều độ là cơ thể sẽ trở lại bình thường.
BS Phó Đức Nhuận, KH&ĐS