SUY
NGẪM VỀ TÌNH YÊU VÀ TÌNH DỤC
HƯƠNG NGHIÊM
Nhà văn Mexico Oktavio Pas được nhận giải thưởng Nobel về văn chương năm
1990, khi ông đã 79 tuổi, nói: Hiện nay mối nguy cơ lớn nhất của tình yêu
chính là khoa học và kỹ thuật. Cũng có nghĩa là tính toàn vẹn của nhân loại
đang bị đe dọa. Thế kỷ của chúng ta phải đương đầu với những tai họa khủng
khiếp, đồng thời cũng là thế kỷ của những khám phá vĩ đại trong lĩnh vực vật
lý, sinh học và y học. Nhưng thế kỷ này cũng cung cấp cho nhân loại nhiều
nghệ sĩ và thi sĩ vĩ đại. Các nhà thơ và văn xuôi sẽ bước vào cuộc đối thoại
giữa trí tưởng tượng, không hình hài của thi ca với khoa học.
Có thể yêu vẫn trở thành minh mẫn?
Có phải muốn viết được về tình yêu thì phải già đi và trở thành minh mẫn?
Tôi dùng những lời này của Oktario Pas thay cho câu trả lời của tôi, nhà
thơ Hương Nghiêm gửi đến một nhà giáo dục giới tính. Ông muốn tôi viết lời
giới thiệu quyển sách của ông. Tuy vậy cái khái niệm "cực khoái" của ông và
khoa học tình dục không có chỗ cho thơ.
Tình yêu gắn liền với tuổi trẻ, nhưng những tình cảm gắn bó mạnh mẽ cũng
liên kết người ta với nhau. Hai con người yêu nhau về mặt thể xác và tâm hồn
chứ không đơn thuần là thể xác. Trong quyển sách của ông đã quá nhấn mạnh
vai trò của tình dục. Khi tôi viết đến đây, con gái tôi đang học từ ngữ
trong sách giáo khoa giải nghĩa từ "lạc thú", cháu đọc to: Lạc thú là
những thú vui vật chất tầm thường. Xưa nay người phương Tây rất coi
trọng giá trị vật chất, còn người phương Đông đề cao giá trị tinh thần. Đông
Tây vốn khác nhau, nên sự giao lưu văn hóa là phải chọn lọc và dung hòa các
tinh hoa của hai nền văn hóa đó. Người phương Tây đề cao tự do cá nhân, còn
phương Đông nói chung coi trọng vai trò xã hội và rất "sĩ diện", ở phương
Đông tình dục được che khuất chứ không phô trương các vòng đo. Ông nhấn mạnh
vai trò của tình dục như vậy liệu có chính xác không? Đó có phải là lý do
chính đáng cho cuộc ly hôn không? Tại sao nỗi bất hạnh của những đứa trẻ
không gia đình, thiếu cha, thiếu mẹ, hoặc gia đình tan nát lại phải ra đời
để phục vụ thứ tình dục ích kỷ mà không phải là của tình yêu đích thực? Để
rồi những đứa trẻ đó trở thành những nạn nhân thảm thương của số phận?
Ngày nay cuộc cách mạng tình dục của phương Tây đã ảnh hưởng trên toàn
thế giới. Giới trí thức có ngoại ngữ của nước ta cũng tham gia vào chuyện bê
nguyên cuộc cách mạng đó vào Việt Nam, liệu có thích hợp không? Những câu ca
dao xưa của dân tộc ta nói về tình yêu thương như:
"Qua đình ngả nón trông
đình
Đình bao nhiêu ngói thương
mình bấy nhiêu"
liệu có chịu nổi sức ép, sự "bức tử" của cuộc cách mạng tình dục không?
Văn hóa phương Đông nói chuyện tế nhị, hay xấu hổ chứ không như phương
Tây, cái gì cũng nói "toạc móng heo" nhiều khi rất vô duyên.
Ngày xưa ông bà ta thật nho nhã, dễ thương. Có dạy cho con cháu cũng kín
đáo, tế nhị. Văn chương, thơ ca, ca dao tục ngữ Việt Nam không có từ "cực
khoái" thô thiển, may ra có trong chuyện tiếu lâm thôi. Để đề phòng những
tai nạn bệnh tật do tình yêu, tình dục mang lại, các cụ đồ Nho tuy nghiêm
khắc nhưng thâm thúy: Nam nữ thụ thụ bất thân. Ngày nay người ta cho
là lạc hậu xa xưa, nhưng thật an toàn, không nhỡ Sida thì sao? nhiễm lậu cầu
khuẩn, giang mai v.v... thì sao? nếu người ta được giáo dục để đi tìm "cực
khoái" của tình dục. Ông còn phân tích bản chất của đàn ông là "cả thèm
chóng chán" và khuyên các bà vợ phải học người ta cách làm đỏm dáng và quyến
rũ thường xuyên các ông chồng rất dễ dàng "không cánh mà bay" của mình...
Giữ mà làm gì khi không còn tình thương, trách nhiệm, niềm cảm thông bởi vì
mặt trái của tiền và tình là tội ác. Ông cha ta rất tôn trọng hôn nhân, coi
hôn nhân là "đại sự" (việc lớn). Về sự hòa hợp đôi lứa các cụ khuyên mộc mạc
"nồi nào vung nấy", đừng quá gượng ép để rồi "như đôi đũa lệch, so sao cho
vừa". Khi hai con người yêu nhau, họ ngoan ngoãn hiến mình cho tình cảm, cho
tiếng sét ái tình, cho sự thăng hoa của tâm hồn và thể xác. Cảm giác đó là
hoàn toàn tự nguyện. Người thành đạt trong tình yêu thường thành đạt trong
cuộc đời. Còn sự ngang trái của tình yêu là ngang trái của số phận. Về thực
chất tình yêu là một hiện tượng thông thường như cái chết hoặc như sự già
cả. Nhưng đôi khi nó trở thành một bi kịch thật sự. Tính duy nhất của tình
yêu là đòi hỏi sự đáp lại hay song phương. Sự đáp lại là đặc điểm cơ bản của
tình yêu ở thời kỳ ngự trị của tình yêu tao nhã. Một tình yêu chân chính bất
chấp tất cả mọi khó khăn trở ngại trong cuộc đời. Còn tình dục thì không,
người ta vẫn mua bán dâm để làm ô nhiễm và băng hoại đạo đức xã hội. Vì bản
chất của tình dục là buông thả... Sự tiến hóa của tình yêu gắn liền với việc
người phụ nữ tìm được tự do. Tình yêu lứa đôi dấy lên ở con người ý thức về
phẩm giá của mình. Bởi lẽ hai con người gắn bó với nhau không chỉ bằng sự
ham muốn về thể xác mà bao giờ cũng lớn lao hơn đó là gắn bó về tâm hồn hay
sự gần gũi về mặt tinh thần, một cái gì đó thực sự cao hơn cái thú nhục dục.
Khi xâm phạm đến nhân cách một con người tức là động chạm đến tâm hồn con
người. Nền văn minh của nhân loại xưa nay xây dựng bằng cuộc đối thoại giữa
thân xác và tâm hồn, còn vật chất chỉ là hiện tượng phát sinh. Cũng vậy tình
yêu cao điểm mới có tình dục phát sinh, sau đó quan hệ tình dục có bổn phận
làm đầy đủ hạnh phúc cho tình yêu. Vì tình yêu đôi khi người ta bỏ qua những
khả năng của tình dục, khi một trong hai người ốm đau, hoặc có tai biến nào
đó. Người bạn tình chân chính không vì thế mà bỏ rơi nhau. Tình thương ngự
trị sau tất thảy những thứ vô thường của đời sống...!