MỘT TIẾP CẬN PHÂN TÂM HỌC TÌNH YÊU & TÌNH DỤC
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Có nhiều thứ tình yêu:
tình yêu nam nữ, tình yêu cha mẹ, tình yêu con cái, tình yêu anh (chị) em,
tình yêu ái kỷ (*), cũng như tình yêu nhóm, yêu nhà trường và
tình yêu đất nước. Nỗi khát khao duy trì sự gần gũi với đối tượng mình yêu
sẽ quyết định típ tình yêu như thế nào. Sự phát triển tình dục và sự phát
triển khả năng yêu thường có những ảnh hưởng tương hỗ với nhau.
Một người có khả năng cho
và nhận tình yêu mà không mấy quan tâm về nỗi sợ hãi và mâu thuẫn thì có khả
năng tạo ra những mối quan hệ thực sự gần gũi với người khác. Khi đã dính
líu đến một mối quan hệ gần gũi rồi thì con người chủ động phấn đấu cho sự
phát triển và hạnh phúc của người mình yêu dấu. Tình yêu ở tuổi trưởng thành
được đánh dấu bằng sự gần gũi thân xác là một thuộc tính đặc biệt của mối
quan hệ giữa hai người. Phẩm chất của sự gần gũi này trong mối quan hệ tình
dục chín muồi đã được Rollo May gọi bằng "sự tiếp nhận chủ động",
trong đó một người trong khi đang yêu cho phép bản thân mình được yêu. Năng
lực này chỉ ra một nhận thức sâu sắc về tình yêu đối với người khác và đối
với bản thân. Trong một quan hệ yêu thương như vậy, các hành vi tính dục
được xem là một chất xúc tác. Rollo May mô tả những giá trị của tình yêu man
nữ như là sự mở rộng nhận thức về mình, trải nghiệm tình cảm âu yếm, tăng sự
tự khẳng định và niềm kiêu hãnh, và đôi khi, vào lúc cực điểm của khoái cảm
(cực khoái), thấy như mất đi những cảm nghĩ xa cách. Trong những giờ phút
như vậy, tình dục và tình yêu tăng cường lẫn cho nhau và hòa hợp với nhau
một cách lành mạnh.
Một người trở thành được
hấp dẫn bởi một người bạn tình vì đủ loại các lý do. Sự hấp dẫn có thể thuần
túy do ngoại hình, và trong trường hợp này mối quan hệ thường chỉ thoáng
qua. Một người có thể phấn đấu nhằm thỏa mãn một khát vọng trở thành một
người yêu hoàn hảo thông qua hồi tưởng lại những phẩm chất được lý tưởng hóa
của cha mẹ hoặc những nguồn lực khác trong quá khứ về tình yêu và sự trìu
mến. Những điều mong đợi của một người nơi người bạn tình của mình có thể
hoặc không có thể mang tính hiện thực. Một động cơ muốn kết hôn mang tính
nhiễu tâm
(**) (trong phức cảm ơ-đíp chẳng hạn) là biểu hiện không có năng
lực tách khỏi bố mẹ.
Một động cơ mang tính
nhiễu tâm khác là chọn một "đối tác" để bù đắp cho những nhu cầu đã không
được đáp ứng thời thơ ấu. Mỗi con người và mỗi cuộc kết hôn dường như mang
theo một nhân tố của những kỳ vọng phi hiện thực như vậy. Khi những xu hướng
này chiếm ưu thế và cặp hôn phối hành động chủ yếu nhằm trao đổi những kiểu
khai thác, hoặc khi các nhu cầu gắn kết có tính bổ sung không đủ mang lại an
toàn và hạnh phúc thì sinh ra khó chịu và lo hãi và cuộc sống lứa đôi có thể
lâm vào nguy cơ tan vỡ.
(*) Narcissism - Nguyên
nghĩa là mình chỉ biết yêu mình. Theo phân tâm học đây là một giai đoạn của
phát triển cảm xúc tình cảm ở trẻ em ban đầu chưa phân biệt được bản thân
với vật khác hoặc người khác, tức là giữa kỷ và tha; về sau,
nghĩa được mở rộng, Frend xem đấy là một sự ứ trệ của dục vọng gắn chặt với
cái tôi trong cả quá trình hình thành. Từ đó, phân biệt hai kiểu ái kỷ: ái
kỷ sơ phát chưa biết tách biệt kỷ và tha, đối tượng tình yêu của em bé chính
là bản thân, thời ấy em bé có cảm giác vạn năng, tức hễ muốn gì được nấy;
đến ái kỷ thứ phát là lúc đã hình thành đối tượng của dục vọng, nhưng rồi vì
một lý do bệnh lý nào đó dục vọng quay trở về tập trung vào bản thân (Theo
N. K. Viện, Từ điển tâm lý, Nhà XB TG, Hà Nội, 1995, tr 12).
(**) Neurosis - Là một
trạng thái tâm lý không dẫn đến tan rã nhân cách nhưng gây khó khăn cho cuộc
sống hằng ngày, do những triệu chứng thường được gọi là "dở hơi": lo hãi vô
cớ, ám sợ, ám ảnh, lên cơn hystêri - có bệnh chứng ở bộ phận này bộ phận
khác nhưng không có gì rõ ràng cả. Tâm lý học ngày nay xem đây là biểu hiện
những mối xung đột vô thức, liên quan chủ yếu đến mặc cảm ơ-đip: lo hãi nhằm
ngăn cản bộc lộ ham muốn dục vọng và thất bại trong chống đỡ với những xung
lực bản năng khiến những biểu hiện của vô thức chiếm lấy một phần của hoạt
động tâm lý ý thức.
Có chứng nhiễu tâm gọi là
"nhiễu tâm số phận": người bệnh làm như cố tình đi từ thất bại này sang thất
bại khác, như có "ma dẫn lối, quỷ đưa đường; đứng không yên ổn, ngồi không
vững vàng..." (Truyện Kiều) (Theo N. K. Viện, SĐD, tr 250).