Bác sĩ giúp gì bạn trong chẩn đoán rối loạn cương?
Hãy kể hết với bác sĩ các vấn đề của bạn. |
Nhiều bệnh nhân rối loạn cương băn khoăn không biết bác sĩ có thể giúp gì trong chẩn đoán bệnh. Thực tế cho thấy, không gì có thể thay thế việc thảo luận cởi mở giữa bác sĩ và bệnh nhân để thẩm định tình trạng rối loạn.
Việc đánh giá chuẩn ban đầu gồm có một loạt công đoạn như: thiết lập một bệnh sử tổng quát; khai thác bệnh sử về tình dục, đánh giá về mặt tâm lý, khám lâm sàng, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.
Trước hết, bác sĩ sẽ ghi nhận tiền sử bệnh lý đầy đủ của bạn, đặc biệt là kinh nghiệm tình dục đã trải qua và các vấn đề tâm lý-xã hội. Bác sĩ cũng có thể nói chuyện về cách sống của bạn, bệnh trầm cảm cũng như mối quan hệ với đối tác nữ. Bạn cũng nên kể về các thuốc đã dùng, có uống rượu hoặc sử dụng ma túy, hút thuốc lá hay không.
Bác sĩ cũng khám tổng quát, chú trọng khám nghiệm các bộ phận sinh dục và tuyến tiền liệt. Bạn sẽ được làm xét nghiệm máu, có thể đo cả lượng testosterone, cholesterol, đường... Đàn ông từ 50 tuổi trở lên có thể đo mức antigen đặc thù của tuyến tiền liệt (PSA). Ngoài ra, bạn còn phải siêu âm động mạch dương vật và vùng chậu, chụp X-quang vùng chậu và cột sống nếu có nghi ngờ tổn thương...
Sau khi duyệt xét lại tất cả các kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo. Trong vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên biệt hoặc gửi đến một chuyên gia khác.
Nhiệm vụ và thái độ của người thầy thuốc trước một người có rối loạn cương là nói cho họ hiểu rằng nó cũng chỉ là một bệnh như các bệnh khác. Để biết được điều đó, phải dẫn dụ từ từ cho bệnh nhân; khởi đầu bằng các vấn đề sinh sản, giới tính, các bệnh lây qua đường tình dục rồi sẽ đề cập đến các rối loạn chức năng tình dục.
Nếu bệnh nhân đến khám ở một thầy thuốc chuyên khoa tình dục thì thật đơn giản bởi vì cả bác sĩ lẫn bệnh nhân đều biết được ý định cũng như công việc mình phải làm. Nhưng nhiều người không đi khám, nghĩ rằng đó là một chuyện đương nhiên của tuổi tác, chuyện không đứng đắn. Khi đó, để tiếp cận với bệnh nhân, thầy thuốc nên chủ động gợi ý chia sẻ kinh nghiệm, tỏ ra thông cảm với họ. Khi tiếp xúc, trao đổi với bệnh nhân, cần lắng nghe họ trình bày cái họ đang quan tâm, các khó khăn thực sự làm họ bối rối mà không có dịp nói ra. Thỉnh thoảng, phải xác định lại, hỏi lại những điều người bệnh mô tả.
Việc trao đổi đôi khi cần có sự hiện diện của người vợ. Đó là những trường hợp bệnh liên quan đến các vấn đề gia đình, công ăn việc làm, áp lực và những stress khác. Có lúc, bác sĩ tiếp xúc riêng từng người để nghe những nhận xét riêng của họ về nhau trong cuộc sống, tình yêu, nhất là về tình dục và những rắc rối mà mỗi người đang gặp, người này muốn gì ở người kia.
Sau đó, thầy thuốc sẽ thông báo cho họ biết một chẩn đoán sơ khởi, giải thích và giới thiệu các phương pháp điều trị như: tiêm thuốc vào dương vật, dùng dụng cụ bơm chân không, lắp dương vật giả, giải phẫu mạch máu, dùng thuốc uống, thoa tại chỗ hoặc thuốc dán xuyên qua da... Bác sĩ cũng giải thích về kết quả cũng như các hệ lụy của các phương pháp này, thời gian và chi phí.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ cho một số điện thoại để thiết lập liên lạc. Nhờ đó, bệnh nhân có thể tham vấn trực tiếp với thầy thuốc khi có vấn đề.
BS. Hồ Đắc Duy, Thanh Niên