Khắc phục lún và cong vẹo dương vật
Đây là hai loại dị tật bẩm sinh ảnh hưởng xấu tới chức năng tiểu tiện và sinh dục, gây sự căng thẳng tâm lý cho bệnh nhân và gia đình. Vì vậy, lún và cong vẹo dương vật cần được điều trị sớm.
Dị tật lún dương vật có biểu hiện: lỗ đái đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu,
trục dương vật thẳng, nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc
ngang mức của xương mu, ống da dương vật thường nhỏ và ngắn, bao quy
đầu thường bị chít hẹp, bìu bình thường. Khi đi tiểu, bệnh nhân
(thường là trẻ em) thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật
để nó thò ra. Khi được đưa tới khám bệnh, hầu hết các trẻ này được
chẩn đoán là chít hẹp bao quy đầu nên được chữa bằng cách nong bao
quy đầu, thường không kết quả. Có bệnh nhân được mổ cắt bao quy đầu
và cách chữa này lại làm bệnh nặng thêm, vì bao quy đầu là chất liệu
cần thiết để che phủ thân dương vật sau khi mổ làm dài cơ quan này.
Nguyên nhân chính gây lún dương vật là dải cân Dartos dày xơ hóa bất
thường hoặc bệnh nhân quá béo. Với nguyên nhân đầu tiên, có thể khắc
phục bằng cách nong lộn dần làm rộng bao quy đầu và mổ để giải
phóng, làm dài dương vật lúc trẻ 1-2 tuổi. Nếu có kèm theo bệnh tinh
hoàn chưa xuống bìu thì mổ chữa luôn cùng lúc. Với trẻ béo, có lớp
mỡ dày ở mu, cần thực hiện chế độ ăn đúng, tập luyện thể thao, hướng
dẫn trẻ tự nong lộn dần bao quy đầu. Có thể mổ để cắt bớt lớp mỡ
trên mu, quanh dương vật ở tuổi dậy thì.
Dị tật cong, vẹo dương vật có biểu hiện: lỗ đái vẫn ở đúng vị trí, khi dương vật cương cứng thì bị cong-vẹo xuống phía dưới hoặc sang một bên, kèm theo dương vật bị xoay trục nên trông như quả chuối cong.
Bệnh này chữa được và nên mổ khi bệnh nhân còn nhỏ, ở tuổi trước khi đi học. Cách mổ: gây cương cứng dương vật chủ động, xác định chính xác nguyên nhân và độ cong-vẹo rồi tiến hành các kỹ thuật giúp dương vật thẳng ở tư thế bình thường. Tiếp đến, các bác sĩ sẽ khâu da bằng chỉ tự tiêu theo cách khâu thẩm mỹ.
TS Trần Ngọc Bích, Sức Khỏe & Đời Sống