THỂ TÍCH TINH HOÀN Ở NGƯỜI ĐÀN ÔNG VIỆT NAM LIÊN
QUAN ĐẾN VẦN ĐỀ VÔ SINH NHƯ THẾ NÀO?
Thạc sĩ TRƯƠNG CÔNG HỒ
và cộng sự
Trên thế giới, đã có nhiều
công trình nghiên cứu về sự liên quan giữa thể tích tinh hoàn và nồng độ nội
tiết Nam, đồng thời đánh giá tình trạng, khả năng sinh sản của người đàn ông. Vì
kích thước tinh hoàn và tinh dịch đồ được xem là yếu tố quan trọng để quyết định
người đàn ông ấy có bị hiếm muộn hay không? Nếu có thì ở mức độ nào? Cần phải
can thiệp bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản như thế nào? Vì hiện nay - hỗ trợ
sinh sản là phương pháp giúp cho những cặp vợ chồng hiếm muộn (trong một chừng
mực cho phép) được thỏa mãn ước nguyện chính đáng của mình: được làm cha làm mẹ.
Để cùng tìm tòi với những
công trình nghiên cứu của các tác giả trên thế giới, dựa trên thực tế có những
người đàn ông bị khiếm khuyết trong khả năng sinh sản, nhóm nghiên cứu chúng tôi
đã chọn ngẫu nhiên 100 người đàn ông trong số hàng trăm cặp đến khám vô sinh
(nay gọi là hiếm muộn). Với sự tình nguyện của những người tham gia nghiên cứu,
tất cả phương pháp lấy mẫu, cân, đo, đong, đếm, đều được tuân thủ theo quyển cẩm
nang của Tổ chức Y tế thế giới về Andrology lab. Và sau thời gian nghiên cứu,
chúng tôi đã nhận thấy một vài sự tương quan như sau:
1. Sự tương quan giữa
thể tích tinh hoàn và mật độ tinh trùng: Mật độ tinh trùng tối hảo, trên 30 triệu con, đều tập trung
ở những người đàn ông có thể tích tinh hoàn từ 20-30ml. Những người đàn ông mà
tinh hoàn có thể tích nhỏ, dưới 20ml, hoặc lớn hơn 30ml, thì đều có mật độ tinh
trùng kém, thậm chí rất kém. Điều đó có nghĩa rằng, không phải cứ "to" là "tốt".
2. Sự tương quan giữa
thể tích tinh hoàn và tỷ lệ tinh trùng sống: Tỷ lệ tinh trùng sống được coi là đạt yêu cầu > 30%
thì đều nằm trong những người đàn ông có thể tích tinh hoàn từ 20-30ml.
3. Sự tương quan giữa
thể tích tinh hoàn và nồng độ FSH (Follicle Stimulating Hormon): Nồng độ FSH cao (> 10 mIU/ml huyết
thanh) ở những người đàn ông có tinh hoàn nhỏ, thì việc điều trị gặp rất nhiều
khó khăn, nhiều khi là nan giải.
Nồng độ FSH tốt, đạt yêu
cầu (< 5 mIU/ml huyết thanh) thì đều rơi vào nhóm những người đàn ông có thể
tích tinh hoàn từ 20-30ml.
4. Sự tương quan giữa
mật độ tinh trùng và nồng độ testosteron trong huyết thanh: Ở những người đàn ông có mật độ
tinh trùng được coi là đạt yêu cầu 30-70 triệu con, thì tương ứng, đo được nồng
độ testosteron từ 1-4 ng/ml (là con số bình thường cho đàn ông Việt Nam). Tuy
nhiên, nồng độ testosteron tốt không hẳn đã là có mật độ tinh trùng tốt. Vì nồng
độ testosteron trong huyết thanh chỉ phản ánh một phần về tính dục (Sexuality)
của người đàn ông, chứ không nói lên được tính sinh sản (Reproductility) của
người đó. Có nghĩa là, chỉ cho chúng ta thấy người đàn ông đó có "sung" hay
không, chứ không biết được là sau những lần "sung" ấy, có đạt được "kết quả mong
muốn" hay không. "Kết quả mong muốn" - đó là sự thụ thai.
5. Sự tương quan giữa tỷ
lệ tinh trùng sống và nồng độ testosteron: Ở nhóm người đàn ông có tỷ lệ phần trăm tinh trùng
sống > 30%, thì đều đo được nồng độ testosteron ở trong khoảng từ 1-4 ng/ml.
6. Nồng độ kẽm trong
tinh dịch, trong một lần phóng tinh: Trung bình từ 1-3 m
mol cho một lần phóng tinh. Vai trò của kẽm trong tinh dịch chưa được biết
đến rõ ràng, nhưng trong một số mẫu tinh dịch, với nồng độ kẽm thấp, thì sự ly
giải của mẫu tinh dịch đó bị chậm, hoặc không ly giải được (trung bình mẫu tinh
dịch đó phải được ly giải trong vòng 30 phút sau khi phóng tinh).
Một vài tác giả ở các công
trình nghiên cứu khác nhận thấy: một số trường hợp vô sinh chưa rõ nguyên nhân,
cho bệnh nhân dùng kẽm (có trong vài loại thuốc bổ, zimizinc...) lại có kết quả
khả quan.
Kết luận: Mặc dù con số
nghiên cứu mới chỉ là 100 người, chưa có thể khẳng định chắc chắn những kết quả
thu được từ nghiên cứu là đại diện cho tất cả đàn ông Việt Nam. Nhưng vì tính
chất khá đặc biệt (thầm kín) khi lấy mẫu (tinh dịch, đo tinh hoàn...), cho nên,
cỡ mẫu 100 cũng tạm coi là đạt yêu cầu, và chúng tôi cũng mạnh dạn đưa ra kết
luận về các trị số thu được qua nghiên cứu, để chúng ta cùng tham khảo trong quá
trình khảo sát các trường hợp vô sinh nam.
Dẫu sao, đây cũng mới chỉ
là những con số ban đầu, có vài phù hợp với một số tác giả khác (với cỡ mẫu cũng
từ 100, 150 đến 200 là tối đa). Hy vọng sau này sẽ có nhiều công trình với cỡ
mẫu lớn hơn, và đưa ra được những kết luận đầy đủ hơn.