THẾ GIỚI NHỮNG TINH TRÙNG: NIỀM VINH QUANG VÀ NỖI
KHỔ NHỤC
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Những tinh trùng
(TT) do tinh hoàn của chúng ta sản xuất ra hàng tỉ mỗi ngày, trong khi buồng
trứng chỉ đẻ ra có một noãn (có khi hai) trong mỗi chu kỳ kinh. Như vậy là
tế bào giới tính của nữ hiếm nên thật là quý.
Tinh trùng của người giống
như một con nòng nọc nhỏ có chiều dài năm phần triệu mét (năm micron). Đầu
hình bầu dục, cổ thì ngắn, đuôi thì dài, một ngoại hình thật chẳng cân xứng
chút nào so với kích thích to lớn của noãn (trứng). Đầu hoàn toàn chứa đựng
nhân
(của tế bào tinh trùng), chung quanh hầu như không có tương chất. Như vậy là
chàng (TT) chẳng có một chút dự trữ nào, cũng chẳng có chút tài sản tiết
kiệm nào bởi vì chàng phải tiêu thụ hết dưới dạng năng lượng mỗi khi gặp
người đẹp (noãn). Trong nhân chứa 23 nhiễm sắc thể là tài sản di truyền của
cha và của ông, cụ nội. Tài sản quý giá này, để khỏi bị thất thoát dọc đường
đã được đóng gói thật chắc chắn nhờ những cặp nguyên tử lưu huỳnh có những
nối kết điện tử đảm bảo cho các thể nhiễm sắc được cô đặc và rắn chắc. Đó
thực sự là chiếc tủ sắt có sức chống cự lại bất cứ một xâm kích hóa học, vật
lý hoặc nhiễm trùng nào có thể xảy đến.
Trên đầu, TT đội một chiếc
mũ hình nón, một thứ mũ trùm đầu rất khỏe gọi là thể ngọn (acrosome). Có
nhiều loại enzym (men) trong chiếc đầu đạn này giúp TT phát hiện và chọc
thủng màng của noãn. Song TT sẽ bỏ chiếc mũ trùm đầu ra khi đã thành công
thâm nhập vào noãn.
Chiều dài đuôi TT chiếm
98% tổng chiều dài toàn thân. Đuôi gồm những ống nhỏ chứa trong một cái bao
gồm có 9 chiếc ống, tựa như một bó mì que. Trong trục trung tâm của đuôi có
một cặp ống li ti được bao quanh bởi 9 cặp ống li ti khác. Hết thảy những
ống li ti này được tạo ra bởi các chất protein có tính đàn hồi: gọi là chất
tubuline
và chất dyneine. Các phân tử này trượt lên nhau và co kéo lên nhau,
nhờ vậy TT có khả năng di động rất nhanh. Muốn di động nhanh thì cần có
nhiều năng lượng. Bộ phận ở giữa là nguồn cung cấp năng lượng này. Bộ phận
này nằm ở giữa cổ và đuôi, là một cái bao chứa nhiều ty lạp thể, là những
máy phát năng lượng li ti, nhờ ADN của riêng mình cung cấp năng lượng bằng
cách sử dụng các chất dinh dưỡng.
Chứa đầy năng lượng, giữ
cả một kho của cải, lại được trang bị bằng một bó các dây lò xo, TT di
chuyển nhanh như một mũi tên lao thẳng vào trái tim của người đẹp, chỉ sau
mấy phút, nó đã vượt qua cổ tử cung, lúc này đang bị một cục chất nhày bít
lại, mặc dù tốc độ chỉ vào khoảng 80 micron trong một giây, ở nhiệt độ 37o.
Để tạo thành một tế bào
hoàn chỉnh, cơ thể phải dành ra ít nhất 74 ngày thì đuôi TT mới mọc được từ
tế bào mầm hình tròn. Như vậy có nhiều dạng trung gian giữa tế bào mầm
không đuôi có 2n (46) thể nhiễm sắc với TT trưởng thành chỉ có n (23)
thể nhiễm sắc. Điều này lý giải hình thái học TT lắm khi khiến ta thật bối
rối. Có nhiều TT bình thường có thể có một cái đầu hình bầu dục đang bơi
giữa những TT khác có đầu hình thon, bẹt, thậm chí dẹp hẳn, hoặc ngược lại
là những TT có đầu khổng lồ hoặc có tới hai đầu. Bình thường ra có thể có
tới 3 đến 4% số TT chưa trưởng thành mà hình thái còn tỏ ra kỳ quặc hơn nữa.
Một số TT trông giống hình quả lê, những chiếc diều, những cái đinh, hoặc
tròn như vành trăng, những chiếc đồng hồ cát...; một số khác nên thơ hơn,
giống những trái tim, những bông hoa nhép, một cây súng hoặc lại có những
kiểu cái đuôi. Người ta đã mô tả hơn 60 hình thể khác nhau. Cách đây hơn ba
trăm năm, vào năm 1677,
Van Leeuwenhoek đã quan sát qua kính hiển vi: ông nhìn thấy đó là những
con người có kích thước nhỏ với những chòm râu cằm.
Điều còn kỳ lạ hơn nữa là
mỗi cá nhân lại có một týp hình thái hằng định đáng kể. Với ông A chẳng hạn,
có thể 60% là TT hình bầu dục, 10% đầu thon, 5% hình đồng hồ cát, 2% hình
trái tim... Ở ông B, có thể lại là 50% đầu bầu dục, 10% đầu khổng lồ, 5% có
hình hoa nhép..., lại còn một công thức nữa chỉ thuộc ông B mà thôi. Tất cả
sự
biến thiên về hình thái này ở một cá nhân nào đó có thể là phản ánh một sự
xâm kích của virus, của nhiệt, của hóa chất hoặc do thuốc. Như vậy, cái
công thức về hình thái của ông B, có thể cho thấy 10 phần trăm số TT có hình
hoa nhép thay vì 5%, chỉ xảy ra 20 ngày sau một đợt nhiễm trùng do virus cúm
hoặc sau một phản ứng dị ứng do thuốc nào đó. Đây là một
trắc nghiệm (test) thú vị đánh giá độc tính một thứ thuốc hoặc sự tàn
phá do một bệnh nhiễm trùng gây ra cho một người đàn ông được điều trị vô
sinh.
Những TT, dẫu được trời
phú cho một tính năng động hiếm có song trong thực tế các chàng rất dễ nhạy
cảm trước bất cứ một loại xâm kích nào. Một số trường hợp nhiễm độc, nhiễm
trùng hoặc mất cân bằng nội tiết đều có thể làm giảm tính di động của các
TT. Các chàng trở nên mệt mỏi, suy nhược (chứng suy nhược tinh trùng -
asthenospermia); đôi khi các chàng thậm chí còn trở nên tê liệt - bất động.
Liệu các chàng chết rồi chăng? Mặc dầu có thuật ngữ "liệt tinh trùng" hoặc
"chết tinh trùng" (necrospermia) chỉ những tinh trùng nói trên đã trở thành
bất động, song các kỹ thuật do lường chuyển hóa thường lại chứng minh rằng
các chàng TT vẫn đang sống, có chăng chỉ tê liệt các ống li ti mà thôi.
Colchicine chẳng hạn, là chất chiết của cây bả chó mọc hoang ngoài bãi cỏ,
có khả năng làm tê liệt các phân tử đàn hồi, tức là dyneine và tubuline,
nhưng cuộc sống của các chàng lại không hề hấn gì. Đôi khi, các chàng TT, lẽ
ra xông thẳng tới chiếm lĩnh trái tim người đẹp - noãn - thì lại dính kết
với nhau, vón thành cục váng hoặc bíu díu với nhau: đầu dính vào đầu, hoặc
đuôi dính vào đuôi. Hiện tượng bíu díu kín đáo này bình thường vẫn xảy ra
sau một bệnh nhiễm trùng. Hiện tượng bíu díu ào ạt này nhất là trong
trường hợp vô sinh, thường do hiện diện những kháng thể (IgA, IgG)
trong tinh dịch. Thật trớ trêu, cơ thể con người lại có khả năng sản xuất ra
những kháng thể làm tê liệt chính các tinh trùng của mình!
Khả năng này diễn ra
như thế nào?
Thực vậy, những tinh trùng
chỉ có n (23) thể nhiễm sắc, còn hết thảy những tế bào khác trong cơ thể ta
đều có 2n (46) thể nhiễm sắc. Do vậy, các chàng TT chỉ sản xuất ra một nửa
các phân tử mang tính bản sắc phủ mặt ngoài lớp màng của mình. Hết
thảy mọi tế bào đều phải có một thẻ căn cước - một thứ "giấy chứng
minh nhân dân", nhưng các cậu TT chỉ có một nửa thứ giấy căn cước này mà
thôi. Do vậy các cậu được xem là những phần tử nghi vấn, thậm chí là
những kẻ ngoại lai nên các bạch cầu của chúng ta hủy diệt các cậu một
cách không thương tiếc. Để tự bảo vệ, các cậu TT buộc phải sống trong
chốn thầm kín
(tinh hoàn, não tinh, tuyến tiền liệt...) mà bình thường ra không một bạch
cầu nào hoặc kháng thể nào có thể lọt vào được. Hiển nhiên, cũng có những kẻ
thù này thường vẫn rình rập trong đường sinh dục của nữ (âm đạo...) và các
cậu buộc phải mang theo mình vũ khí tự vệ có trong tinh dịch. Thật
tội nghiệp cho các cậu TT, các cậu chẳng có gì hết ngoài cái vốn gien (chứa
trong một nửa tế bào).
Mỗi lần xuất tinh phóng ra
hai trăm tới ba trăm triệu TT chứa trong chừng 3 hoặc 4 phân khối tinh dịch,
người ta ước lượng mật độ là chừng một trăm triệu TT trong mỗi phân khối.
Mật độ này thay đổi theo thời gian kiêng cữ (không giao hợp). Vấn đề là phải
biết mật độ tinh trùng tối thiểu cần thiết là bao nhiêu để đạt tới thụ tinh.
Người ta cho rằng có thể phải cần tới ít nhất 40 triệu trong một ml. Thế
nhưng, kết quả nghiên cứu các mẫu tinh trùng đồ ở những người có khả năng
sinh sản yêu cầu được thắt ống dẫn tinh, lại chứng minh rằng nhiều người
trong chúng ta có một mật độ chưa tới hai chục triệu TT trong một ml.
Do vậy, hiện nay người ta cho rằng một mật độ mười triệu trong một ml
là có thể chấp nhận được, với điều kiện phải có 60% TT di động và
phải có rất ít TT chưa trưởng thành (4%).