Thắc mắc biết hỏi ai (phần 1)
LTS: "Thắc mắc biết hỏi ai" là tập hợp các câu trả lời cho những câu hỏi về lĩnh vực tình dục mà bạn đọc gửi đến bác sĩ Trần Bồng Sơn từ năm 1989, kể từ khi chuyên mục "Thắc mắc biết hỏi ai" trên báo Tuổi trẻ ra đời. Những giải đáp của ông không chỉ mang nội dung khoa học mà còn có tác dụng giúp đỡ, trấn an về tâm lý. Với giọng văn dí dỏm, thông minh, bác sĩ Trần Bồng Sơn đã khép léo đi vào những khía cạnh gai góc, thầm kín nhất trong quan hệ tình dục, một lĩnh vực còn chịu nhiều thành kiến của công luận và đạo đức phong kiếnmột cuốn sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. ".
“Sinh hoạt vợ chồng” là chuyện khó nói?
Đúng vậy, đây là chuyện rất khó nói, nhất là nói đàng hoàng đứng đắn, nghiêm túc... Chẳng những khó nói trên báo, giữa bạn bè, mà còn khó nói… giữa hai vợ chồng với nhau, ngay cả trong lúc đang chuẩn bị tiến hành. Về việc này, xã hội chúng ta có ít nhất là 3 điều mâu thuẫn khá ngộ nghĩnh. Trước hết, giết người là chuyện mà mọi nền văn minh, mọi quốc gia đều triệt để cấm. Nhưng bạn rất dễ tìm thấy trên báo chí những bản tin mô tả các cung cách giết người rất tỉ mỉ, với nhiều chi tiết mà bạn có thể thoải mái kể lại với bà (ông) xã hoặc bất cứ ai; nhiều khi còn thêm mắm thêm muối cho hấp dẫn... Còn “chuyện vợ chồng” thì chưa có xã hội nào, quốc gia nào ra luật lệ cấm. Ấy vậy mà đố bạn dám đề cập, mô tả về những “cung cách hành sự” trên báo, hoặc kể cho bà (ông) xã nghe chơi.
Điều thứ hai, xã hội chúng ta lúc nào cũng nâng niu, trân trọng, ca tụng, đề cao đủ mọi loài hoa. Tặng hoa cho nhau luôn luôn là một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa. Nhưng mà, bạn ơi, hoa chỉ là... cơ quan sinh dục của loài cây! Hiện nay có lẽ chưa nhà thơ nào dám ca tụng “cái tương đương” ở loài người, và nếu quá lắm thì chỉ mới dám thảo luận công khai về tình dục ở… loài lợn!
Thứ ba, theo kế hoạch dân số, mỗi gia đình chỉ nên có 1 hay 2 con; điều này hoàn toàn đúng và cần đẩy mạnh hơn nữa. Thế nhưng về mặt sinh học, từ lúc dậy thì cho đến chết, mỗi con người được cho là có khả năng sinh hoạt tổng cộng khoảng 5.000 lần. Để đạt chỉ tiêu 1 hay con, chắc chỉ cần tối đa 30 lần (có tính trừ hao là dư sức. Vậy thì 4.970 lần còn lại đó để làm gì? Mọi động vật cao cấp như lợn, bò, chó... đều có những lúc cần con đực, nhưng khi đã mang thai rồi thì thôi. Người đàn bà là sinh vật duy nhất trên hành tinh chấp nhận “sinh hoạt” vào lúc mang bầu. Đây là một trong những điều khẳng định đẳng cấp của loài người trên súc vật. Vì theo bậc thang tiến hóa, khi đã chia ra 2 giới thì hoạt động sinh dục là động tác cao cấp nhất, tương ứng với sự phát triển của não bộ. Con người là động vật có bộ óc hoàn chỉnh nhất, đương nhiên “chuyện này” cũng thuộc vào loại rắc rối, phức tạp với một chức năng chỉ có ở loài người, vượt lên trên Thú Tính của súc vật, đó là chức năng Tình Dục.
Chuyện sinh lý… không bình thường
Chúng ta quen gọi “nó” là chuyện sinh lý, hay vấn đề sinh lý. Về mặt y học, Sinh Lý đồng nghĩa với Bình Thường. Hoạt động sinh lý của dạ dày là tiêu hóa thức ăn, khác với Bệnh Lý là viêm, loét, đầy hơi. Ăn, ngủ, thở... đều là hoạt động sinh lý. Thế nhưng ăn, ngủ, thở là những việc không có không được; còn tình dục thì nhiều người cả đời không cần biết tới mà vẫn hoàn toàn mạnh khỏe, từ tâm hồn đến thể xác, vẫn công tác tốt, vui vẻ, chan hòa…
Với hầu hết mọi cơ quan, bộ phận trong cơ thể người, y học đều ấn định được giới hạn sinh lý ( bình thường). Ví dụ hàm lượng đường trong máu khoảng 1 g/lít là sinh lý; từ 1,5 g trở lên là bệnh lý ( tiểu đường). Nhưng trong địa hạt tình dục, rất khó ấn định ranh giới này. Một đêm 3 lần hay một năm 3 lần đều là chuyện hoàn toàn bình thường, hoàn toàn sinh lý… Đó là chuyện riêng của “hai vợ chồng người ta” với nhau; người thứ ba không có lý do gì, tư cách gì và mắc mớ gì mà phải có ý kiến là bình thường hay không bình thường, được hay không được, tốt hay không tốt.
Chức năng tình dục là một hoạt động chỉ có ở loài người, với sự tham gia và hỗ trợ của tư duy (tức là tình cảm, hoặc ít ra là cảm tình giữa “hai đương sự”). Hiện nay, mọi tác giả đều cho rằng trong “sinh hoạt vợ chồng” định nghĩa cái không bình thường lại dễ hơn, đó là trường hợp một trong hai người, vợ hoặc chồng, không hài lòng với tình trạng đang xảy ra, và muốn cải tiến hoặc thay đổi.
Vậy thì có nên tiếp tục nói là “chuyện sinh lý” không?
Tình dục là “chuyện hằng ngày” nhưng lại là chuyện không thể khép vào “nề nếp”, “quy định”. Từ sau thập niên 70, những người đưa ra những con số về kích cỡ, nhịp độ, số lần, thời gian... đều bị coi là liều lĩnh hoặc không am hiểu vấn đề. Riêng về mặt danh từ, nếu chúng ta vẫn quen gọi là “chuyện sinh lý” thì có lẽ không nên thay đổi.