Thắc mắc biết hỏi ai (phần 14)
Màng trinh và trinh tiết (tiếp)
"Thưa bác sĩ, cháu năm nay đã 20 tuổi, cái tuổi có thể có bạn trai và lập gia đình. Nhưng cháu luôn luôn bị ám ảnh bởi một chuyện đau lòng xảy ra cách đây đã lâu. Nhưng khổ nỗi cháu không biết và không thể xác định rõ ràng thế nào là sinh hoạt tình dục và màng trinh. Cháu chỉ nhớ là hồi nhỏ (khoảng 8 tuổi) cháu có bị một bạn trai ở cùng xóm dụ vào buồng… Như vậy khi lấy chồng, chồng cháu có biết không? Lòng cháu luôn luôn lo sợ, mong bác sĩ giúp giùm cháu cách giải quyết…".
Cháu nên quên chuyện đó đi là hơn. Hãy tự nhủ chuyện đó chưa bao giờ xảy ra trong cuộc đời cháu. Về mặt y học, sau 12 năm, không thể nào phát hiện gì được, kể cả khám thật kỹ. Vậy thì quên đi là tốt nhất. Thân mến và chúc cháu thật nhiều hạnh phúc.
"Lúc cháu có kinh lần đầu tiên, mẹ cháu bảo khi thay băng lấy ngón tay cho vào rửa cho sạch, lúc đầu cháu cảm thấy hơi đau, nhưng sau mấy lần không thấy đau nữa mà lại rất dễ dàng. Khi lớn lên, biết chuyện bị rách màng trinh, cháu lo quá. Làm thế nào để người yêu của cháu tin rằng cháu không hề có quan hệ tình dục với ai? Xin bác sĩ hãy cho cháu một lời khuyên hay dạy cho cháu một lời giải thích, nếu không thì anh ấy bỏ cháu mất".
(Q.H.Y., Biên Hoà)
"Hồi nhỏ cháu đi chơi và bị tai nạn, nhưng lúc đó cháu chưa biết gì nên không dám nói với gia đình. Vậy cháu có còn trinh không và sau này khi có người yêu thì cháu có nên nói thật với người ta không?".
(T.H., Bạc Liêu)
"Thưa bác sĩ, vào lúc 10 tuổi, con đã bị một “sự cố” và đến ngày hôm nay con thật là lo sợ vì có quen một người con trai thương yêu con. Có nên kể hết sự thật hay là giấu tất cả? Có những lúc con cố tình làm cho bạn trai con hiểu lầm để thù ghét và xa lánh con, nhưng kết quả ngược lại. Con khổ quá! Thưa bác sĩ, có phải trên đời này không có người con trai nào cao thượng và thông cảm cho con gái lỡ làng? Vì ba má con rất có uy tín, nên việc con chết hay đi tu đều không thể làm được, tuy rằng con rất muốn vậy".
(L.T.T., Phan Rang)
"Tôi có một chuyện rất khó nói, rất mong được bác sĩ giúp đỡ: Gia đình tôi có một bé gái 8 tuổi, bị bạn trai cũng khoảng 8, 9 tuổi xâm phạm thân thể. Liệu bé gái đó có bị mất màng trinh không? Vì muốn tránh tổn thương tâm lý cho bé nên gia đình tuyệt đối không muốn nhắc nhở đến chuyện ấy, nhưng rất lo sợ cho tương lai của bé.
Ngoài ra tôi cũng nghe nói màng trinh rất mỏng nên dễ bị tổn thương, liệu học võ và tập thể dục mạnh có làm màng trinh tiêu đi một cách tự nhiên không?".
(Ng.M., Thủ Đức)
Vấn đề trinh tiết hiện nay vẫn còn được nhận định ở nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, dù dưới góc độ nào thì cũng chỉ dựa vào việc tin tưởng ở nhau là chính. Người viết chưa biết trường hợp nào mà chú rể lại phải đem cô dâu đi khám để xác nhận “còn trinh” rồi mới làm đám cưới, và nếu có thì chắc là… rất dễ xa nhau. Muốn xác nhận còn trinh hay không, về mặt y học, phải khám phụ khoa, và phải do một bác sĩ chuyên khoa phụ sản đảm trách với bàn khám, đèn rọi… hẳn hoi. Những sự kiện khác (ra máu hay không ra máu, đau hay không đau) đều không có giá trị. Có trường hợp sinh hai ba đứa con rồi vẫn "còn trinh" vì màng trinh quá dày, cũng như có trường hợp không có màng trinh hoặc màng trinh đã rách sau một tai nạn nào đó. Vấn đề chính là phải yêu nhau thật sự, thành thật với nhau và tin nhau; nếu có lầm lỡ thì chẳng nên giấu, còn nếu không có thì việc gì phải lo? Riêng trường hợp bạn hỏi, cả hai “đương sự” đều quá nhỏ để có thể xảy ra chuyện đáng tiếc, nên quên đi là hơn.
"Vừa qua, các bạn trường em xôn xao vì tin một bạn gái bị băng huyết. Bạn bè cho rằng cô này đã có thai và đi nạo thai nên mới bị chứng ấy, bạn ấy rất khổ tâm. Vậy xin bác sĩ giải thích giúp, một người chưa lập gia đình có thể bị băng huyết hay không?".
Băng huyết hiểu theo nghĩa thông thường là ra nhiều máu ở bộ phận sinh dục nữ, có thể xảy đến với bất cứ tuổi nào, từ người chưa lập gia đình đến những bà có hàng tá con. Nguyên nhân gây ra băng huyết rất đa dạng, cần khám cụ thể mới điều trị được. Đối với trường hợp em kể, tôi nghĩ có lẽ chỉ đơn giản là một kỳ kinh kéo dài hơn thường lệ, gọi là rong kinh chứ chưa chắc đã là băng huyết. Ở tuổi học trò, kinh nguyệt trồi sụt, nhiều ít… là chuyện bình thường. Trong giới nữ sinh cấp 3, thỉnh thoảng vẫn có tin đồn người này có bầu, người kia nạo thai, thường nhắm vào những em có ngoại hình khá. Đây là điều rất dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu thấy vẫn ra máu hoài thì phải đi khám phụ khoa ngay.