Thắc mắc biết hỏi ai (phần 15)
Thiếu cảm giác
"Quan hệ vợ chồng của chúng tôi ngày càng nhạt nhẽo, có phải do thần kinh của chúng tôi có vấn đề? Đôi lúc tôi thấy đúng là đang streess, bác sĩ ạ".
(N.T.T.D., Quận 5)
"Hiện tại vợ tôi vẫn khỏe mạnh bình thường và chúng tôi đã có một cháu gái 6 tuổi. Cô ấy bị bệnh gì mà không đạt được đến cảm giác cực khoái? Tôi cũng đã cố gắng hết sức".
(P.N.T., Thủ Đức)
"Cuộc sống kinh tế của gia đình em tạm đủ và chúng em rất đầm ấm, chồng em rất chiều và thương vợ. Nhưng hầu như chẳng lần nào cả hai đạt đến tột đỉnh. Em chẳng khác nào cái xác không hồn, vừa giận lại vừa thương anh ấy. Chồng em nói: Hay là mình chia tay để em đi tìm hạnh phúc mới? Chúng em vẫn thương yêu nhau và em thấy không thể thiếu vắng nhau".
(N.N.T., Phú Yên)
"Anh ấy không thể vì thế mà hắt hủi cháu, một phần vì trong chuyện vợ chồng, anh ấy là người hoàn toàn không có kinh nghiệm tuy trong cuộc sống hằng ngày anh ấy rất hiểu biết. Cháu rất lo và cũng sợ chồng bỏ nữa. Bác sĩ hãy giúp cháu với".
(L.T.M., Kiên Giang)
Tại sao lại lãnh cảm?
Sau thập niên 1970-1980, sự “tham chiến” của nhiều nhà nghiên cứu nữ (như Calder, Hite, Keppes…) với đầy đủ học vị, bằng cấp, ngân sách, trang thiết bị… đã thay đổi và làm đảo lộn bộ môn tình dục học, thường vẫn được coi là “lãnh địa” của các tác giả phái nam. Cụ thể, các nhà nữ bác học của chúng ta cho rằng: "Chuyện tình dục của phụ nữ phải để cho chúng tôi. Đàn ông các anh chẳng biết mô tê gì cả, chỉ toàn suy diễn và… nói bậy!”. Trước hết, chữ lãnh cảm chắc chắn là do một người đàn ông đặt ra và anh chàng này hoàn toàn không hiểu gì về tâm lý tình dục phụ nữ. Vì frigidité (Pháp) hay frigidity (Anh) đều có gốc la tinh frigidus là lạnh, diễn nôm thành lãnh cảm. Nó bao hàm ý nghĩa trách móc, đổ tội cho phụ nữ. Theo các bà, đó là điều sai lầm, vô lý và bất công! Có lẽ nên gọi tình trạng này là thiếu cực khoái hoặc thiếu cảm giác (tương ứng với chữ dysorgasmia mà các nhà nghiên cứu nữ đề nghị). Dẫu sao, thiếu cảm giác hay thiếu cực khoái cũng vẫn nhẹ nhàng hơn lãnh cảm, một từ rất chạm tự ái, thậm chí có tính chất nhục mạ, dễ gây mặc cảm, và dễ… xa nhau.
Về mặt sinh học, “tính súc vật” là con đực xuất tinh để con cái hứng. Mèo, chó, lợn, bò… đều có những lúc động đực, cần có con đực. Và “chuyện con heo” như người ta thường nói chỉ là đáp ứng đòi hỏi bản năng súc vật mà không có thích thú, hay đúng hơn là không có sự thích thú theo nghĩa chúng ta hiểu về khoái lạc ở người. Ở mọi động vật, tình dục trở thành hoạt động sinh lý cao cấp nhất là do nó luôn tương ứng với sự phát triển của não bộ. Chính nhờ cực khoái (hoặc theo dân gian là “ra”, là “quíu”, là “bung”, là “tới”...) mà người đàn bà trở nên cao quí hơn và đã vượt lên trên tất cả mọi động vật giống cái khác của hành tinh. Cực khoái có thể xảy ra ngay cả ở các bà không còn âm đạo và âm hạch. Nhiều phụ nữ do nguyên nhân bệnh lý phải cắt bỏ phần lớn các cơ quan sinh dục và thay bằng âm đạo nhân tạo ghép từ da đùi non. Nhưng nhờ khả năng thích ứng rất cao của cơ thể, chỉ sau vài tháng “sinh hoạt thường xuyên”, người phụ nữ vẫn đạt được cực khoái như thường. Vì cơ quan sinh dục chỉ là nhánh dẫn thần kinh kéo dài từ não bộ. Nhiều khi chỉ cần một ánh mắt giao nhau là đủ rụng rời chân tay, tim đập liên hồi, hơi thở dồn dập… kèm theo những biểu hiện cụ thể tại cơ quan sinh dục.