Thắc mắc biết hỏi ai (phần 27)
Thế nào là loạn dâm?
Khái niệm loạn dâm (perversion) không được sử dụng trong ngành y vì lý do đơn giản: Phê phán người bệnh là điều không thể chấp nhận. Nếu bộ môn giới tính được phép cho chuyện này là loạn, chuyện kia không loạn… thì rồi sẽ có ngày người ta phát biểu rằng “sốt rét là sai trái”, “loét dạ dày là xấu xa”… Và chắc cả hai cụ Hippocrates lẫn Hải Thượng Lãn Ông đều phải đội mồ sống dậy mất.
Vì vậy, để diễn đạt khái niệm trên, thuật ngữ lệch lạc tình cảm (sexual deviation) được nhiều tác giả nhất trí do chỉ có tính chất mô tả. Một số tác giả khác vẫn cho là chưa chỉnh, và đề nghị dùng cụm từ thiểu số tình dục để đối lại với đa số nhân loại.
Thiểu số này gồm những thực trạng khác nhau (thường không được Tổ chức Y tế Thế giới coi là bệnh), chia ra làm hai nhóm chính:
- Lệch lạc đối tượng: Thay vì quan hệ nam nữ như thiên hạ thì lại nam nam, nữ nữ hoặc với súc vật… trong khi tất cả mọi đặc tính tình dục của họ đều được bảo lưu. Đó là các trường hợp "ái" như: đồng tính ái, ái thú, ái lão, ái nhi…
- Lệch lạc mục đích: Là những trường hợp mà chính sự lệch lạc, tự nó, đã là hành vi tình dục rồi và đem đến sự thỏa mãn trọn vẹn (?), vì vậy người ta không cần biểu hiện khác. Do chỉ khác biệt về mục đích nên từ "dâm" được sử dụng với nghĩa là một hành vi tình dục, như ác dâm, khổ dâm, phô dâm, thị dâm, bút dâm, khẩu dâm…
Lẽ tất nhiên, các trạng thái này không thể nằm ngoài nguyên tắc căn bản của bộ môn: Tình dục luôn luôn là chuyện hoàn toàn cá nhân. Mọi mức độ khác nhau đều có thể xảy ra, và ranh giới những mức độ đó cũng rất mơ hồ.
Tình dục, ngay cả (hoặc nhất là) trường hợp lệch lạc, lúc nào cũng bị quá nhiều yếu tố chi phối, từ giáo dục, văn hóa, môi trường, thời điểm thuận lợi, cho đến đối tượng (quan trọng nhất là thái độ của đối tượng) sức khỏe, sự thanh thản tinh thần “vào lúc đó”…
Dù sao, chỉ coi là lệch lạc đối với các thực trạng có tính chất cưỡng chế, như một nhu cầu không thể chống lại, tuy người đó rất có ý thức về sự “bất bình thường” của hành vi, nhưng vẫn phải thực hiện. Cần phải nhấn mạnh rằng, nếu những hiện tượng bất thường chỉ xảy ra đôi ba lần, trong thời gian rất ngắn thì chưa đủ yếu tố để kết luận. Chỉ kết luận được nếu người đó tiến hành thường xuyên, liên tục, trong khoảng thời gian ít nhất 6 tháng.
Vào đầu thập niên 1980, Tiểu ban Thuật ngữ y học TP Hồ Chí Minh (gồm: Võ Thế Quang, Ngô Gia Hy, Ngô Như Hòa, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Văn Tích, Nguyễn Tấn Trung…) đã đề nghị dùng một số từ mới về lĩnh vực tình dục học, nhằm bổ sung cho Từ điển Y dược Pháp Việt 1976. Trong khi chờ đợi sự thống nhất về danh từ, đối với các lệch lạc tình dục, người viết tạm sử dụng những đề xuất của Trần Văn Tích và Nguyễn tấn Trung.