GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
TRỞ THÀNH MỘT NHU CẦU XÃ HỘI
GS. ĐẶNG PHƯƠNG KIỆT
Giáo dục giới tính ở các
nước công nghiệp phát triển - từ lâu, ít ra 2-3 thập kỷ qua - đã trở thành
một nhu cầu xã hội.
Ở Pháp, từ những năm 70
đã khởi sự cái gọi là một cuộc cách mạng văn hóa với tiêu đề: tự do, bình
đẳng, giới tính (hay tính dục). Cuốn sách Bách khoa vì cuộc sống tính dục
đã phát hành đến 1 triệu rưỡi cuốn và được dịch ra 16 thứ tiếng. Giáo dục
giới tính được chính thức đưa vào trường học.
Song vẫn còn những bất
cập. Michel Zorman, bác sĩ cố vấn kỹ thuật (tại Grenoble, một thành phố miền
Nam nước Pháp) đã đưa ra một mô-đun giáo dục giới tính gồm 25 giờ học tại
hai lớp trung học, và cứ 40 giờ học tại một lớp cấp 2 thì có 1 giờ là giáo
dục giới tính. Người lên lớp là các thầy cô giáo, các nhà tâm lý, bác sĩ, y
tá đã được đào tạo. Tuy vậy, mọi người cảm thấy nhà trường không đủ khả năng
làm hài lòng học sinh về lĩnh vực này, và đều ngầm hiểu là các bậc cha mẹ
cũng phải có trách nhiệm.
Tại Trung Quốc, mấy năm
gần đây, trong xu thế hiện đại hóa và "mở cửa", "Nhà nước Trung Quốc đã tán
thành việc giáo dục tình dục sâu rộng trong quần chúng, trong một nỗ lực mới
nhằm giải quyết một cách cởi mở hơn vấn đề tình dục, bệnh AIDS và nạn mãi
dâm"...
Thực ra, người Trung Quốc
cổ đại đã đặc biệt chú trọng vấn đề giới tính. Thật khó tưởng tượng, vào năm
79 sau công nguyên, Hoàng đế Đông Hán đã đứng ra chủ trì một cuộc họp mang
quy mô toàn quốc, có mặt nhiều nhà học thuật tên tuổi nghiên cứu về tính
dục. "Bạch hổ thông", đó là tên tác phẩm kể về công trình nghiên cứu này, do
các nhà sử học trứ danh ghi lại, lưu truyền từ đó đến nay.
Trong "Bạch hổ thông" có
viết: "Tại các trường quý tộc thời cổ đại, giáo dục giới tính được xem là
một phần quan trọng. Những con em gia đình quý tộc nhập trường lúc 15 tuổi,
không được về nhà trước tuổi 20. Tại sao việc giáo dục giới tính không dạy ở
nhà mà lại đến trường? Sách nêu rõ "bố không thể dạy con về chuyện biến hóa
âm dương - phu thê".
Vấn đề sinh hoạt tình dục
người Trung Quốc xưa xem như một phần của y học, song nội dung của nó thực
sự đã vượt qua ngoài khuôn khổ y học, nói cách khác tính dục học không chỉ
đơn thuần là khoa học mà còn là nghệ thuật. Nghệ thuật có tên "Phòng trung
thuật", tạm dịch là nghệ thuật nơi khuê phòng (vợ chồng). Phòng trung
thuật bao gồm tất cả các lĩnh vực tâm, sinh lý và bệnh lý trong sinh
hoạt tình dục, nó đề cập đến các phép vô sinh, bảo vệ sức khỏe và chữa trị
các bệnh cơ quan sinh dục và kể cả dưỡng sinh.
Y học phương Đông rất coi
trọng "tiết dục". Tiết dục không đơn thuần là hạn chế (tiết chế), mà tiết
còn có nghĩa là điều tiết, là tiết luật - nhịp điệu. Khi sinh hoạt tình dục
được điều tiết hợp lý thì âm dương cân bằng, chính khí vững bền và cơ thể
khỏe mạnh.
Phòng trung thuật ngoài việc quan tâm đến mức độ nhập
phòng (tùy tuổi, tùy trạng thái sức khỏe và tâm lý); đến sự hòa hợp với thời
tiết khí hậu theo quan điểm dưỡng sinh ("Xuân nhất, Hạ nhị, Thu nhất, Đông
vô") mà còn rất coi trọng tình cảm hài hòa. Từ ngàn xưa tính hành đã gắn
liền với tình ái. Tính hành (giao hợp) chỉ đem lại khoái lạc và lợi ích cho
sức khỏe khi tình cảm nam nữ hài hòa. Sách "Ngọc phòng chỉ yếu" viết: Nam
muốn tiếp nữ mà nữ không vui, nữ muốn tiếp nam mà nam không muốn, hai trái
tim không hòa đồng thì tính khí không cảm ứng được, giao hợp miễn cưỡng, lên
xuống thô bạo khi một bên không ưng thuận, đó là một trong những điều nghiêm
cấm trong phòng trung thuật. Theo người xưa, trước khi giao tiếp, hai bên
nam nữ cần chuẩn bị đầy đủ về tình cảm, tâm lý sao cho "tình ý hợp đồng",
"âm dương tương cảm", "nam dục cầu nữ" thì mới đạt được khoái cảm mỹ mãn,
lợi cho sức khỏe và tâm thần...
Thế nhưng trong một cuộc
điều tra quy mô lớn về tính dục học mới đây, do Trung tâm xã hội học Trung
Quốc ở Thượng Hải tiến hành trên 24.000 người (trong đó phần lớn là thanh
niên, sinh viên) cho thấy có những khiếm khuyết hay bất cập trong quan hệ
tình dục như (% số người được hỏi trả lời):
+ Phụ nữ không ưng vẫn
làm tình:
Thành thị: 20,56% trong
số được hỏi.
Nông thôn: 17,6%.
+ Phụ nữ đau khi giao
hợp:
Thành thị: 44,7%.
Nông thôn: 36,9%.
+ Không có "khúc nhạc dạo
đầu":
Thành thị: 14,2%.
Nông thôn: 16,8%.
Từ năm 1993, tại Trung
Quốc đã mở chương trình giáo dục giới tính cho thanh niên trên Đài truyền
hình quốc gia (hợp tác với Liên đoàn thanh niên) nhằm "dạy những gì là đúng
hoặc sai trong cách nhìn về tình dục và ứng xử với nó", đồng thời phát hành
một tạp chí có mục đích tương tự được phân phối trên 100 thành phố của Trung
Quốc.
Gần đây, tại thành phố
Bắc Kinh xuất hiện một tổ chức gọi là "Thiếu nữ khóa đường", một kiểu
lớp học dạy làm thiếu nữ - lớp học này được lập ra theo sáng kiến của Hiệp
hội những người làm công tác xã hội Trung Quốc và Trung tâm khoa học gia
đình Kinh Luân. Giảng viên là một số chuyên gia nghiên cứu hôn nhân gia
đình, học giả tâm lý học và các giảng viên có kinh nghiệm. Trong lớp học,
các thiếu nữ có thể tìm hiểu được mọi vấn đề mà mình quan tâm như: biến đổi
sinh lý, biến đổi tâm lý tuổi thanh thiếu niên, kết bạn với người khác giới,
các xử lý quan hệ giao tiếp... Đang có sáng kiến mở thêm "lớp học nam sinh"
rồi "lớp học gia trưởng" dành cho các bậc phụ huynh. Một sáng kiến thật đáng
học tập.
Ở nước ta, vấn đề giáo
dục giới tính đang thực sự trở thành một yêu cầu xã hội, nhất là trước mối
đe dọa của thảm họa AIDS, các tệ nạn xã hội có liên quan đến thanh thiếu
niên và cuộc sống hôn nhân gia đình.