MÀNG TRINH VÀ TRINH NGUYÊN
BS. TRẨN THÀNH
Hỏi: Nhiều bạn gái, đặc biệt là các thiếu nữ muốn biết về màng
trinh và về sự trinh nguyên của người con gái? Có người con gái nào không có
màng trinh không?
Đáp: Về phương diện cơ thể học, từ "màng trinh" dùng để chỉ miếng da
mỏng chắn ở cửa âm đạo. Màng trinh có các đặc tính khác nhau tùy từng người,
như:
-
Về độ dày, mỏng: Có người màng trinh quá mỏng, đã bị rách vô tình từ thời
thơ ấu. Có người màng trinh quá dày, không thể giao hợp được (phải giao hợp
trong tư thế đặc biệt hay phải nhờ bác sĩ can thiệp để rạch màng trinh).
-
Lỗ màng trinh (để hàng tháng máu kinh nguyệt thoát ra) cũng có nhiều dạng:
Dạng một lỗ: có thể có lỗ hình bán nguyệt, hình trăng lưỡi liềm hay
hình tròn.
Dạng nhiều lỗ: hình tròn
Cũng có trường hợp màng trinh không có lỗ, khi hành kinh máu không
có chỗ thoát ra; vì vậy, từ khi bắt đầu tuổi dậy thì, hàng tháng tới kỳ kinh
thiếu nữ bị đau bụng dữ dội. Do máu ứ đọng trong âm đạo nên khi khám ở tư
thế phụ khoa sẽ thấy màng trinh căng phồng lên, màu trắng ngà giống như
trứng vịt luộc đã lột vỏ. Điều trị bằng phẫu thuật để lấy hết máu ứ đọng ở
âm đạo ra, sau đó tạo hình cho lỗ màng trinh cho kinh nguyệt có chỗ thoát ra
thì hàng tháng thiếu nữ sẽ hết đau bụng. Cũng có trường hợp đặc biệt, người
con gái sinh ra đã không có màng trinh bẩm sinh. Vì vậy không có màng trinh
không có nghĩa là không còn trinh nguyên.
Trinh nguyên là khái niệm về xã hội hay luân lý, vì thế không thể hoàn toàn
đem y học phán xét sự trinh nguyên được. Y học chỉ có thể nhận biết thiếu nữ
còn màng trinh hay không mà thôi, bằng cách khám ở tư thế phụ khoa. Tuy
nhiên, còn màng trinh lại không có nghĩa là người con gái còn trinh nguyên,
chưa hề quan hệ tình dục với đàn ông. Vì có thể quan hệ qua một vài cơ quan,
bộ phận khác... hay là đã giao hợp rồi nhưng lại nhờ bác sĩ chuyên khoa vá
màng trinh.
Về
câu các bạn hỏi: Thế nào là người con gái còn trinh nguyên thì quá rộng. Như
đã nói: trinh nguyên là một khái niệm xã hội học, do đó thay đổi theo quan
điểm của từng người, từng thời đại. Thiển cận và hẹp hòi như anh chàng Thân
đối với cô Loan trong tác phẩm Đoạn Tuyệt, là tìm vết máu trong đêm tân hôn.
Nếu gặp một cô gái không còn trinh, cố tình "đối phó" bằng cách dự tính sao
cho ngày cưới (hay lễ hợp cẩn) xảy ra sau khi vừa dứt kinh thì vẫn còn một
ít máu sau giao hợp. Còn cho rằng "đau và có máu" xảy ra ở trinh nữ thì nếu
gặp ông chồng quá mạnh bạo hoặc người phụ nữ đang viêm âm đạo thì khi giao
hợp vừa đau lại vừa có máu. Vì vậy, có vết máu và đau không nhất thiết chỉ
xảy ra ở người con gái lần đầu tiên giao hợp.
Ngược lại, đối với nhà thơ Cách mạng Tố Hữu, thì quan niệm trinh nguyên lại
mang ý nghĩa đổi mới và xây dựng tương lai. Khi "cô gái sông Hương" thốt lên
tiếng than ai oán:
"Trời ơi em biết khi mô
. . . . . . . . . . . . . . . . . .
Thuyền em rách nát còn lành được không?"
Nhà
thơ đã khẳng định:
"Răng không cô gái trên sông?
Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài.
Thơm như hương nhụy hoa lài
Sạch như nước suối ban mai giữa dòng".
. .
. . . . . . . . . . . . . . . . .
"Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô
thôi sống kiếp đày thân giang hồ".
Có
thể bạn sẽ cho rằng: Đâu phải người nào cũng là chiến sĩ Cách mạng như nhà
thơ Tố Hữu, để có một quan niệm rộng rãi đến thế: khi người kỹ nữ chấm dứt
kiếp sống giang hồ là trở nên trong trắng rồi. Chúng ta hãy lui lại thế kỷ
thứ XVIII với thi hào Nguyễn Du, xuất thân từ gia đình công hầu khanh tướng,
dòng dõi trâm anh thế phiệt, nhưng ông cũng có quan niệm về trinh nguyên
thật rộng rãi và nhân bản, qua lời Kim Trọng đối đáp với Thúy Kiều. Nàng
Kiều gặp cơn gia biến, phải bán mình chuộc tội cho cha già, tấm thân lưu lạc
"Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần", thế nhưng đến khi tái hợp, Kim Trọng
cho rằng:
"Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.
. .
. . . . . . . . . . . . . . .
Như
nàng lấy hiếu làm trinh
Bụi
nào cho đục được mình ấy vay."
Như
thế, đối với Kim Trọng (cũng chính là quan niệm của Tố Như tiên sinh): Thúy
Kiều vẫn trinh nguyên dù cho tấm thân đã từng "bướm lả ong lơi", "dập dìu lá
gió cành chim".
Để
kết thúc bài, chúng tôi xin mượn hai câu của nhà thơ Nguyễn Du: "Lời quê góp
nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh". Bạn đừng thắc mắc về
màng trinh nữa, riêng với các bạn nam nếu hôn thê của các bạn xuất thân từ
gia đình lễ giáo; là người con gái đức hạnh đoan trang, có cuộc sống nề nếp,
không buông thả phóng túng thì các bạn hãy yên tâm, nàng vẫn trinh nguyên.