NGUYỄN Ý ĐỨC

SUY DINH DƯỠNG ở Người Cao Tuổi

Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng cho một sức khỏe tốt của mọi người, mọi lứa tuổi, nhất là người cao niên.

Suy dinh dưỡng là tình trạng gây ra do sự mất cân bằng giữa thực phẩm tiêu thụ và nhu cầu năng lượng của cơ thể. Sự kiện này có thể là do ăn quá ít hoặc ăn không đồng đều các thực phẩm căn bản như đạm, chất béo và chất bột đường.

Được coi như suy dinh dưỡng khi bị sụt ngoài ý muốn từ 5 đến 10% sức nặng cơ thể trong vòng sáu tháng tới một năm. Theo thống kê, có tới một phần ba (1/3) những người trên 65 tuổi bị suy dinh dưỡng, nhất là về chất đạm.

Suy dinh dưỡng có ảnh hưởng quan trọng tới sức khỏe, bệnh tật và là nguy cơ đưa tới tử vong của nhóm người này.

Diễn tiến bình thường ở tuổi già

Khi tới tuổi cao, cơ thịt giảm, da khô, xương xốp nhưng ở bụng, ở mông thì tế bào mỡ phát triển.

Các chức năng sinh học suy yếu: chuyển động co bóp và sự hấp thụ thực phẩm của ruột và bao tử giảm; bớt cảm giác về ăn uống như nếm, ngửi, nhìn thực phẩm; răng lung lay; ít khát nước, ít thấy đói.

Nhiều dược phẩm mà người già dùng cho các bệnh kinh niên cũng ảnh hưởng tới khẩu vị.

Nguy cơ suy dinh dưỡng

Có nhiều nguy cơ đưa đến suy dinh dưỡng:

a- Sống đơn độc. Ăn ngon cần có người cùng ăn mới thấy có hứng thú. Người sống một mình thường ăn qua loa cho xong bữa, nên ăn ít, nhất là khi không có người bạn đường nấu cho mình cũng như để chia sẻ ngọt bùi.

b- Rối loạn tâm thần như trầm cảm (depression), đặc biệt là với với quý cụ sống trong viện dưỡng lão; tiếc thương vì sự ra đi của người bạn trăm năm.

c- Không ý thức sự quan trọng của dinh dưỡng, ăn gì cũng được, cốt sao cho no bụng thì thôi.

d- Ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc không đúng cách, không biết cất giữ, nấu nướng thức ăn.

e- Thiếu thốn vật chất, không được cung cấp đủ thực phẩm. Nhiều người đau ốm kinh niên để dành tiền mua thuốc hoặc trả tiền nhà, điện nước hơn là mua thực phẩm. Họ có thể ăn thực phẩm rẻ tiền, quá hạn, hết chất dinh dưỡng, chỉ cốt sao cho khỏi đói bụng.

g- Phụ thuộc vào người khác. Người bị đau xương khớp kinh niên, di chuyển khó khăn không đi mua và không nấu nướng được. Các cụ bị suy yếu tâm thần có thể quên không ăn hoặc thấy ăn uống là không cần thiết. Nhiều người cần sự giúp đỡ bón thức ăn.

h- Người già bị gia đình bỏ rơi, lạm dụng, không được nuôi dưỡng đầy đủ.

i- Các bệnh kinh niên như ung thư, bệnh phổi, bệnh tim đều đưa tới suy dinh dưỡng. Giảm dịch vị bao tử khiến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng như sắt, đường lactose bị trở ngại. Chức năng của gan giảm, khiến cho sự chuyển hóa thực phẩm chậm. Thất thoát chất dinh dưỡng qua ói mửa, nước tiểu, phân...

k- Biếng ăn vì tác dụng của dược phẩm đang dùng. Một vài dược phẩm có nguy cơ đưa tới ăn mất ngon (Digoxin, Prozac, Quinidine, quá nhiều sinh tố A); gây ói như vài loại thuốc kháng sinh, Aspirin, Theophylline; làm kém hấp thụ thức ăn như các loại thuốc trị táo bón, thuốc trị suyễn loại theophylline, thuốc kích thích amphetamines. Dùng nhiều sinh tố D có thể đưa tới tổn thương cho thận; dùng nhiều chất sắt có thể làm chất này tồn trữ và gây hại cho gan.

l- Bệnh răng miệng. Răng cũ lung lay, răng giả không khít hàm đưa tới khó khăn nhai thức ăn; miệng khô nước miếng khiến nhai thực phẩm như nhai bông gòn; nuốt thức ăn xuống thực quản khó khăn.

m- Mất cảm giác nếm, ngửi thực phẩm. Nhiều vị cao niên mất hứng thú trong ẩm thực vì họ không cảm thấy hương vị và nhìn thấy sự hấp dẫn của thực phẩm do giác quan yếu. Thực phẩm trở nên không mùi không vị, đôi khi họ ăn thức ăn thiu hư mà không biết. Nhiều khi, để có khẩu vị, họ tăng gia vị như ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều đồ cay. Mất cảm giác một phần là do các nụ nếm của lưỡi bị cọ sát với răng mà hư hao bớt đi.

n- Uống nhiều rượu. Số người cao tuổi uống rượu lên tới 10%. Các cụ uống ít một nhưng nhiều lần trong ngày, gọi là nhâm nhi cho ấm bụng, tiêu cơm. Rượu không mang chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều vị lại dùng rượu thay cơm, ăn ít thực phẩm, nhất là dùng rượu để quên đời, giải sầu.

o- Trường hợp suy dinh dưỡng vì mất khoái cảm ăn (loss of appetite) cần được nói thêm. Nhiều người cứ cho chuyện mất ngon miệng là chuyện đương nhiên ở người già mà thực ra nó có thể gây ra do một số bệnh kinh niên như:

Bệnh phổi: sự mất kí ngoài ý muốn thường thấy ở 75% người có bệnh phổi mặc dù họ ăn uống đầy đủ. Đó là do năng lượng mất đi và tăng chỉ số biến hóa, đưa đến suy yếu hoành cách mô, thở khó khăn.

Bệnh tim: theo nhiều chuyên gia, sau thời gian vài năm mất kí vì bệnh phổi thì bệnh tim sẽ xuất hiện. Bệnh nhân mất thêm kí, ăn mất ngon, mệt mỏi, cơ thịt tiêu hao. Ngoài ra thuốc trị bệnh tim cũng làm giảm sự ăn ngon.

Bệnh ung thư: hầu hết người mắc bệnh ung thư đều mất kí, có thể vì có sự tăng gia biến hóa, thay đổi nội tiết hoặc do tác dụng của thuốc chữa ung thư.

Sa sút trí tuệ: nhóm người này thường mất khả năng tự ăn uống, không còn cảm giác với thực phẩm. Đôi khi họ không chịu mở miệng để hứng thực phẩm, không chịu nhai hoặc nuốt chửng thực phẩm, đánh phá người bón thức ăn cho họ, dấu thực phẩm.

Những dấu hiệu của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng đôi khi được phát hiện khi các cụ thấy quần áo tự nhiên rộng, lỏng. Còn khi đi khám bác sĩ thì định bệnh căn cứ vào bệnh sử, khám toàn thân, cân đo sức nặng, thử nghiệm máu (hồng cầu, kích thích tố tuyến giáp, chức năng gan), thử phân kiếm ký sinh trùng, máu; chụp quang tuyến tim phổi, bộ máy tiêu hóa...

Người bị suy dinh dưỡng thường đờ đẫn, lơ là với mọi người, với sự việc xẩy ra chung quanh hoặc đôi khi lại gắt gỏng, khó tính. Da khô, xanh lợt, dễ bầm, vết thương lâu lành. Tóc khô ròn, rụng nhiều; móng tay khô, nứt; ăn không ngon miệng; giảm cảm giác với mùi vị thực phẩm; miệng khô, lưỡi và môi lở; nhai nuốt khó khăn; hay buồn ói, buồn nôn; đại tiện bón, lỏng bất thường; nhịp tim nhanh; hơi thở khó khăn. Cơ thể mỗi ngày một gầy đi, sức khỏe suy giảm, các bệnh đang có trầm trọng thêm lên, di chuyển khó khăn, dễ ngã, dễ bị tai nạn.

Hậu quả của suy dinh dưỡng

-Thương tổn thể xác và tâm thần.

-Dễ dàng mắc các chứng bệnh truyền nhiễm.

-Tăng rối loạn với các bệnh chuyển hóa.

-Giảm khả năng hoạt động.

-Tăng nguy cơ tử vong.

Điều trị và phòng ngừa suy dinh dưỡng

Vấn đề ưu tiên là phát hiện và điều trị các nguyên nhân đưa tới suy sinh dưỡng như đã kể ở trên.

Người bệnh cần được thầy thuốc theo dõi, chuyên viên dinh dưỡng giúp chỉ dẫn món ăn bổ dưỡng, nhân viên xã hội giúp giải quyết các vấn đề về hoàn cảnh, giới thiệu tới các cơ quan tương trợ người già, các hội đoàn dân sự.

Sự biếng ăn là nguy cơ thông thường nhất đưa tới suy dinh dưỡng. Sau đây là vài phương thức để tránh tình trạng này:

a- Khuyến khích người cao tuổi kiếm bạn cùng ăn cho vui. Người cao tuổi có thể đến ăn tại các trung tâm cao niên, ăn chung với người thân trong gia đình, tại các cơ sở tôn giáo có sinh hoạt xã hội.

b- Nhiều người bỏ bữa ăn vì cảm thấy mệt khi nấu nướng. Nên nghỉ cho khỏe, rồi nấu chứ đừng bỏ bữa ăn. Đôi khi nấu một lần cho hai bữa ăn. Cùng lắm có thể mua thực phẩm nấu sẵn rồi hâm lại bằng microwave.

c- Khuyến khích ăn nhiều vào bữa mà người cao tuổi thích. Nếu bữa trưa là thời gian tốt để ăn thì có thể tăng phần ăn ở bữa này. Ăn làm nhiều bữa nhỏ thay vào ba bữa ăn chính thường lệ.

d- Tránh mau no bụng như đừng uống nước, uống thuốc trước khi ăn.

e- Tránh thực phẩm gây ra nhiều hơi như cabbage, đậu, nước ngọt có hơi, cà phê.

h- Năng vận động cơ thể để kích thích khẩu vị.

g- Giữ gìn vệ sinh răng miệng. Người hay bị khô miệng thì ăn nhiều canh, nước xốt. Khó khăn nhai với răng giả thì có thể dùng thực phẩm bầm nhỏ, nấu thịt nhỏ lửa lâu hơn để có thịt mềm.

i- Nhiều người cứ ăn là muốn nôn ói, thì nên tránh ăn nhiều quá một lúc, mà chia ra làm nhiều bữa nhỏ, tránh đồ mỡ béo.

k- Khuyến khích dùng thêm thực phẩm phụ cũng như sinh tố, khoáng chất.

l- Thêm gia vị vào thực phẩm để tăng sức quyến rũ khẩu vị người cao tuổi.

Kết luận

Suy dinh dưỡng, nhất là ngoài ý muốn, là vấn đề hệ trọng đối với người cao tuổi. Nó làm tăng nguy cơ bệnh hoạn và tử vong ở lớp người này. Hầu hết những nguyên nhân đưa tới suy dinh dưỡng đều có thể điều trị và phòng ngừa được.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

TX, 3-03


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn