NGUYỄN Ý ĐỨC

TUỔI GIÀ HƯ CẤU VÀ SỰ THỰC

 

 

Đã có một thời kỳ, và ngay cả bây giờ, người ta đã gán ghép cho người già một số những điều hoang tưởng, những một nửa sự thật có dụng ý kỳ thị, phân chia.

 Họ xếp người già vào một nhóm: “nhóm người đầu bạc, răng long, suy yếu; nom ai cũng giống ai, cũng vô dụng, hết sài, không tự lo thân được. Rồi lại sức khoẻ kém, nay nằm nhà thương, mai đi bác sĩ, kém trí nhớ, lú lẫn. Họ sống cô đơn xa lánh mọi người; luôn luôn than buồn chán. Họ không còn hấp dẫn cả về hình dáng lẫn tình dục. Đừng đả động tới họ nữa. Hãy cứ đưa họ vào viện dưỡng lão hay tập trung vào các nông trại cho tiện việc”.

Trên truyền thông báo chí, chỉ thấy hình ảnh những người thuộc lớp trẻ đầy sinh lực hấp dẫn, khoẻ mạnh. Nhóm người già được mời vào mép chiếu của các sinh hoạt xã hội, gia đình.      

 

Tuổi già có đáng để mang nhiều hư cấu như vậy không?

Tuổi già có đành an phân: già là vô dụng, là không hoạt động, không thích nghi, kém khả năng tình dục, là gánh nặng cho gia đình, cộng đồng!

 

 Đã có nhiều dẫn chứng khoa học, nhiều thống kê cụ thể phủ nhận những huyền thoại, những vô nghiã đó.

1-     Đâu có phải những người trên 60 tuổi đều già cả rồi.-

Ở nhiều quốc gia, để cân bằng sự cung cầu nhân lực và do hoàn cảnh kinh tế, tới một tuổi nào đó người đi làm được cho về hưu, nhường công việc cho lớp người sanh sau. Họ được khuyến dụ là về để vui thú điền viên, là đã đóng góp, trả nợ đầy đủ cho xã hội.

Việt nam hiện nay đàn bà 55 tuổi nghỉ việc, đàn ông làm thêm tới 60. Bên Hoa Kỳ, trước đây khi đáo hạn tuổi 65  thì bắt buộc nghỉ việc. Nhưng từ năm 1986, sự bắt buộc về hưu này được hủy bỏ vì có tính cách kỳ thị tuổi tác, chẳng khác gì kỳ thị chủng tộc, nam nữ.

Từ  cái tiêu chuẩn hành chánh đó nhiều người đã suy luận ra một khi về hưu là họ đều già rồi. Và  hãy gom họ vào một nhóm những người có nhiều khó khăn về mọi  phương diện từ sức khỏe, tài chánh, đến sinh hoạt trong những năm cuối cuộc đời. Ngay cả người về hưu cũng nghĩ là: thôi đã đến lúc ta nghỉ cho khỏe thân già. Rồi còn dành thì giờ dối già, đi chơi đây đó chứ..

Về phương diện y khoa, không có một chứng cớ sinh lý học nào hỗ trợ cho ý kiến  coi về hưu là lúc cơ thể bắt đầu già. Có người bẩy tám mươi tuổi mà nom còn dắn dỏi, nhanh nhẹn; trái lại có người mới gần năm chục mà nom đã hom hem, móm mém, tóc bạc khô, đi đứng không vững.

Hóa già là do thể chất, gen di truyền, cách thức sống, ảnh hưởng của môi trường quyết định. Thực ra rất khó mà xác định là ở khoảng thời gian nào của đời người ta sẽ bắt đầu già. Có người nói là ta già từ khi còn ở trong lòng mẹ.

Người ta đã cố gắng đo một số mốc sinh lý để coi xem già bắt đầu từ tuổi nào, như là đo sức mạnh của bắp thịt, chỉ số huyết áp, giảm thính, thị giác, dung tích của phổi... nhưng kết quả chưa rõ ràng. Thôi thì cứ đành nhận là khi nào ta cảm thấy già thì ta già vậy.

 

2-   Mấy người già, người nào cũng như nhau.

Có ý kiến cho rằng mọi người đều già đi theo cùng một phương thức, do đó họ đều giống nhau. Tất cả đều có bề ngoài  già  nua như nhau, suy nghĩ, hành động già như nhau và chỉ cần thấy một người già thì coi  như ta đã hình dung ra cả nhóm.

Thực ra, có  rất nhiều khác biệt trong sự hóa già. Và ở mỗi cá nhân, sự hoá già đều rất cá biệt. Diễn tiến này chịu ảnh hưởng của  nhiều yếu tố: gen di truyền,  chủng tộc, giống tính, địa phương, khí hậu, nếp sống, hoàn cảnh gia đình, xã hội.

 Cho nên có người già suy yếu, bệnh tật chỉ chờ chết. Có người già khoẻ mạnh, còn hoạt động đều đặn. Có người sống rất phóng khoáng, lại có người mang nhiều định kiến, bảo thủ. Có người sống lẻ loi, tự cô lập thì có nhiều người giữ giao tiếp với bạn bè cũ mới, đi đó đi đây. 

Sự già giữa người nam, người nữ cũng không giống nhau. Người nữ có tuổi thọ cao hơn, nhân số nhiều gấp rưỡi người nam già. Họ  hay bị  bệnh trầm kha hơn như các bệnh tiểu đường, cao huyết áp, phong thấp, loãng xương. Đáp lại thì người nam già thường hay bị tai biến động mạch não, bệnh tim.

Vì sống lâu hơn lão nam nên nhiều  lão nữ  lâm vào cảnh góa bụa, ít có cơ hội tái giá. Người nam ít tuổi kiếm đối tượng trẻ hơn,  mà người nam nhiều tuổi hơn mình thì mình chẳng chịu. Lãnh về để thay tã cho ổng suốt ngày hay sao!. Nên  các lão bà nhiều sầu muộn đơn côi,ï tương đối kém lợi tức nên cảnh già thường  đạm bạc, thiếu thốn.

Thành ra cho rằng người già đều như nhau thì có vẻ nông nổi, cả tin.

 

3-   Không phải hễ già thì  yếu đuối, kém sức khoẻ.

Thường thường khi nói tới giaø là ta cứ gắn vào chữ yếu.

Họ đều già yếu rồi. Người thì đi xe lăn, người chống gậy, lủng lẳng mang thêm bình dưỡng khí để thở, một tháng  đi bác sĩ vài ba lần,  nhập bệnh viện thường xuyên, đâu còn sức lực gì.

Nhiều khi cả thầy thuốc cũng giải thích cho bệnh nhân là các  vấn đề của sức khoẻ đều do sự chồng chất của những ngày sinh nhật gây ra.

Câu chuyện nghe được trong một phòng mạch:  Một ông già than phiền sao cái cánh tay bên trái cứ nhức mỏi hoài. Bác sĩ bảo: cụ đã 80 tuổi rồi thì nó vậy đó, bệnh già mà. Cụ chỉ đau như vậy thôi là may lắm rồi, còn muốn gì hơn. Bệnh nhân lại hỏi thế tại sao tay phải tôi cũng 80 tuổi lại không nhức?

Thực tế ra, đa số người cao tuổi đều có một sức khoẻ tốt, đều duy trì tình trạng tự cáng đáng các nhu cầu hàng ngày, duy trì khả năng làm việc. Đối với người cao tuổi, duy trì bình thường các chức năng cũng quan trọng như làm sao để không bị bệnh hoạn.

Tám mươi phần trăm các vấn đề sức khỏe của người già có thể tránh hoặc trì hoãn được khi cơ thể được chú ý chăm sóc, đồng thời  sự hoá già cũng đến từ từ, nhẹ nhàng hơn.

 Xin nhớ sự hóa già và bệnh hoạn đôi khi trùng hợp nhưng không có liên hệ nhân, quả.

 

4-   Tránh thành kiến hễ già thì nói trước quên sau.- 

Có nhiều thành kiến gán cho sự hóa già là nguồn gốc của sự nói trước quên sau, trí tuệ trì trệ. Có thời kỳ, ngay cả các nhà khảo cứu cũng cho là về già trí tuệ suy yếu.

Nhưng mới đây nhiều bằng chứng kết luận là trí tuệ không giảm với tuổi cao, ngoaị trừ khi người già đồng thời mắc một số bệnh thần kinh đặc biệt và ngoại trừ ta chẳng may bị chứng bệnh sa sút trí tuệ. Nói chung thì sự sáng suốt của con người còn duy trì được tới tuổi ngoài 70.

Bác sĩ Robert Butler, nhà lão khoa có uy tín đã từng xác định: “Cứ  tin tưởng rằng khi sống lâu trí tuệ ta trở thành suy thoái là điều không đúng. Hãy thử để con người sống trong cô lập, không giao tiếp với ngoài đời, thụ động, thì chỉ một thời gian ngắn họ sẽ trở thành bất thường, không có lý trí, lệ thuộc, buông suôi. Trái lại, nếu sống năng động với nhiều thử thách thì không những tinh anh hơn mà còn thọ lâu, khoẻ mạnh hơn”.

Có thể là cũng như ở lứa tuổi khác, người cao tuổi có giảm đi phần nào trí nhớ ngắn hạn, như đột nhiên quên tên người quen, quên một sự kiện vừa xẩy ra hay không nhớ để chiếc chìa khóa xe ở đâu, hoặc không làm hai việc một lúc. Nhưng với sự tập luyện lập đi lập lại, sửa soạn và dành thì giờ rộng rãi cho công việc, làm việc theo thứ tự ưu tiên, thì khả năng trí óc của  họ sẽ khá hơn.

 

5-   Già không có nghĩa là cô lập

Xưa kia, có một thời gian ngắn ngủi, người cao tuổi được mời lên chiếu trên của các sinh hoạt cộng đồng xã hội trong vai trò hướng dẫn, cố vấn, nhờ ở những kinh nghiệm khôn ngoan từng trải của họ.

 Rồi với sự thay đổi quan niệm sống cộng thêm sự lên xuống của cung cầu kinh tế, người già xuống cấp, đôi khi bị coi là gánh nặng. Họ được đẩy vào bóng tối của xã hội.

Ngay cả trong giới thần tiên, sự già cũng có số phận hẩm hiu. Câu chuyện nữ thần sắc đẹp Aurora yêu say mê Thimonus, xin Thượng Đế được kết hôn cùng chàng, xin cho chàng được sống mãi mãi. Nhưng quên không xin cho chàng được khỏe mạnh, sung sức. Nên khi chàng vừa già vừa yếu đuối, hết hấp dẫn, không thỏa mãn được nhu cầu của nàng thì nàng bèn cô lập, ruồng bỏ người yêu xưa.

Nhiều người cứ nghĩ là khi về già, họ sẽ sống  thu mình, xa cõi nhộn nhịp, tranh đua, giảm bớt  liên lạc với bạn bè. Để có thì giờ vật lộn với lãng tai, mắt kém, với táo bón, kém tiêu hóa, với đau nhức mình mẩy, với huyết áp cao...  Thêm vào đó, cố tri lần lượt ra đi, rồi cuối cùng  người bạn đường cũng giã từ, vĩnh biệt càng khiến họ có nhiều nguy cơ rơi vào cảnh cô lập, lẻ loi, buồn thảm.

Sự thực thì sau những mất mát, chia tay, con người nói chung, người cao tuổi nói riêng, cũng đều rơi vào thời gian tiếc nhớ. Thời gian này dài ngắn tùy hoàn cảnh, tùy khả năng ứng phó của mỗi cá nhânNhưng bình thường thì chỉ vài năm là ta đã có thể thích nghi được.

Bạn bè không bỗng chốc  tan hàng hết. Người muốn an hưởng tuổi vàng không thiếu gì cách để thực hiện ý muốn của mình. Tìm bạn mới ở các nhóm họp người già. Tham gia những sinh hoạt chung của cộng đồng, lối xóm. Trao đổi thư tín, tin tức về vấn nạn, giải đáp khó khăn của đồng tuế. Thăm nom vui chơi cùng cháu chắt. Tránh những ưu tư không cần thiết.

 Có rất nhiều cơ hội để  người cao tuổi làm cuộc sống cuối đời vui nhẹ nhàng, thoải mái. Chỉ cần một chút tích cực, một vươn tay ra tiếp nhận. Cũng cần cảnh giác với những gán ép lệ thuộc.

 

6-   Người già không phải là vô dụng.

Mới đây, phóng sự của hai ký giả Đức Hà,  Lý Hoàng Thu, nói về một người Việt Nam  66 tuổi khai trương vào ngày 15-4-2000 một tiệm hớt  tóc ở thị trấn San José, khiến độc giả đi từ ngạc nhiên đến cảm phục người phụ nữ đó.

Bà ta một tay phụ vói chồng mang mười đứa con còn thơ ấu từ miền quê hương nhỏ bé, thiếu thốn mọi thứ, sang miền đất phì nhiêu vật chất, tinh thần. Gây dựng cho các con đầy đủ, dư  hoàn cảnh để nghỉ ngơi vui hưởng cảnh già nhưng bà ta nói: “Tôi sẽ làm việc cho đến khi nào không còn đủ sức nữa mới thôi ”. Bà còn nói rằng bà có mấy đứa cháu thành ra bà muốn làm gương cho các cháu thấy rằng phải luôn luôn cố gắng học hành và làm việc để trở thành những con người tốt cho xã hội cho dù bao nhiêu tuổi đi nữa. Bà là một trong nhiều người già không vô dụng.

Cái quan niệm già vô dụng, không sản xuất có lẽ chỉ đúng phần nào vào thuở nhân loại phải lấy sức người kéo cầy thay trâu, khuân mang những tảng đá khổng lồ lên xây Kim Tự Tháp, kéo thuyền rồng cho vua chúa ngự cảnh dọc sông. 

Có lẽ người già không còn dẻo dai để làm những việc tay chân như vậy nhưng ngay khi đó cũng có những người tuổi cao ngồi tham mưu, đóng góp tâm sức, thực hiện kế hoạch chung cho quốc gia. Giảm đi một vài chức năng của cơ thể không đồng nghĩa với mất khả năng lao động.

Ngày nay với sự tiến bộ kỹ thuật, khoa học, nhu cầu sức lao động chân tay đã bớt và người khiếm khuyết một vài chức năng của cơ thể vẫn còn hữu dụng trong nhiều lãnh vực. Ấy là chưa kể nhiều người già phục vụ những công việc không chính thức, không sổ sách lương bổng như thiện nguyện, giữ trẻ, săn sóc thân nhân, phối ngẫu đau ốm.

Đồng thời cũng có nhiều dẫn chứng rằng người cao tuổi làm việc chuyên cần, đáng tin cậy, ít gây ra tai nạn, ít bị ảnh hưởng của những căng thẳng vu vơ. Một vài phản ứng chậm chạp, đắn đo, một số chậm hiểu tính toán đôi khi lại giúp hoàn tất công việc an toàn hơn

 

Rồi còn những hoang tưởng như già hết duyên, khô cạn tình dục, chấm dứt cuộc đời trong nhà dưỡng lão, cả ngày chỉ ngồi nuối tiếc quá khứ, ám ảnh với kinh kệ, sẽ là nạn nhân của lạm dụng người già, của tội phạm.

Ôi, sao mà nhiều gán ghép độc địa!


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn