NHỮNG THAY ĐỔI VỀ HÌNH DÁNG BỀ NGOÀI.
Thay đổi vẻ dáng bên ngoài của cơ thể đôi khi là những chỉ dấu báo hiệu sự đến của tuổi già. Và thường thường con người sẽ có những ngỡ ngàng, những ưu tư trước các thay đổi đó.
1-Thay đổi về lông-tóc
Với khoa học, lông và tóc giúp bảo vệ cho đầu khỏi bị tác dụng nguy hại của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa sự xâm nhập vật lạ vào mắt, mũi. Nhưng với con người, tóc là món đồ trang trí quý giá, một biểu tượng của cá tính. Do đó tóc được chăm sóc rất chu đáo. Khi tóc thay đổi với tuổi già thì nhiều người thấy không vui, tìm đủ mọi cách để che đậy.
Về cấu tạo, tóc là một tập hợp những tế bào khô đã chết được đẩy lên khỏi da từ chân tóc. Trong chân tóc có mạch máu, dây thần kinh, tuyến tiết chất nhờn. Trung bình trên đầu có hơn 100,000 sợi tóc và mỗi ngày có khoảng một trăm sợi rụng đi. Trong sợi tóc có tế bào tiết ra chất mầu khiến tóc đen, bạch kim hay hung hung đỏ.
Cho tới nay chưa có giải thích thỏa đáng cho những thay đổi của tóc khi về già như thay dỗi về số lượng, mầu sắc và phẩm chất của tóc. Mặc dù những thay đổi này không mang lại ảnh hưởng xấu cho sức khỏe nhưng con người lại rất quan tâm đến.
a-Tóc bạc
Về mầu sắc, sự kiện tóc bạc hay tóc hoa dâm là những dấu hiệu sớm của tuổi về già.
Tóc bạc bắt đầu từ hai bên thái dương rồi lan lên đỉnh đầu. Mới đầu, nó còn có tính cách muối tiêu, trắng đen lẫn lộn, sau đó thì muối nhiều hơn tiêu. Sở dĩ tóc thành trắng là vì loại tế bào sinh hắc tố (melanin ) giảm đi, tóc thành không có mầu, ánh sáng phản chiếu lên khiến tóc như trắng.Cho đến nay khoa học chưa chứng minh tại sao tế bào này giảm đi cũng như chưa tìm ra cách ngăn chặn sự giảm này.Có ý kiến cho là vì thiếu sinh tố loại B, kém dinh dưỡng hoặc do căng thẳng tâm thần, buồn phiền quá mức.Vì không ngừa, không chữa được nên con người che đậy , thay đổi sự bạc trắng này bằng mỹ phẩm nhuộm tóc, mang tóc giả.
Tuy được coi là một dấu hiệu sớm của tuổi về già, nhưng sự kiện bạc tóc chỉ xẩy ra ở khoảng 65% người cao tuổi, còn 35% thì hoặc tóc không bạc hay chỉ bạc khi tuổi rất cao. Có nhiều trung niên, 25-30 tuổi tóc đã bạc. Thành ra sự bạc tóc này không phải là chỉ dấu của sự hóa già của các bộ phận trong cơ thể, cũng như không có ảnh hưởng gì tới sức khỏe hay tới tuổi thọ. Còn huyền thoaị Ngũ Tử Tư, sau một đêm trầm suy, sáng dậy tóc đã trắng sóa cũng vẫn chỉ là huyền thọai, không có căn bản giải thích khoa học .
b-Rụng tóc
Rụng tóc là một hiện tượng bình thường xẩy ra ngay từ khi còn trẻ. Nhưng với tuổi cao, tóc rụng nhiều hơn nhất là khi da đầu bị nhiễm trùng, hoặc do ảnh hưởng của một vài dược phẩm, chất phóng xạ trị liệu, vài loại thực phẩm. Trung bình, mỗi ngày có khoảng 100 sợi tóc rụng. Lông nách và lông mu cũng chịu cùng số phận.
Ngoài ra, khi về già tóc khô, ròn dễ rụng vì các tuyến nhờn kém họat động.
Ở nữ giới, lông tóc mọc ở cằm trên khi số lượng kích thích tố nữ giảm vào thời tắt kinh và gây nhiều ngượng ngùng cho quý bà. Ta có thể nhổ, cạo hoặc dùng các chất hóa học để làm mất những lông này. Ngoài ra khi qúy bà dùng thuốc có nam kích thích tố, thì lông tóc cũng mọc ra ở mặt và thân thể, nhưng khi ngưng thuốc thì lông tóc ngưng mọc.
2- Thay đổi về da
Với một diện tích 17 thước vuông, da là bộ phận lớn nhất của cơ thể. Về phương diện cấu tạo, da đã làm nhiều kiến trúc sư xây dựng ngạc nhiên vì tính cách bền bỉ, đàn hồi và nhậy cảm của nó.
Da là đồng minh bảo vệ cơ thể chống ngoại vật xâm lăng như vi khuẩn, cát bụi, những phũ phàng của thời tiết nóng lạnh, thay đổi của thiên nhiên. Nhưng da cũng tố giác tuổi già với nhiều thay đổi không đẹp như da nhăn nheo, khô cằn, mềm xệ hoặc những vết đồi mồi...
Về cấu tạo, da có ba lớp chính: biểu bì, bì và hạ bì với các chức năng khác nhau.
Biểu bì là lớp ngoài cùng gồm tế bào tiết chất cứng gelatin để bảo vệ da; tế bào sinh mầu làm da có mầu và chặn tia tử ngoại xâm nhập cơ thể. Biểu bì được liên tục thay thế và trong suốt cuộc đời 70 tuổi, ta mất đi tới 20 kí lô tế bào da.
Bì là một mạng lưới tế bào với hai chất đạm elastin và collgen làm da được bền bỉ và co giãn. Bì còn có nhiều mạch máu, giây thần kinh, tuyến mồ hôi, tuyến nhờn và chân tóc.
Hạ bì nằm dưới cùng, có nhiều tế bào mỡ, sợi thần kinh, mạch máu và được dùng như để gắn hai lớp bì và biểu bì vào cơ thể.
Sự hóa già mang đến nhiều thay đổi không đẹp lắm cho hình dáng con người ở cả ba lớp da. Biểu bì hư hao nhiều hơn là tái tạo, mô mới kém tổ chức khiến biểu bì mỏng manh. Tế bào mầu , chất elastin và collagen giảm, tuyến mồ hôi và tuyến nhờn teo, giảm hoạt động. Những thay đổi đó đưa tới các hậu quả sau đây:
a-Da nhăn.
Sự xuất hiện của lớp da nhăn đầu tiên trên cơ thể làm nhiều người hoảng hốt vì với da nhăn làm ta như già đi. Da nhăn nheo vì chất collagen giảm, chất elastin tăng lên, da mất tính đàn hồi. Chúng ta có thể đo sự mềm dịu đàn tính của da bằng cách kẹp lớp da giữa hai ngón tay trong ít giây, rồi thả ngón tay, tính xem mất mấy giây để lớp nhăn trở lại bằng phẳng. Thường thì một hai giây, nhưng ở người trên 60 tuổi, thì phải mất vài chục giây.
Da nhăn nheo, không có nghĩa là những cơ quan cốt yếu trong cơ thể cũng suy mòn đi. Người trẻ tuổi mà da không được chăm sóc thì cũng vẫn nhăn như thường
b.- Da khô
Ở người cao tuổi, sự bài tiết mồ hôi giảm vì những tuyến mồ hôi, tuyến nhờn ít đi hoặc kém hiệu năng. Do đó da trở nên khô, ngứa nhất là về mùa lạnh.
c- Thay đổi khả năng điều hoà thân nhiệt
Dưới lớp bì và biểu bì là một lớp mô mỏng chứa nhiều chất mỡ để chống sự thất thoát nhiệt độ cơ thể. Ở người cao tuổi, lớp mỡ này mất đi, nhất là ở mu bàn tay, mặt và gan bàn chân. Các cảm giác ngoài da cũng kém , nhất là cảm giác đau nên người cao tuổi hay bị phỏng ở bàn chân.
Số lượng những mạch máu nhỏ dưới da của người cao tuổi ít hơn nên người gìa chịu đựng độ lạnh kém người trẻ. Khi nhiệt độ giảm dưới mức an toàn, người già có thể bị lạnh cóng.
d- Chậm lành vết thương
Xúc giác giảm cộng thêm sự suy yếu của hệ thống miễn nhiễm kéo dài độ nhạy cảm của da khi tiếp xúc với hoá chất kích thích. Người già hay bị tổn thương nơi da. Khả năng lành da cũng rất chậm vì máu nuôi dưỡng da bớt đi.
Nhìn chung, những thay đổi theo tuổi già của da xuất hiện rõ nhất ở trên mặt. Vầng trán nhăn nheo với vết rạn chân chim ở duôi con mắt; da mặt mỏng; xương mặt nhô; mạch máu lộ trên da; mí mắt xệ, quầng mắt sậm đen; vành tai to chẩy xuống; cằm nhiều mỡ.
3- Thay đổi về chiều cao
Với tuổi đời chồng chất, con người như co lại, và dáng điệu ngay thẳng hiên ngang lúc trai tráng không còn nữa. Trung bình khi về già đàn ông thấp đi khoảng 2 phân, đàn bà 1,5 phân. Đây là do ảnh hưởng của một số yếu tố như sự giảm nước trong cơ thể, các bắp thịt yếu, thay đổi vóc dáng, xương sống hao mòn và biến dạng. Riêng ở nữ giới, nguyên nhân chính của co ngắn chiều cao vẫn là bệnh loãng xương (osteoporosis).
4- Thay đổi về sức nặng, dung lượng nước của cơ thể
Kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu đều xác nhận là, sức nặng của cơ thể tăng lên ở tuổi trung niên rồi giảm xuống lúc tuổi già. Đồng thời, tế bào mỡ tăng và thay thế vào chỗ những tế bào thịt bị tiêu hao vì ta không xử dụng đến chúng.Tế bào mỡ xuất hiện nhiều nhất ở vùng bụng và hông.
Ở tuổi thanh niên, 60% sức nặng của cơ thể là nước. Khi về già chỉ còn có 51%. Nữ giới cũng vậy: từ 51% lúc trẻ xuống 46% lúc về già. Nguyên do là số lượng tế bào chứa nhiều nước mất đi hoặc teo đi
5- Một số những thay đổi khác
Nhận xét chung cho thấy,về già vòng ngực tăng lên, sống mũi và dái tai dài ra một chút. Trên xương đầu thì những khớp nối của xương dính liền lại, xương sọ dầy lên. Móng tay, móng chân mọc chậm, đổi mầu và có những lằn gợn gồ ghề.
Kết luận
Trên đây là những thay đổi bình thường xẩy ra trong tiến trình lão hoá.
Ngày nay khoa học đã chứng minh là ta có thể làm những thay đổi này chậm lại bằng cách sống theo quy luật thiên nhiên, tránh lạm dụng những chất có hại cho cơ thể, vận động cơ thể đều đặn cho khí huyết lưu thông, gân cốt thư dãn.
Cũng như giữ cảnh lòng luôn luôn an lạc, như lời người xưa : “Lạc giả trường thọ, ưu giả dị yểu”.