THAY ĐỔI NGŨ QUAN
Khi về già, nghe và nhìn là hai giác quan có nhiều thay đổi nhất.
1- Thay đổi của mắt và thị giác
Chỉ với sức nặng gần 30 gram (1/4 ounce), đường kính 3 phân ( 1 inc), nhưng cặp mắt mang lại cho ta hơn 90% những dữ kiện mà ta cần đến trong đời sống hàng ngày.
Mắt thu những tín hiệu ánh sáng rồi chuyển lên não bộ để được phân tích, tổng hợp thành sự vật cho thị giác. Diễn tiến đó được thực hiện qua những giai đoạn như sau:
Tia sáng đi qua giác mạc, đồng tử, thủy tinh thể, rọi lên võng mạc, rồi được giây thần kinh mắt chuyển lên não bộ.
Giác mạc là phần hình tròn trong suốt phía trước nhãn cầu. Nó khúc xạ ánh sáng vào trong mắt trên thủy tinh thể rồi hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Giác mạc không có mạch máu và rất nhạy cảm với cảm giác đau.
Đồng tử hay con ngươi là một lỗ mà sự lớn nhỏ được điều khiển bởi tròng mắt, một cơ quan gồm có những thớ thịt với chất phẩm làm ta có mắt đen, xanh hay xám. Đồng tử điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt.
Thủy tinh thể điều chỉnh hình ảnh đưa vào võng mạc. Nó được cấu tạo bởi nhiều lớp chất đạm chùm lên nhau .
Võng mạc có nhiều tế bào thần kinh thu nhận ánh sáng từ sự vật, chuyển lên não để tổng hợp thành thị giác.
Một ngày nào đó, khi cầm tờ báo lên để đọc, ta phải đưa tờ báo xa ra một chút mới nhìn rõ, thì ta có cảm giác là mình đã ở tuổi già. Thật vậy, ở tuổi này, không một cơ quan nào thay đổi mau chóng, rõ rệt, ở mọi người như sự thay đổi của đôi mắt.
Phần trắng của mắt đổi thành màu ngà nhạt với nhiều mạch máu kéo qua kèm theo những li ty khoáng chất đọng lên trên. Ánh mắt tinh anh của tuổi tráng niên không còn nữa vì những tế bào gây mầu mất đi.
Giác mạc vốn cong trở thành dẹp làm chứng loạn thị trầm trọng hơn và ta phải mang kính điều chỉnh.
Thủy tinh thể, trong suốt và dẻo thuở còn trẻ, trở thành đục và cứng vì có phủ thêm nhiều lớp chất đạm. Đường kính thủy tinh thể tăng làm thị lực xa dần, ta phải đưa tờ báo xa tầm mắt hơn mới đọc được.
Chứng đục thủy tinh thể, do sự thay đổi cấu tạo của chất đạm là một bệnh của mắt, nhưng cũng có thể xẩy ra với tuổi già. Áp xuất ở trong con mắt tăng lên, gây ra chứng tăng nhãn áp
Cơ thịt của tròng mắt teo đi, giới hạn độ mở của con ngươi, ánh sáng vào mắt giảm, kết quả là để nhìn rõ ràng, ta cần nhiều ánh sáng hơn.
Với tuổi già, mạch máu nuôi võng mạc kém, tế bão võng mạc có thể bị tiêu hủy, tạo ra những điểm mù trong thị khu.
Thị giác bắt đầu yếu từ tuổi 45. Khả năng nhìn gần kém cũng như điều tiết cặp mắt với khoảng cách khác nhau đều khó khăn. Vì thế khi một lão bà đang chăm chú khâu vá, có người tới gần chào, bà ta ngẩng đầu lên, ngó nghiêng và phải mất cả chục giây tập trung trước khi bà nhìn rõ người chào.
Người cao tuổi có khó khăn phân biệt mầu sắc: mầu xanh thành đậm hơn và mầu vàng lợt đi. Họ nhìn các mầu của cầu vồng như mờ dần, khiến sự vật không còn đường nét và chiều sâu. Muốn đọc hàng chữ nhỏ phải mang kính lão. Nhiều người, vốn cận thị, khi về già không cần mang kính cận, vì nhãn cầu đổi từ hình bầu dục sang tròn trịa hơn, hình ảnh lại hiện lên giác mạc.
Tầm mắt thu hẹp, trí nhớ thị giác giảm, khả năng thị giác ưóc lượng khoảng cách không chính xác. Cơ thịt của tròng mắt teo đi, giới hạn độ mở của con ngươi, ánh sáng vào mắt giảm, kết quả là để nhìn rõ ràng, ta cần nhiều ánh sáng hơn.
Trong bóng tối, người già cần thời gian lâu hơn để điều chỉnh thị năng, nhưng cũng hay bị chóa mắt khi ánh sáng quá chói. Do đó họ gặp trở ngai khi lái xe ban đêm.
Ngoài những thay đổi về chức năng kể trên, mắt còn những thay đổi bề ngoài làm ta nhiều khi sững sờ: vết rạn chân chim, mi mắt sưng, túi mỡ dưới mắt, mắt có quằng đen, da nhăn... Những thay đổi này không ảnh hưởng gì tới việc nhìn sự vật, cuộc đời, nhưng là dấu hiệu cho ta thấy ta đang về già.
Thi sĩ coi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Khoa học gia thì con mắt là những tuyến di chuyển hóa và điện năng lên óc. Nhà dinh dưỡng, đầu bếp dùng cặp mắt như thước đo món ăn thích hợp. Con người thường chúng ta thì chỉ quan tâm tới mầu mắt nâu hay xanh, hình dáng mắt bồ câu hay lá dăm ...Cho tới khi thấy thị giác bắt đầu kém thì mới ưu tư suy nghĩ. Mất hay giảm thị năng có thể đưa ta tới sự thu mình với xã hội, tự cô lập rồi rơi vào tình trạng trầm cảm, buồn rầu.
2- Thay đổi Thính giác
Một trong những giác quan quan trọng móc nối ta với ngoại cảnh là thính giác.
Từ những âm thanh nhẹ nhàng như tiếng gió thổi tới tiếng ầm ì liên tục của xe cộ chạy trên xa lộ, tai mang cho ta những biến chuyển của không gian, vũ trụ. Không nhận được những âm thanh này, con người trở nên mất định hướng, ngơ ngác.
Cấu tạo của tai rất giản dị và gồm ba phần: tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Âm thanh được vành tai hướng vào màng nhĩ, làm màng rung động và chuyển những rung động đó vào ba xương nhỏ ở tai giữa.
Tai trong là một tập hợp chất lỏng và nhiều tế bào thần kinh, một số có lông ở đầu, để thu nhận tín hiệu âm thanh từ tai giữa, chuyển lên óc, tạo ra thính giác.
Thính giác có ba mức độ:
Nghe âm thanh hậu trường ( như tiếng động trong thành phố ), giúp ta nhận diện không gian quanh mình, mà khi mất đi khiến ta như lạc lõng, cô đơn.
Âm thanh tín hiệu báo cho ta một bất thường, nguy hiểm có thể đến như tiếng hú của con chó sói. Mất âm thanh này đưa ta vào tình trạng bất an, cảm giác thiếu thốn.
Âm thanh biểu tượng cho ta hiểu ý nghiã của ngôn ngữ, lời nói mà sự mất mát làm ta mất truyền thông, đưa đến cô lập trong xã hội.
Diễn biến những thay đổi ở tai thường từ từ, nhẹ nhàng, không đau đớn. Thay đổi bắt đầu ngay khi mới sanh, và âm thầm liên tục trong suốt cuộc đời con người.
Có những thay đổi quan trọng ảnh hưởng tới khả năng nghe, thì cũng có những thay đổi về hình dáng, chỉ có tác dụng thẩm mỹ.
Vành tai mềm, chẩy xuống, dường như dài hơn , lớn hơn, đồng thời lại lưa thưa ít sợi lông mọc ra, nhất là ở đàn ông.
Trong lỗ tai, ráy tai nhiều và cứng, bít lối làm giảm thính lực ở 1/3 người già.
Màng nhĩ mềm, mỏng, ba xương nhỏ ở tai trong hoá vôi, cứng, tất cả đều kém rung động khi làn sóng âm thanh dội vào.
Những tế bào lông ở tai trong bắt đầu hư hao, gây ra sự nghễnh ngãng hay điếc, các mạch máu nuôi tai cũng nhỏ dần
Về khả năng thính giác thì nhiều nhà khoa học đều cho là có một sự mất mát không thể tránh được khi con người trở về gìa. Ở Mỹ, khoảng một nửa số người già trên 50 tuổi có khiếm khuyết về thính giác mà đa số đều có thể điều chỉnh được.
Một khiếm khuyết thính giác vĩnh viễn, không chữa được của người gìa là mất khả năng nghe âm thanh có tần số cao mà nguyên nhân là do sự thoái hóa của các tế bào lông ở tai trong. Đây là hội chứng nghễnh ngãng của tuổi già (Presbycusis), bắt đầu từ tuổi 20-30, nhưng rõ rệt vào tuổi 50. Một phần ba người trên 65 tuổi bị chứng này, và khi tới tuổi 85 thì quá nửa mắc phải. Sự giảm này không phục hồi và chữa trị được nên muốn nghe ta phải mang máy khuếch âm. Có ý kiến là sự giảm này cũng xẩy ra khi ta thường xuyên nghe tiếng động quá lớn.
Người cao tuổi đôi khi nghe được tiếng nói nhưng không phân biệt được ý nghĩa, nên ta cần hơi lên cao giọng một chút, đồng thời nói chậm dải, rõ ràng, với câu ngắn và nhìn vào mắt họ.
Giảm hoặc mất thính giác có thể điều chỉnh được bằng giải phẫu hay mang trợ thính cụ. Có điều cần nhớ là trợ thính cụ không mang lại toàn bộ khả năng nghe mà chỉ khuếch đại âm thanh
3- Thay đổi khứ u và vị giác
Tạo hóa cho ta những khả năng để nhìn thấy ánh sáng và sự vật, để nghe những âm thanh, tiếng động, để cảm thấy sự thay đổi của hơi nóng và sức ép của không khí. Nếm và ngửi là hai khả năng để nhận ra và phân biệt hương vị của hóa chất. Mất khả năng ngửi một bông hồng thơm hoặc nếm một bát canh cải ngọt , là giảm biết bao nhiêu thú vui của cuộc đời .
Chức năng của hai giác quan này hỗ trợ và bổ túc cho nhau.
a-Khứu giác giúp ta khám phá những phân tử li ti mà hầu hết các sinh vật phát tiết ra dưới dạng mùi vị. Khả năng này rất cần thiết cho động vật để tự vệ, để săn mồi và trong nhiều trường hợp, trong việc yêu đương.
Ngoài việc phân tích mùi của sự vật, khứu giác còn giúp ta biết những nguy hiểm hay hạnh thông của ngoại vật hoặc gợi ra những kỷ niệm thích thú thân yêu. Mùi khí đốt tỏa ra từ bếp lò. Hương nước hoa quen thuộc của người yêu.
Khả năng ngửi không phải là do cái cục thịt nhô ra giữa mặt, mà là do cả triệu những tế bào nằm trong xoang mũi. Những tế bào này thu nhận kích thích chuyển lên vùng khứu giác ở não để phân tích thành những mùi khác nhau. Bình thường mũi có thể phân biệt được 18 mùi. Nhưng nếu được huấn luyện, ta có thể ngửi được cả ngàn mùi hương khác nhau.
Khả năng phân biệt các loại mùi tốt nhất lúc tuổi 20-40, rồi giảm dần với số tuổi già.Vào tuổi bẩy tám mươi, 60% ngươì già mất đi một phần nào khả năng ngửi nhất là các mùi hương thoảng nhẹ. Nguyên nhân của sự mất mát này chưa được biết rõ: có thể là hệ thống thần kinh ngửi bị hư hao với thời gian, cũng có thể là do ảnh hưởng của sự nhiễm trùng hoặc tác dụng của các hóa chất, ô nhiễm không khí, thay đổi thời tiết nóng lạnh bất thường. Một chứng cớ là khả năng ngửi ở những người ghiền thuốc lá giảm rất nhiều .
b-Vị giác giúp ta thưởng thức những vị khác nhau của vật chất, thực phẩm. Lưỡi là bộ phận thực hiện sự nếm.
Lưỡi được chia ra nhiều vùng, kể từ đầu lưỡi trở vào,với những tế bào hình nụ để phân biệt các vị ngọt, mặn, chua, đắng. Khi mới sanh, các nụ nếm này có ở hầu như khắp miệng. Nhưng khi ta được 10 tuổi thì chỉ còn lại ở 4 vùng mà số lượng không thay đổi với tuổi cao. Khi mất đi, chúng được thay thế mỗi hai tuần lễ.
Chân nụ nối tiếp với thần kinh ở dưới. Từ đầu nụ nhô ra một sợi lông mà khi chạm vào hóa chất lỏng sẽ cho ta biết vị của hóa chất đó.
Trong năm giác quan, vị giác thay đổi rất ít với tuổi già. và hiểu biết về sự thay đổi này cũng nghèo nàn. Ngoài ra, để phân biệt được vị, cần có một số lượng hoá chất cao hơn tiếp xúc với nụ nếm. Có nhận xét cho là sự phân biệt vị mặn và ngọt kém đi ở tuổi già. Nguyên nhân sự giảm này là do các nụ vị giác teo, nước miếng ít đi, vệ sinh răng miệng kém.
Đồng thời, vị giác cũng thay đổi trong một vài bệnh hoặc do tác dụng phụ của một số dược phẩm.
4-Thay đổi xúc giác
Đây là sự nhận biết khi đụng chạm, sờ mó vào vật gì.
Cảm giác này mang lại tình người khi chung đụng, diễn tả một an ủi, một hỗ trợ, một thoa dịu cũng như làm nhẹ bớt sự đau đớn tâm thân. Nó cũng giúp ta nhận biết, phân biệt hình thù, phẩm chất của sự vật.
Khả năng nhận thức được sự vật cũng như đặc tính của chúng bằng cách sờ hay đụng chạm phát triển ngay từ lúc ta mới sinh. Giác quan này giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, nhưng ta biết rất ít về các thay đổi này ở tuổi già.
Một cách đại cương, có ba loại xúc giác: cảm giác về sức ép, cảm giác đau, cảm giác với nhiệt độ nóng lạnh.
Khi có vật gì đụng vào cơ thể, một số tế bào thần kinh thông báo cho ta hay là đã có một tiếp xúc, một áp lực vào ta. Khi về già, một số tế bào này thoái hóa, làm cho cảm xúc này giảm đi.
Xúc giác về đau cũng thay đổi .Cảm giác này được gây ra do sự đè nặng, sự kéo căng hay sức nóng vào cơ thể. Người cao tuổi cần nhiều kích thích hơn để biết rằng mình bị đau, cũng như cảm giác đau nhiều khi ít hơn so với sự thiệt hại về thể xác. Hơn nữa, khả năng thích nghi với sự đau thay đổi tùy từng người: có người khuếch đại sự đau thì cũng có người đè nén, chịu đựng sự đau.
Những hiểu biết về cảm giác nóng, lạnh ở người cao tuổi cho biết ở tuổi này, con người ít chịu lạnh. Hạ chi nhất là bàn chân bị ảnh hưởng của sự lạnh rất mau khi nhiệt độ thời tiết giảm, gây ta chứng giảm nhiệt rất nguy hiểm và có thể đưa tới tử vong.
Các cảm xúc này được hoàn tất nhờ nhiều bộ phận tiếp nhận nằm rải rác trên da. Khi có sự thay đổi về cấu trúc, chức năng nuôi dưỡng của da thì xúc giác thay đổi. Thời gian để nhận định, phân tích , đáp ứng các tín hiệu qua sự sờ mó sẽ lâu hơn. Hậu quả là một vài nguy cơ tai nạn có thể xẩy ra. Một dây nịt ngực quá chặt mà ta không cảm thấy sẽ làm trầy da ngực. Dây giầy cột quá chặt làm cản trở máu lưu thông ở bàn chân. Nằm hoặc ngồi cùng vị trí lâu quá gây thương tích cho da thịt. Kém cảm giác với độ nóng đưa tới phỏng da.
Khi xúc giác đã mất đi thì rất khó phục hồi. Mà người già lại càng cần sự vuốt ve trìu mến của người thân yêu hơn, để sưởi ấm tình già.