NGUYỄN Ý ĐỨC

NHỮNG THAY ĐỔI TRONG CƠ THỂ KHI VỀ GIÀ.

           

Với sự hóa già, sẽ có vài thay đổi về cấu tạo cũng như chức năng của một số cơ quan bộ phận chính  trong cơ thể như sau đây.

             1- Thay đổi của bộ máy tiêu hóa-

            Sự tiêu hóa thực phẩm bắt đầu từ miệng.

Thức ăn được răng nhai nghiền nhỏ để có thể nuốt xuống bao tử, với sự hỗ trợ của  nước miếng.

Bao tử co bóp, chuyển động như cái máy giặt quần áo để biến đổi thức ăn sang trạng thái lỏng, với tác dụng của dịch vị tiết từ bao tử. Một phần lớn chất đạm được tiêu hóa ở đây.

Sau đó  thức ăn được chuyển xuống sáu thước ruột non. Nơi đây, hóa chất hữu cơ  của tuỵ tạng và ruột non tiếp tục tiêu hoá đạm chất và carbohydrate, đồng thời cũng có sự tiêu hóa chất mỡ dưới tác dụng của mật. Cũng  chính ở ruột non, việc nuôi dưỡng cụ thể cho con người được thực hiện với sự hấp thụ các chất bổ dưỡng vào mạch máu.

Khi thức ăn vào đến ruột già,nước được hút lại, còn chất bã được phế thải ra ngoài.Trung bình, diễn tiến hoàn tất sự tiêu hóa thực phẩm từ khi vào miệng tới khi phế thải kéo dài từ 7 đến 12 giờ đồng hồ.

Với tuổi cao, sẽ có vài thay đổi như sau :

Miệng khô vì hạch nước miếng tiết ít nước làm ta nhai khó khăn và giảm thưởng thức vị ngon của thực phẩm.

Dịch vị bao tử giảm khoảng 25% khi ta tới tuổi 60, sự co bóp của bao tử cũng yếu đi chút ít.

Nơi ruột non, hấp thụ calcium giảm làm yếu xương; hấp thụ sinh tố B12  kém mà sinh tố này cần cho việc tạo hồng cầu cũng như tạo  ra sinh lực trong cơ thể.

Trái với quan niệm thông thường, không có thay đổi mấy về chức năng của ruột già khi tuổi tăng. Nhiều người cứ cho là già hay bị táo bón, chứ thực ra sự đại tiện của người cao tuổi đều lành mạnh giống như của người trẻ. Vậy mà sự tiêu thụ thuốc nhuận tràng vẫn rất nhiều ở lớp tuổi cao này.

Khi già, chức năng sản suất mật của gan, dịch tụy để biến hóa mỡ không thay đổi mấy. Dù có cắt đi 80% lá gan, ta cũng còn đủ mật cần thiết cho cơ thể.

Thành ruột già mỏng hơn, vài chỗ phình ra thành túi nhỏ ( diverticul ), dễ bị nhiễm trùng.

Nói chung, khi về già không có thay đổi đáng kể trong hệ thống tiêu hóa ngoài vài lủng củng nhỏ mà phần lớn liên hệ tới ăn uống không điều độ, thiếu dinh dưõng, không vận động cơ thể, tác dụng phụ của dược phẩm...Cho nên ta vẫn thưởng thức được những món ăn mà ta thích từ lúc còn trẻ.

 

          2- Thay đổi cơ quan hô hấp

 

            Bộ phận hô hấp, với nhiệm vụ mang dưỡng khí nuôi cơ thể, gồm hai lá phổi và phế quản.

Phổi gồm cả triệu phế nang, mà khi dải rộng ra có thể bao phủ cả một sân quần vợt. Chính ở những phế nang này mà dưỡng khí được chuyển sang mạch máu  nuôi cơ thể và lấy thán khí thải ra ngoài.

Phế quản nom giống như  một cái cây lộn ngược, với rất nhiều nhánh nhỏ để dẫn không khí vào phế nang.

Nhịp thở trung bình khi nghỉ là 15 nhịp một phút, nhanh khi cơ thể họat động mạnh hoặc thán khí trong máu lên cao.Trong mỗi nhịp thở có khoảng 1/2 lít không khí ra vào phổi. Khi sự hô hấp ngưng chừng 5 phút thì não bộ đã chịu những tổn thất vĩnh viễn, trầm trọng.                                                                                                     

Với tuổi cao, không có thay đổi đáng kể về hô hấp, ngoại trừ trong phế nang dưỡng khí ít mà thán khí lại cao. Do đó dưỡng khí trong máu giảm, làm  cho cơ thể chóng mệt khi hoạt động mạnh.

 

            3-Thay đổi hệ tuần hoàn

                                                                                                                                    Hệ tuần hoàn gồm bộ phận bơm đẩy là trái tim và mạng lưới mạch máu lớn nhỏ chạy khắp cơ thể.

Tim được ví như toà nhà song lập hai tầng với hai tâm nhĩ ở trên, hai tâm thất ở dưới ngăn cách nhau bằng van để hướng dẫn máu lưu thông một chiều trên xuống dưới.

Mạng lưới mạch máu gồm  mạch máu phổi bắt nguồn từ tâm thất phải, đưa máu nhiều thán khí lên phổi để trao đổi lấy dưỡng khí. Còn mạng mạch máu tổng quát   thì đưa máu đỏ nhiều oxy từ tâm thất trái đi nuôi dưỡng khắp châu thân.

Mỗi ngày tim bơm khoảng 7000 lít máu vào hơn 100,000 cây số mạch máu lớn, nhỏ. Nhịp tim bình thường là 70-80 / một phút. Một tế bào máu chạy từ tim xuống ngón chân rồi trở lại tim mất 12 giây.

            Khi tới tuổi cao, sẽ có một vài thay đổi về chức năng cũng như cấu tạo của hệ tuần hoàn.

Cách đây 5 thế kỷ, Leonardo da Vinci đã quả quyết là sự dầy cứng của mạch máu làm ta già, ngăn cản sự lưu thông của máu và làm giảm sự nuôi dưỡng cơ thể.

Khoa học ngày nay đồng ý một phần nào  với da Vinci, nhưng nêu câu hỏi là những thay đổi đó có phải do tuổi già hay do lối sống của con người mà ra.

 Thay đổi quan trọng nhất là vách tâm nhĩ trái dầy lên, cứng, kém đàn hồi, làm giảm sức bơm của tim, máu đi nuôi cơ thể ít oxy và dưỡng chất.

Mạch máu cũng cứng, dầy kém đàn hồi vì có nhiều chất vôi và collagen đóng lên vách mạch máu, khiến máu lưu thông  khó khăn, chậm chạp.

Nói chung, với tuổi già, chỉ có một chút giảm sự lưu thông của máu trong cơ thể, giảm cung cấp dưỡng khí khiến  ta mau mệt khi hoạt động mạnh.

Còn thắc mắc là tỷ lệ tử vong do bệnh tim ở người già rất cao, thì đó là vì con người mắc bệnh tim do tập quán  ăn uống, lối sống, môi trường xấu  ... chứ không phải  do sự hoá già mà ra.

 

            4-Thay đổi Xương-Thịt       

            a-Xương

Bộ xương giúp cơ thể đứng vững, di chuyển, che trở các bộ phận cốt yếu và là nơi dự trữ calcium.

Xương được cấu tạo bởi một hỗn hợp gồm khoáng chất (nhất là calcium  45%), cơ mềm với mạch máu, tế bào ( 30% ) và nước ( 25% ).

Có ba loại xương : xương dài cứng; xương ngắn mềm và xương dẹp.

Xương được liên tục tu bổ để thay thế xương cũ  bằng xương mới, và chất calcium giữ vai trò rất quan trọng trong việc tạo xương.  Khi về già, calcium trong máu giảm,  vì ruột non không hấp thụ calcium tốt như khi còn trẻ và  vì  khẩu phần không có cân bằng calcium. Do đó xương trở nên yếu, ròn, dễ gẫy lại lâu lành.

Thêm vào đó, khi calcium trong máu xuống thấp, cơ thể lại lấy calcium ở xương ra để đáp ứng các nhu cầu khác như hoạt động của hệ thần kinh, làm đông máu, hoạt động của cơ thịt.

Khối lượng xương cũng giảm, nhất là ở nữ giới khi tắt kinh vì kích thích tố nữ estrogen ít đi.

            b-Khớp xương

 Khớp  là nơi hai mặt xương tiếp giáp với nhau.

Có  3 loại khớp chính : khớp cử động tự do như khớp xương đầu gối, cổ tay;  khớp cử động có giới hạn như xương sống; khớp không cử động như khớp xương sọ.

Sở dĩ khớp cử động trơn tru được là nhờ hoá chất nhờn và sụn nằm  độn giữa khớp, như một cái bao, bọc hai đầu xương, đồng thời cũng để tránh sự cọ xát của mặt xương.

Khớp được  giữ ở đúng vị trí để cử động nhờ những giây chằng như gân, nối xương với bắp thịt, giây chằng nối hai xương với nhau.

Khi về già, hóa chất nhờn  và sụn giảm bớt, gân và giây chằng ít đàn hồi làm cho sự co-ruỗi của khớp bị giới hạn. Với thời gian, khớp cũng gặp những thương trấn tuy nhẹ nhưng tích luỹ, khiến  khớp hay đau nhức và cử động khó khăn.

            c- Cơ thịt.

Trong cơ thể, cơ thịt chiếm gần nửa trọng lượng toàn thân.

Đó là cơ ở trái tim, thành mạch máu, bao tử, ruột, nhất là cơ thịt ở bộ xương gồm những mô nối vào xương  và  khớp qua gân,  giây chằng. Sự kết nối này giúp con người cử động, di chuyển một cách rất tài tình mỗi   khi cơ co giãn hay đàn hồi  theo ý muốn của ta. Cử động không những là nhu cầu sinh hoạt cho cơ thể mà còn để duy trì cơ thịt. Vì nếu không vận động, cơ thịt sẽ teo đi, và được thay thế bằng mô mỡ, nước.

Khi cơ hoạt động, nó cần năng lượng do dưỡng khí và chất dinh dưỡng cung cấp, đồng thời nó cũng thải ra chất bã như lactic acid. Chất bã lactic acid, khi có nhiều, sẽ làm cơ mau mệt, và ta cần hít thở để oxy đốt acid này

Chất dinh dưỡng là thức ăn do máu cung cấp như đường, đạm chất, mỡ.

 Với tuổi già, khối bắp thịt nhỏ dần do sự giảm kích thước nhất là giảm số lượng những tế bào thịt.

Tế bào thịt, cũng như tế bào thần kinh, khi giảm đi sẽ  không được thay thế. Sinh ra, ta đã có một số cơ thịt nhất định và số lượng này được dự trù là tồn tại suốt đời nguời. Khi không được xử dụng, kém dinh dưỡng hay không tiếp nối với hệ thần kinh, cơ thịt sẽ teo đi. Sự vận động cơ thể không làm tăng số cơ thịt nhưng làm chúng to hơn.

Ở người cao tuổi, đã ít tập dượt lại sống quá tĩnh tại, chức năng bắp thịt thay đổi rõ rệt. Sức mạnh bắp thịt giảm chút ít vào tuổi 40,50; giảm 20% ở tuổi 50; giảm 40% khi ta 70-80 tuổi. Sự suy yếu này xẩy ra ở chân nhiều hơn ở tay. 

Ngoài ra, chức năng cơ thịt người già cũng giảm vì sự thoái  hóa, mất tính đàn hồi của gân và giây chằng.

            5- Thay đổi não bộ                                    

            Nặng chừng 1,5 kí lô, não bộ của người trưởng thành là một khối mềm như bột gạo ướt với cả ngàn  tỷ tế bào thần kinh mầu xám nhạt. Mỗi tế bào thần kinh nối kết với nhau theo nhiều  cách, tạo ra một mạng lưới có tác dụng sinh học rộng lớn để điều hòa  mọi sinh hoạt của cơ thể.

Sanh ra, ta có số tế bào nhất định, không tăng hay tái tạo, nhưng lại mất dần với niên kỷ. Mồi ngày có độ 50,000 tới 100,000 tế bào  chết đi ở những vũng não khác nhau. Cho tới tuổi 65 thì hầu như 1/10 tổng số tế bào thần kinh  sẽ bị tiêu hủy vĩnh viễn, không được thay thế.

Câu hỏi thường được đặt ra là tế bào mất tới mức độ nào thì sẽ gây ra sự thay đổi các chức năng của não? Có nhận xét khoa học cho là, khi một tế bào thần kinh chết đi thì tế bào kế cận sẽ phát ra một hệ thống nối tiếp mới, để hoạt động thay thế tế bào đã mất. Nhờ đó não vẫn hoạt động đều hoà cho tới khi con người đi vào khâu tử, ngoại trừ khi não mang thêm những tổn thất gây ra do bệnh tật, thương tích.

            Khi về già, có những thay đổi sau đây:

            a-Cuống não. 

 Cuống não chịu một phần trách nhiệm trong việc điều hoà nhịp thở của phổi, nhịp đập của tim, sự đi đứng, ngủ nghỉ. Tế bào cuống nào ít bị tiêu hao, ngoại trừ ở phần kiểm soát sự ngủ. Do đó người cao tuổi thường hay có khó khăn khi ngủ, nghỉ.

            b- Tiểu não.

Tiểu não điều khiển tư thế, tác phong con người, như đi, đứng, ngồi, chạy, bằng cách kiểm soát chức năng của cơ thịt, gân, khớp xương. Tiểu não  đặt một giới hạn cho các động tác cơ thể.

Khi về già, tế bào tiểu não bị tổn thất rất nhiều, nên người cao tuổi đi đứng, cử động khó khăn, đôi khi không phối hợp nhịp nhàng  với nhau  được.

            c-Thông não.

Thông Não nằm sâu trong não bộ, kiểm soát và điều hoà một phần cảm xúc như sợ hãi, tức giận; một số khả năng ngửi mùi vị, nghe âm thanh; điều hoà thân nhiệt, huyết áp. Thông não thay đổi rất ít với tuổi cao.

            d-Hệ viền.

Bộ phận chính của hệ viền ( limbic system ) là hải mã ( hippocampus ), có nhiệm vụ quan trọng trong việc ghi nhận trí nhớ, nhất là chuyển trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Ngoài  ra hệ viền còn điều hòa  khứu giác, khả năng học hỏi, cảm xúc vui, sợ, giận dữ.

Hệ viền bị ảnh hưởng rất nhiều vì tuổi cao. Tại vài nơi của hệ viền, có tới  30% tế bào mất đi, gây trở ngại cho sự học cũng như ghi nhận trí nhớ.

            e- Não.

Não là hai khối hình bán cầu, mà phần chính là vỏ não với 75% tổng số tế bào thần kinh.

Vỏ não được chia làm nhiều vùng với nhiệm vụ riêng biệt cũng như chịu những tổn thất khác nhau vì sự hóa già.Vùng kiểm soát cử động mất từ 20 tới 50%; vùng thị giác mất 50%, vùng thính giác mất 30-40%; vùng trí nhớ hầu như không bị thất thoát gì.

            Ngoài ra, với tuổi cao, máu đưa tới não bộ giảm,  dưỡng khí và chất dinh dưỡng ít đi. Não thay đổi hình dáng, có nhiều hóa chất có mầu như lipofuscin được tạo ra, bám vào tế bào não, gây ra một số trở ngại cho nhiều chức năng cuả hệ thần kinh.

 Nhưng nói chung, não là cơ quan duy nhất trong cơ thể mà khi về già vẫn tiếp tục cải tiến, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, sự khéo léo,  sức sáng tạo, sự xét đoán, độ nhậy cảm và sự khôn ngoan của con người.

 

6-Thay đổi tính miễn dịch

 Khi sanh ra, con người đã được tạo hoá ban cho những hệ thống phòng thủ chống lại bệnh tật, mà khả năng miễn dịch là một .

Khả năng này được thực hiện qua hai loại bạch huyết cầu T-cells, B-cells. Chúng tạo ra kháng thể đặc biệt để tiêu diệt vi khuẩn  gây bệnh và ngăn ngừa sự tái phát của bệnh đó trong tương lai. Chúng cũng rất công hiệu trong việc tiêu diệt tế bào ung thư.

Lúc mới sanh, các huyết cầu  này được tuyến ức ( Thymus) nằm sau xương ức sản xuất, huấn luyện để chống tác nhân gây bệnh. Đáng tiếc là tuyến  thoái hóa với thời gian. Sau đó thì các huyết cầu miễn dịch sẽ được tủy sống, các hạch và lá lách sản xuất. Nhưng vì không được sự điều khiển, huấn luyện của tuyến ức nên chức năng phòng vệ cơ thể kém phần hiệu nghiệm. Người già do đó dễ bị các bệnh nhiễm trùng cũng như ung thư.

Kết luận

Nói chung, các thay đổi này cũng không gây ra nhiều khó khăn cho sinh hoạt của người cao tuổi, nhất là khi họ duy trì được một nếp sống lành mạnh, tích cực và yêu đời.


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn