CAO NIÊN MÀ PHONG ĐỘ
Bác sĩ E. F. Schmerl, chuyên khoa tâm thần người cao niên, đã nêu ra nhận xét: “ Có cả ngàn cửa ngõ đưa tới sự già trước tuổi và chết yểu. Một trong những cửa ngõ đó là dáng điệu ( posture ) xấu của con người”.
Trong tác phẩm “Nhà Quê Ra Tỉnh” của nhà biên khảo Đoàn Thêm, các nhân vật Dần, Tỵ, Hợi khi nói về lớp người lớn tuổi mấy chục năm về trước, “ đều phàn nàn rằng các cụ gắng uốn nắn con cháu, mà chính mình lại có những thái độ hoặc cử động không ngoạn mục chút nào. Đi, đứng, ngồi thì bệ vệ như quan to, hoặc co ro khúm núm, hoặc nghiêm trang trịnh trọng qúa đến nỗi thành cụ non từ khi ba bốn mươi tuổi. Nhiều ông mới chừng 50 đã còng lưng, bước đi thì lê gót với đôi giầy ta lẹp kẹp”.
Xin hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề tác phong, dáng điệu này.
Dáng điệu con người.
Hình dáng con người là tặng phẩm của tạo hóa, nhưng tư thế, điệu bộ là do mình tạo ra. Ta có thể thay đổi nó, kiểm soát nó.
Từ Hải với “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà nếu dáng điệu so vai rụt cổ như đệ tử Nàng Tiên Nâu thì đâu có thể “ đường đường một đấng anh hào” được.
Những người mẫu thời trang đâu có phải đẻ ra là đã có dáng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chắc. Họ phải dầy công tập luyện cũng như kiên tâm gìn giữ.
Người về già, dưới dầy dạn phong sương của cuộc đời, cộng thêm lực kéo của trái đất, nếu không để ý thì sẽ có dáng điệu không đẹp. Aáy là không kể mỗi ngày lưng sẽ còng thêm như chiếc sừng trâu; mắt dán xuống đất như đang đi tìm lại tuổi thanh xuân hoặc nhìn về ngôi mộ; đầu gối khum khum như sắp quỵ. Nom vừa không phong độ mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ chung của cơ thể.
Một dáng điệu tốt là khi cơ thể ngay ngắn, ít nhất cũng như dấu chấm than ( ! ), thân vươn cao, mắt nhìn thẳng ra chân trời. Khi đi, mỗi bước đều dài, gọn, cả bàn chân chạm đất, hai tay vung vẩy nhịp nhàng, hai vai lui tới dẻo dai. Khi ngồi thì lưng thẳng, ngực ưỡn, bụng hơi thót vào.
Đi với bước chân vung thẳng, đầu nhìn thẳng của người tự tin, khỏe mạnh. Bước kéo lê của người mệt mỏi; người có tâm trạng căng thẳng cứng nhắc với ngón tay ngón chân co quắp; người nhú nhát, bất an bước với đầu và vai trĩu xuống. Mới thêm !!!
Ôn lại bài học về môn cơ thể, ta thấy bộ xương sống là cái đà dọc chính giữa để toàn thân với các bộ phận treo vào đó.
Bẩy đốt xương cổ, 12 đốt xương ngực, 5 đốt xương lưng, 9 đốt xương hông xếp chồng lên nhau qua những đĩa đệm, và được giữ trong vị trí ngay thẳng bằng hệ thống cơ thịt, dây chằng và gân bền chắc, dẻo dai.
Hai bên cạnh đốt xương, có một cái nghạnh rỗng ở giữa, tất cả tạo thành một cái ống chứa dây thần kinh tuỷ sống. Từ đó, mệnh lệnh cho toàn thân được phát ra và các cảm giác, kích thích từ ngoại vi được đưa về não.
Bẩy đốt xương cổ còn thêm nhiệm vụ che chở cho sự lưu thông cuả máu lên nuôi não bộ qua hai động mạch cảnh và hai động mạch xương sống.
Lợi ích của dáng điệu tốt
Khi cổ ngay thẳng, những động mạch nuôi não không bị cong queo hay thu hẹp, khiến máu lưu thông không trở ngại.
Ta biết là não bộ dùng một khối khá quan trọng máu để có đủ năng lượng hoàn tất nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp tất cả chức năng con người. Quan sát bệnh lý cho thấy khi máu lên não giảm, người ta có thể ngất xỉu hoặc bị tai biến mạch máu não nhẹ. Nhiều người thường hay bị nhức đầu, tê ngón tay, chóng mặt chỉ vì cái cổ không ngay thẳng.
Xương sống lưng và ngực ngay ngắn thì dưỡng khí ra vào phổi dễ dàng, tim mạch tuần hoàn lưu thông, tiêu hóa dạ dầy, đường ruột không co rúm gây trở ngại ăn uống, bài tiết. Tư thế xấu cũng gây đau nhức lưng, hông và rất thường thấy ở quý vị lão niên.
Vài nhà khoa học còn cho là tư thế ngay thẳng có thêm ảnh hưởng tốt tới khả năng trí tuệ, giúp ta kiểm soát, thích nghi trạng thái tâm thần hoàn hảo cho tới khi về già.
Quan sát những bệnh nhân cao niên của mình tại bệnh viện Fairmond, San Leandro, bác sĩ Schmerl thấy quý vị khỏe mạnh đều có một tư thế tốt, còn các vị có rối loạn về thần kinh não bộ thì dáng điệu xiêu vẹo. Ông ta kết luận là dáng điệu có ảnh hưởng tới tuổi già và ngược lại.
Nguyên do sự thay đổi dáng điệu
Câu hỏi thường được nêu lên, là tại sao khi về già, tư thế, dáng điệu người ta thay đổi?
a-Sức hút của trái đất trên cơ thể là một yếu tố.
b-Rồi đến hao mòn, thoái hóa theo thời gian của hệ thống hỗ trợ giữ thăng bằng xương sống. Các mô liên kết hư hao, cơ thịt teo mềm, chất tạo keo của đĩa đệm mất tính đàn hồi, dẻo dai, làm xương sống lệch lạc, mặt xương mài xát vào nhau, xệ xuống.
c-Ngồi lâu ở cùng vị thế khiến gân thịt co lại, làm lệch người.
d- Sống trong tâm trạng buồn chán, dưới đe dọa thường trực của khổn lực, căng thẳng khiến cơ thịt ở cổ lúc nào cũng co thắt, vai xịu xuống, mắt đăm chiêu nhìn đất.
e-Hoặc do trời sinh như trường hợp gù lưng của nhân vật Quasimodo trong tác phẩm The Hunchback of Notre Dame do Victor Hugo viết.Tội nghiệp anh này vì lưng quá còng nên hơi thở khó khăn, dung tích phổi giảm, tim bị nhồi ép hoạt động kém, di động một lúc đã thở hổn hển, mệt mỏi.
Để có dang điệu tốt
Giữ cho có một dáng điệu tốt đã là niềm ưu tư của con người từ thuở xa xưa.
Người Trung Hoa với tục dùng vải bó chân từ bé cho con gái khuê các để bàn chân đừng nở lớn như chân đàn ông. Và để khi bước đi thì uyển chuyển, nhẹ nhàng.
Dân chúng bộ lạc Mayan cho là xương sọ dẹp nom đẹp hơn nên ép xương đầu với hai mảnh ván mỏng.
Dân Padung ở Miến Điện làm dài cổ với những chiếc vòng kim loại chồng lên nhau, đè vai thấp xuống cho cổ vươn lên như cổ hươu.
Còn ta ngày nay nếu có quan tâm giữ cho có tư thế cơ thể tốt là nhắm mục đích cải thiện sức khoẻ, duy trì biểu tượng của con người tích cực hoạt động, yêu đời.
Sau đây là một vài phương thức để điều chỉnh dáng điệu:
1- Dáng người khi đi, đứng.
Để có dáng ngay thẳng, ta đứng dựa lưng vào tường, làm sao cho hông, vai và đầu đụng sát lên tường. Như vậy, lồng ngực và bụng không gây trở ngại cho chức năng các bộ phận bên trong. Giữ dáng này cho mọi động tác đi đứng. Nên nhớ là không đứng ngay đơ như kiểu đứng của lính tập ngày xưa với cổ ngửa nhìn trời, cản trở máu lưu thông lên não bộ.
2- Khi ngồi.
Ngồi hết mông vào mặt ghế cho thoải mái, vai và hông dựa sát thành ghế, đầu gối thư giãn di động tự do. Trước khi ngồi, đứng quay lưng về ghế, hai chân hơi dạng ra và để gần gầm ghế, đầu gối hơi cong, ngả thân về phía trước, mông đưa về sau và đặt từ từ xuống ghế.
Ngoài ra cũng cần đều đặn luyện tập vài cử động có tích cách làm thư giãn gân cốt, cơ thịt ở cổ, lưng, hông,vai, ngực và tứ chi. Nhiều người đã có lý khi nói: lưng yếu làm lưng đau.
Dáng đi của con người.
Nói đến dáng điệu ( posture ), tưởng cũng nên nói qua về dáng đi ( Gait ) ở người tuổi cao, vì hai dáng này có nhiều liên hệ với nhau, nhất là khi di chuyển.
Thay đổi dáng đi
Thay đổi dáng đi là một triệu chứng rất thường thấy ở người cao tuổi. Nó có thể là dấu hiệu của một bệnh trầm kha, cũng như là nguy cơ gây té ngã, tạo ra thương tích, bất lực, cô lập trong xã hội. Số người cần được giúp đỡ vì rối loạn dáng đi hiện nay lên rất cao ở Hoa kỳ, trong đó có một số lớn đồng hương mình.
Để có một dáng đi vững chắc, ngay thẳng cho cơ thể, cần có sự phối hợp chức năng giữa hệ thần kinh, hệ thống xương- thịt , thị giác, thính giác và cảm giác nhận được từ ngoài da. Ở người cao tuổi, khi một trong ba chức năng thiếu sót, chức năng còn lại sẽ gắng sức hơn trong công việc giữ thăng bằng cho cơ thể.
a-Cơ thịt thay đổi rất nhiều ở người cao tuổi. Khối lượng bắp thịt giảm và kém nhậy cảm với các kích thích. Tế bào thịt teo được thay thế bằng loại tế bào xơ, ít co dãn và trở nên cứng nhắc. Thêm vào đó, khớp xương bớt chơn tru, lại thay đổi hình dạng, khiến cho cử động bị giới hạn.
b-Cảm giác ngoài da cho ta biết vị trí của đầu, chân tay trong không gian, xuyên qua các giây thần kinh tận cùng nằm trong cơ bắp, gân và đầu xương. Khi cảm giác này giảm thì cơ thể mất thăng bằng: hai chân dạng ra, bước đi ngắn, không đều, thân mình ngả về phía trước, hai tay dang ngang ra để cố giữ vững cơ thể.
c-Bộ phận tiền đình ở tai trong có nhiệm vụ cho biết vị trí của đầu trong không gian. Khi tiền đình bị tổn thương, bước đi sẽ không vững, đồng thời thấy tĩnh vật chung quanh như đang di động; mà khi ngồi yên, ta lại không nhận biết được sự di động của sự vật. Vì thế, người bị chứng này gặp trở ngại khi lái xe vì không đọc được dấu hiệu chỉ đường, cũng như không đọc được sách báo khi ngồi trong xe. Khi đi lại ban đêm, họ sẽ ngã vì tối trời, mắt không thích nghi được.
d-Thị giác giúp giữ thăng bằng cơ thể để bước đi vững chắc. Nhắm mắt rồi đứng trên một chân, thân sẽ nghiêng ngả vì ta không thấy được tương quan vị trí của sự vật chung quanh đối với cơ thể. Người bị khiếm thị có thể vẫn bước tới được. Nhưng bước đi sẽ ngắn, không vững, kéo lê trên mặt đất và họ phải vịn hoặc tựa vào một vật gì để giữ thăng bằng, đồng thời hai tay sẽ dang rộng ra.
Nguy cơ đưa tới rối loạn của dáng đi.
Sau đây là một số nguyên nhân đưa đến sự thay đổi dáng đi:
1- Biến chứng của bệnh tiểu đường, ghiền rượu, thiếu sinh tố B12.
2- Trấn thương cột tủy sống, não bộ.
3- Người bị bệnh Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.
4- Phong thấp khớp.
5- Do tác dụng phụ của một số dược phẩm.
6- Khiếm khuyết thị giác và giảm cảm giác ngoài da.
7- Biến chứng của tai biến mạch máu não.
8- Không nguyên nhân: Đây là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với tốc độ di chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu, không có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.
Dáng đi của người bị những bệnh kể trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.
Có người khi di chuyển, các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng, bước chân dang ra bên cạnh, đi khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất. Đây là dáng đi thường thấy ở người bị tai biến mạch máu não.
Bệnh nhân bị Parkinson có những bước đi ngắn, cứng nhắc, kéo lê chân trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước đi nhanh, chậm bất thường khiến họ dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.
Trong bệnh tiểu đường, các biến chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía trước, chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi đập mạnh xuống đất.
Nhiều người sau khi mổ mắt cườm, hoặc đổi kính hai tròng (bifocal ) cũng có dáng đi không vững này trong một thời gian ngắn.
Người bị bệnh phong thấp, nhất là ở hạ chi, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu. Họ đi không vững, thân ngả về phía bình thường để bớt đau.
Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi ngoài 30. Khi tới uổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao lại giữ lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẩy, khớp vai ít nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thế thăng bằng. Người cao tuổi thường đứng không vững khi muốn sỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật gì để vịn.
Hậu quả thay đổi dáng đi.
Rối loạn dáng đi là một trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị té ngã, tạo ra thương tích như gẫy xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật.
Ngoài việc điều trị căn nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động cuả bệnh nhân rất quan trọng. Có những chương trình y khoa phục hồi, làm tăng khẩu độ cử động các khớp, cũng như huấn luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng dẫn cách xử dụng xe lăn, gậy, nạng .
Ngoài ra cũng cần khuyến khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi sợ ngã , để họ tự tin hơn và trấn áp sự sợ ngã khi di chuyển.