NGUYỄN Ý ĐỨC

Câu chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

TẬP LUYỆN CƠ THỂ

 

Nay nhân dịp rảnh rang, lang tôi xin cùng quý thân hữu làm một cuộc tổng duyệt lại những ích lợi của tập luyện, vận động thân thể. Ðể áp dụng cho con người được nhẹ nhàng, linh động hơn. 

Vì từ thế kỷ thứ 13, giáo sĩ kiêm khoa học gia, triết gia Anh Cát Lợi Roger Bacon, nhân dịp nghiên cứu về vấn đề tuổi thọ con người, đã có nhận xét rằng: “Không chịu vận động cơ thể là một trong nhiều nguyên nhân đưa đến sự không sống lâu”. Mà bên Việt Nam ta, Cụ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cũng khuyên nhủ “Cần lao thân thể khang cường, Tinh thần vui vẻ, gân xương chuyển đều”.

Dù không được coi quan trọng như thực phẩm, không khí, nước uống, sự tập luyện cơ thể đã được chứng minh là có nhiều công dụng. Vận động đóng góp vào việc duy trì sức khỏe, cải thiện sự bền bỉ, di động của con người đồng thời cũng là một phương tiện phòng ngừa bệnh tật rất hữu hiệu.  Sinh hoạt này cũng giống như việc tổ tiên ta khi xưa phải dành thì giờ mấy lần một tuần để đi mà tìm kiếm thực phẩm, nước uống. Họ thực sự đi, có khi chạy, đuổi theo để bắt con mồi. Họ vừa cử động cơ bắp vừa kiếm thức ăn. Chứ không ngồi xe tự động tới tiệm mua thực phẩm như chúng hiện nay.

Với ý thức đó, số người thực hiện sự tập luyện cơ thể mỗi ngày mỗi gia tăng nhất là quý cụ cao niên. Vì trong tiến trình lão hóa, có những thay đổi theo chiều đi xuống về chức năng cũng như cấu tạo của mọi bộ phận con người, những thay đổi mà sự vận động có thể khiến chậm lại hoặc khiến tốt hơn.

Thay đổi cơ thể với tuổi già

Với tuổi cao, nồng độ nước và calcium trong xương giảm, sụn của khớp cũng hao mòn khô. Do đó xương già dễ nứt gẫy, khớp xương già co duỗi giới hạn. Các bắp thịt cũng nhỏ dần tới 20% kể từ tuổi 65 trở đi, sợi thịt bớt đàn hồi và dễ tổn thương.

Thần kinh kém nhậy cảm, phản ứng chậm tới 10-15 % kể từ tuổi 60, do đó dễ gây ra nguy cơ té ngã.

Tim kém hoạt động. Nhịp tim chậm lại từ 6-10 nhịp cho mỗi 10 tuổi cao, máu rời tim sau mỗi lần co bóp ít đi tới 20-30%, huyết áp tăng vì thành động mạch xơ cứng.

Hô hấp giảm, dư khí trong phổi tăng tới 30-50% vào tuổi 70; không khí trao đổi giảm tới 40-50%.

Với sự hóa già mà lại cộng thêm nếp sống tĩnh tại sẽ đưa tới việc không sử dụng những chức năng của cơ thể, khiến chúng yếu và tiêu mòn dần, trở thành bất khiển dụng.

Cho nên vận động với quý vị cao tuổi là điều cần thiết và trễ còn hơn không. Nếu đã lỡ thiếu vận động quá lâu ngày, các cơ quan trong thân thể đang trên đà suy thoái thì cần phải chận đứng cái đà xuống dốc đó. Mà phương pháp chận đứng gồm có cả một chương trình tổng hợp sự ăn uống trị bệnh và tập luyện, vận động thân thể. Điều may mắn là chương trình tập luyện, vận động thân thể với tuổi này  không nhất thiết phải gồm có một quá trình gian khổ, đổ mồ hôi. Trái lại vận động có thể là một buổi đi bộ lâu từ 15 đến 20 phút hàng ngày hoặc là những động tác nhẹ nhàng, chậm rải như phương pháp Thái Cực Quyền mà người Âu Mỹ đều quen gọi là Tai-Chi.

          Ích lợi của tập luyện cơ thể

Một chương trình tập luyện cơ thể vừa sức, đều đặn, có thể chuyển hướng những tiêu cực này thành tích cực mang lại nhiều lợi ích.

Người vận động sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhanh nhẹn hơn, trẻ trung hơn và sống lâu hơn. Khoa học thực nghiệm đã chứng minh những điều đó .

            1-Dáng điệu của người năng vận động nom ngay thẳng, vững chắc. Với tình trạng tĩnh tại kinh niên, cơ thịt teo, mô liên kết co ngắn, làm con người như xiêu vẹo, lưng còng, di động chậm chạp.

2-Bắp thịt mạnh mẽ

Tập luyện làm tăng khối lượng cũng như sức mạnh của cơ thịt, tăng mức co ruỗi các khớp, xương cốt cứng cáp vì calcium đã không mất, mà còn tăng, sự loãng xương bình thường ở người cao tuổi cũng chậm lại.

3-Thân thể thon nhỏ dễ coi vì sự vận động tiêu dùng nhiều calories, tránh dự trữ dưới dạng mỡ; tăng biến hóa căn bản khiến cơ thể đốt thêm năng lượng; tiết chế sự ngon miệng, bớt ăn quá mức vì trầm cảm lo âu. Tất cả tạo ra hình dáng con người có phong độ, ít mỡ, nhiều thịt, dẻo dai, nhanh nhẹn khi di động.

            4-Bệnh Tim Mạch

Chưa có nghiên cứu nào kết luận vận động tăng rủi ro bệnh tim nhưng có vô số nghiên có giá trị kết luận rằng hệ thống tim mạch cũng được hưởng rất nhiều ích lợi qua tập luyện. Theo bác sĩ Paul D Thompson, Ðại Học Y Khoa Brown, cho hay những người tập luyện cơ thể đều đặn giảm bệnh tim tới quá nửa.

            Vận động cải thiện hiệu năng của tim và phổi cũng như tăng khả năng làm việc của cơ thể.

Khi bắt đầu vận động, bắp thịt và tim phải làm việc nhiều hơn và chúng sẽ quen dần với tiếp tục tập luyện. Tim trở nên hữu hiệu hơn trong việc bơm máu. Khối lượng máu xuất tim mỗi khi co bóp đều tăng, nhịp tim chậm lại. Máu tới các cơ quan để cung cấp dưỡng khí, nhiên liệu nhiều hơn đồng thời máu cũng về tim dễ dàng khiến tránh được tình trạng phù chân, nở tĩnh mạch ở hạ chi.

Các nghiên cứu mới đây cho hay, tập luyện cơ thể giúp giảm huyết áp rất nhiều. Lý do là sau thời gian tập luyện đều đặn, nhịp tim ít đi, đưa đến giảm sức ép vào mạch máu. Vận động cũng làm giảm các rủi ro đưa tới cao huyết áp như mập phì, căng thẳng tâm thần, bớt rượu thuốc lá, sống đời sống aa lành hơn.

 Khi tâm thần kích động, hệ thần kinh giao cảm hoạt động mạnh, thành mạch máu căng đưa đến tăng huyết áp. Vận động làm giảm tác dụng này của hệ giao cảm, mạch máu mở rộng, máu lưu thông nhiều, dễ dàng hơn, đồng thời cũng giảm thiểu sự đóng cholesterol trong mạch máu, làm giảm nguy cơ gây tai biến mạch máu não, thiếu máu cơ tim.

Với động mạch vành nuôi tim, sự vận động giảm nguy cơ vữa xơ động mạch bằng cách  nâng cao cholesterol lành HDL, và hạ thấp cholesterol dữ LDL.

Vận động cũng tạo ra các mạch máu phụ nơi động mạch vành bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn và giảm nguy cơ cơn suy tim.

Sau khi bị cơn suy tim, vận động dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên phục hồi giúp người bệnh tránh tái phát và có đời sống tinh thần tích cựu hơn.

5-Bệnh Tiểu Ðường.

Tiểu đường có hai loại: loại I tùy thuộc vào insulin vì cơ thể không sản xuất hoặc sản xuất rất it cho nhu cầu. Loại II do insulin không công hiệu hoặc không đủ. Vận động giảm đường trong máu vì glucose được chuyển ra năng lượng cho nhu cầu bắp thịt; đưa insulin vào máu và tế bào mau hơn và cũng giảm nhu cầu insulin của người bệnh.

            6-Bệnh Ung Thư

Năm 1985, Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ lên tiếng khuyến cáo mọi người nên vận động để tránh ung thư Ðại tràng. Lý do là vận động giúp đưa cặn bã tiêu hóa khỏi cơ thể mau và chất có hại trong thực phẩm không có thì giờ gây tác hại. Ngoài ra, theo bác sĩ Edward R. Eichner, Đại học Oklahoma, thì sự vận động ngừa ung thư vú gián tiếp bằng cách làm giảm béo mập, tăng sự miễn dịch, và thúc đẩy mọi người sống lành mạnh với ít thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá cũng như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.

7-Bệnh Loãng xương.

Bệnh loãng xương xẩy ra do sự tiêu hao tế bào xương với thời gian tuổi tác.Một số thay đổi trong cơ thể như giảm kích tố, kém dinh dưỡng, ít hoạt động là nguy cơ đưa tới bệnh này, nhất là phụ nữ vào thời kỳ mãn kinh. Kích thích tố estrogen ít đi mà hóa chất này giúp cơ thể hấp thụ calcium. Xương trở nên mỏng manh, dòn, dễ gẫy đặc biệt ở xương sống, xương hông và xương cổ tay.

Vận động tăng máu tới xương , tăng sinh sản kích thích tố sinh dục, tăng trưởng nhờ đó xương hấp thụ nhiều calcium, phosphore. Xương vững cứng hơn. Nhưng xin hỏi ý kiến bác sĩ coi phương pháp tập luyện nào thích hợp để tránh rủi ro.

            8-Táo bón

Người cao tuổi cũng hay bị táo bón khi sống tĩnh tại. Vận động giải tỏa trở ngại này bằng cách dẫn máu tới hệ thống tiêu hóa nhiều hơn, tăng hiệu năng sự biến hoá thức ăn, kích thích nhu động của ruột già.

            9-Tính miễn dịch

Ở người tuổi cao, tính miễn dịch suy yếu cộng thêm sự kém dinh dưỡng, nhiều căng thẳng, vệ sinh không hoàn hảo, khiến dễ nhiễm trùng.

Theo bác sĩ Harvey B. Simon, Ðại học y khoa Harvard, sự vận động đều hòa, phải sức, giúp cơ thể duy trì khả năng này bằng gia tăng lưu hành của vài loại kháng thể trong máu.

Báo American Health tháng Ba 1985 cho hay khi vận động thì bạch cầu tiết ra một hóa chất tương tự chất mà tế bào này thường dùng để chống nhiễm vi khuẩn.

Giáo sư Jeffrey Woods, Ðại học Illinois, cho hay vận động tăng tính niễn dịch chống lại bệnh cúm và giảm tử vong ở chuột  thí nghiệm.

 Năm 1989, giáo sư David Nieman, một chuyên viên uy tín về vận động với miễn nhiễm, cho hay vận động vừa phải tăng số lượng tế bào sát vi khuẩn trong máu. Nhưng nên nhớ, vận động đột xuất, quá sức, sẽ khiến cơ thể sản xuất nhiều chất cortisone, mà khi quá nhiều chất này lại làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

            10-Tác dụng tinh thần

Sau khi quan sát, nghiên cứu 1200 người khỏe mạnh trên 70 tuổi, các nhà chuyên môn y khoa học tại  Đại học Harvard, Yale, Duke kết luận là sự tập luyện cơ thể làm tinh thần họ lành mạnh, tỉnh táo, giải quyết vấn đề nhậm lẹ, suy luận tốt, trí nhớ tốt. Sự kiện này được giải thích là vận động đưa máu nhiều về não bộ, đồng thời não cũng tiết ra kích thích tố hưng phấn noradrenaline, serotonin và endorphins.

Một thí nghiệm ở North Carolina còn cho là với 6 tuần lễ đi bộ nhanh nhẹn, khả năng trí tuệ sẽ tăng lên 7.6 %.

Theo nhà tâm lý học Shae Graham Kosch, Ðại học Florida, bất cứ hành động nhắc đi nhắc lại liên tục nào cũng giải tỏa được căng thẳng. Ngoài ra khi ta hít thở sâu, oxy vào não nhiều cũng làm tinh thần lên cao.

11-Ngủ ngon

            Quan sát tân binh thao dượt  trong vòng 18 tuần lễ,  Colin M. Shapiro tại bệnh viện Hoàng Gia Edinburgh, Ái Nhĩ Lan, cho thấy sau thời gian tập luyện họ ngủ dễ dàng hơn và ít thức dậy ban dêm. Tập luyện tăng sản xuất kích thích tố hưng phấn endorphins, giảm căng thẳng khiến ta ngủ nghỉ thoải mái. Nhưng không nên vận động quá mạnh trước giờ ngủ vì nhịp tim, hơi thở nhanh khiến ta không thư giãn được.

            Báo SLEEP tháng 11, 2003 đăng kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của vận động với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh. Bác sĩ Trưởng nhóm nghiên cứu Shelley Tworoger cho hay vận động nhẹ mỗi buổi sáng giúp các bà ngủ ngon hơn. Có thể là vận động khiến vài kích tố sản xuất nhiều, khiến cơ thể vui vẻ hoạt động hăng say, tối tới mệt mỏi lăn ra ngủ.

Bản tin của Mayo Clinic ngày  01 tháng 4 năm 2005 cho hay vận động vừa phải  20 phút mỗi ngày, ba lần một tuần giúp nhiều người bị bệnh Alzheimer cảm thấy dễ chịu và ngủ ngon hơn vào buổi tối,

12-Tăng ước muốn tình dục

Giám đốc Thể dục Thể thao Ðại học Arizona James Skinner cho hay vận động cơ thể tăng sàn xuất testosterone nên ước muốn tình dục cũng tăng.

Nghiên cứu của Stanten và Yeager năm 2003 cho hay phụ nữ sẽ có dục tình nhiều hơn sau 20 phút vận động.

Theo kết quả nghiên cứu tại Ðại Harvard, nam nữ ở tuổi 40- 60 mà bơi đều đặn đều cảm thấy khỏe mạnh và tận hưởng thú vui xác thịt.

Nhiều người cũng e ngại sự giao hợp làm tiêu hao năng lượng nhưng thực ra năng lượng mất đi chỉ bằng chạy lên xuống hai đợt cầu thang.

13-Giảm kí

Vận động để giảm kí đã được nhiều nghiên cứu công nhận là có hiệu quả tốt. Lý do rất dễ hiểu là khi tập luyện, cơ thể sẽ tiêu dùng nhiều năng lượng do chất dinh dưỡng cung cấp. Tập luyện đều đặn có thể giảm 30 gr mỗi tuần. Kết quả coi bộ khiêm nhường nhưng nếu xuống ký đều đều như vậy thì với thời gian ta sẽ thấy sự ích lợi của vận động.

Vận động vào buổi sáng dường như công hiệu hơn vì khi đó cơ thể sẽ tiêu dùng năng lượng dự trữ từ tế bào mỡ béo.

14-Viêm khớp

Vận động thường xuyên giúp bắp thịt quanh khớp mạnh mẽ để đỡ và bao che khớp; giảm thất thoát xương; tăng chất nhờn ở khớp; giảm cứng đơ; sưng và đau. Nếu không vân động, dây chằng thoái hóa dần. Vận động đúng cách giúp cải thiện viêm xương khớp nhưng nên hỏi bác sĩ, tránh cử động quá mạnh như chạy bộ, đánh quần vợt.

15-Suyễn, bênh phổi.

Vận động giúp các cơ bắp quanh lồng ngực, bụng và hoành cách mô mạnh hơn. Ngoài ra các bắp thịt đã quen với tập luyện tiêu thụ dưỡng khí ít hơn bắp thịt không tập luyện. Nhờ đó  sự hít thở dưỡng khí và thán khí được hữu hiệu mà phổi không phải gắng sức. Tập luyện vừa sức cũng giúp cơn suyễn ít xẩy ra.

Tuy nhiên nên tham khảo bác sĩ coi tập như thế nào cho thích hợp với bệnh tình của mình.

            16-Giữ thăng bằng cơ thể

Người cao tuổi thường hay bị té vì khả năng giữ thăng bằng cơ thể bị rối loạn. Nhờ vận động, trở ngại này có thể tránh được.

            17-Tuổi thọ

Còn tác dụng của vận động trên tuổi thọ thì có nhiều ý kiến.

Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ cho là sự vận động có thể làm hạ số tử vong do bệnh tật gây ra. Các chuyên gia Hòa Lan nhận thấy những người làm việc chân tay như bổ củi, khuân vác đồ vật nặng sống lâu hơn người làm việc văn phòng cả dăm bẩy năm.  Nghiên cứu tại Đại Học Harvard quan sát 10.000 cựu sinh viên tuổi 45 tới 84, cho thấy những người vận động như đi bộ, đánh quần vợt, sống lâu hơn.

Trong khi đó Leonard Hayflick, chuyên gia nổi tiếng về vấn đề người già, góp ý: không có bằng chứng nào về sự tăng tuổi thọ khi người già vận động. Nếu đúng vậy thì ta phải thấy, khi xưa, các cụ lớn tuổi nhất sẽ rất năng động. Nhưng sự thực thì các cụ lại sống rất tĩnh tại. Hayflick còn cho là nếu vận động làm sống lâu hơn có lẽ là do tác dụng tích cực của nó vào diễn tiến bệnh tật.

Như vậy thì dù không có bảo đảm là sự vận đông kéo dài tuổi thọ, nhưng kinh nghiệm chung cho hay nó mang nhiều lợi ích cho đời sống. Nó làm ta cảm thấy ít lo âu, vui đời hơn, tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn. Nó mang lại vẻ trẻ trung, phong độ, di động nhẹ nhàng. Đời sống tình dục thỏa mãn hơn, ăn ngon chừng mực, dễ tiêu laị ít táo bón. Sức nặng cơ thể ở mức vừa phải, bớt đau nhức xương lưng. Nguy cơ bệnh tim phổi ít đi, tính miễn dịch gia tăng.

Và hy vọng là sự hóa già đến chậm hơn.

Kế hoạch

Với những ích lợi như vậy, có lẽ tuổi già ta cũng nên sắp đặt để có một chương trình tập luyện cơ thể. Mà khởi đầu chương trình bao giờ cũng có những khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan” mà.

Ta cũng nghe có cụ nói:. Ôi, già rồi, thở không ra hơi, còn tập tành làm gì cho mệt. Từ mấy chục năm nay tôi đâu có tập gì đau mà vẫn khỏe. Lái xe đưa bà ấy đi chợ, lại phải trông cháu, lấy đâu ra thì giờ rảnh để tập. Tôi không khoái việc tập tành, các cụ ạ. Mình ngồi nhẩn nha tâm sự thế này vui hơn. Tập xong tôi đói, tôi lại phải ăn như vậy tôi càng mập ra. Tập nhỡ dạ con tôi nó sa xuống thì chết tôi à. Lại còn phấn son trên măt, mồ hôi mồ kê nhễ nhại làm loang lổ ố nhòe. Còn mấy bạn trẻ thì nói “ chúng cháu đang sung sức, cần gì phải vận động mới khỏe”.                                                            

Đối với tuổi trẻ tuy sức lực đang rồi rào nhưng nếu không vận động thì sức lực đó rồi sẽ chóng hao mòn và không mấy chốc thân thể sẽ trở thành yếu đuối. Đối với quý vị cao niên vì lâu ngày không tập luyện, vận động nên thân thể không được mạnh mẽ, tâm thần mệt mỏi khiến các cụ mang nặng cái mặc cảm là già yếu, không vận động nổi.

Sự thật thì vận động là một quá trình cần thiết để duy trì và tăng tiến sức khỏe, bảo vệ chức năng của các cơ quan thiết yếu trong cơ thể như tim, phổi, bộ máy tiêu hóa, bộ máy tuần hoàn v.v..Sự vận động này cần thiết cho mọi lứa tuổi.

Vì thế ta nên có một kế hoạch trước khi bắt đầu vận động. Một đôi giầy không thích hợp, hăng hái tập quá nhiều rồi đau chân, mất sức thế là bỏ cuộc đi bộ. Rồi bắp thịt, bàn chân thích khỏe mạnh mà trí não không ưng. Cho nên phải có sự quyết tâm, một giao kèo với mình với ba chữ C: Cương quyết, Chuyên cần, Cố gắng. Hãy coi sự luyện tập như một nhu cầu cần thiết hàng ngày. Sắp đặt giờ tập vào thời gian nhất định để tránh sáng bảo để chiều rồi chiều bận thôi để sáng mai tập nhiều hơn. Bắt đầu từ từ tùy theo sức chịu đựng rồi tăng dần dần. Mất nhiều chục năm để cơ thể yếu thì cũng cần thời gian để tập luyện hồi phục.

Kiểm soát sức khỏe

Trước khi vận động, quý vị cao niên cần xét tình trạng sức khỏe để biết điều gì nên làm và điều gì nên tránh. Do đó cần phải nhờ một bác sĩ y khoa khám bệnh và chỉ dẫn những điều cần thiết. Ví dụ, nếu quý cụ có bệnh tim thì tất nhiên phải tránh những hình thức vận động cần nhiều sức lực như chạy bộ, quần vợt v.v...

Rồi tham khảo với bác sĩ để điều chỉnh mấy thứ thuốc mình đang uống cũng như kiểm soát lại sức khỏe tổng quát xem có trở ngại gì khi vào chương trình tập luyện.

Thuốc ngủ, thuốc an thần làm hạ huyết áp khi đứng lâu, gây chóng mặt, dễ ngã.

Thuốc thông tiểu tiện làm mất nước, mất potassium, gây vọp bẻ, nhịp tim loạn xạ, nên khi tập cần uống thêm nước.

Thuốc trị tiểu đường làm giảm đường trong máu, sự vận động cũng đốt nhiều nguyên liệu này, nên cần đề phòng lượng glucose trong máu quá thấp, gây tổn thương cho cơ thể.

Nếu đang có bệnh tim, bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, quá mập, hoặc hút thuốc lá thì cần được bác sĩ hướng dẫn mức độ tập luyện để bệnh không nặng hơn.

Thường thì các bác sĩ đều cho ta làm một trắc nghiệm xem khả năng chịu đựng của trái tim tới mức nào. Trong trắc nghiệm này, ta đi rồi chạy trên máy chạy tự động với tốc độ tăng dần. Trái tim phải bơm mạnh hơn để cung cấp dưỡng khí. Thử nghiệm cho biết nếu máu cung cấp cho tim giảm. Nếu có thuyên giảm thì bác sĩ sẽ cho ta biết tập luyện thế nào cho vừa sức. 

Những điều cần lưu ý khi tập luyện.

            Có mấy điểm sau đây ta cần lưu ý:

           1- Khi chưa bao giờ tập luyện, ta cần cẩn thận lựa chọn môn tập nào thích hợp với tuổi  tác và tình trạng sức khỏe của mình.

           2- Khi đã có chương trình tập từ những năm về trước, ta có thể tiếp tục chương trình đó miễn là cơ thể không thấy có triệu chứng khó chịu nào.Tuy nhiên cũng nên giảm thời gian vận động một ít cho phù hợp với niên kỷ hiện tại.

           3- Không nên tiếp tục những môn tập luyện gây nhiều cảm xúc mạnh hoặc có tính cách tranh đua dữ dội khiến có thể đưa tới  thay đổi đột ngột cho cơ thể. Ở tuổi già, sự vận động mang nhiều tính chất thư giãn, linh hoạt cơ thể hơn là cạnh tranh thua được.

           4- Tạm ngưng vận động khi trong người không hoàn toàn  khỏe mạnh hoặc quá  lo lắng khi tập. Tránh tập luyện ngay sau hoặc trước khi ăn no.

           5- Những ngày quá nóng và ẩm, hoặc quá lạnh và gió, không thuận lợi cho việc vận động ngoài trời.

           6- Đang tập luyện mà thấy những dấu hiệu sau đây thì nên ngưng: Khó thở, hồi hộp, nhịp tim nhanh, không đều, đau ngực nhất là cơn đau chạy xuống vai-tay trái.

            7-Uống nước trước, trong khi và sau khi vận động.

            Một trong những rủi ro khi vận động là bị vọp bẻ .Vọp bẻ có nghiêu lý do: khô nước trong cơ thể, mệt mỏi, lạnh, mất thăng bằng muối khoáng magnesium, sodium và potassium, cơ thể ở một vị quá lâu. Ðể bớt đau, thoa bóp và chườm hơi nóng nơi đau, uống nước đầy đủ.

            Môn vận động nào tốt.   

Nhiều vị thắc mắc hỏi môn tập luyện nào tốt. Ý kiến chung của các chuyên gia cho là môn nào cũng tốt miễn là phù hợp với điều kiện cá nhân cuả mình : tuổi tác, tình trạng sức khỏe.

Thường thường, người ta chia môn tập luyện ra làm 4 loại :

             -Tập luyện để có sức chịu đựng, tăng nhịp tim đập, tăng hô hấp trong một thời gian, tốt cho tim phổi và giúp ngăn ngừa hay trì hoãn một số bệnh tật.

            -Tập luyện cho có sức mạnh, bắp thịt nở nang, khiến người cao tuổi có thể sống độc lập, làm những việc cần thường nhật.

            -Tập luyện để giữ thăng bằng cơ thể, tránh té ngã, gây gẫy xương, đưa đến tàn tật.

-Tập luyện co dãn để cơ thể linh động, mềm mại.

Bơi lội, khiêu vũ, đạp xe đạp, nhất là đi bộ đều tốt.

Sau đây là vài phương pháp vận động thích hợp vối tuổi cao niên.

Đi Bộ.

Theo nhiều chuyên viên sức khỏe, trong các phương pháp vận động thì đi bộ là phương pháp dễ nhất, rẽ nhất, tự nhiên nhất mà không kém phần hữu hiệu đối với sức khỏe. Ðể thực hiện việc đi bộ, ta chỉ cần một đôi giầy vừa vặn, bộ quần áo thoải mái và ý muốn vững chắc. Đi bộ thường được coi như thông dụng, thích hợp với người già, có thể thực hiên bất cứ lúc nào, ít gây tai nạn và mang lại nhiều ích lợi cho cơ thể.

            1-Đi bộ là một trong nhiều môn tập luyện mà tuổi tác cũng như điều kiện sức khỏe không là những trở ngại.

            2-Không phải học cách đi bộ vì ta đã biết đi từ lúc một tuổi, bây giờ chỉ cần áp dụng nhịp điệu theo tuổi hiện tại.

            3-Ta có thể sắp xếp thời gian đi bộ vào chương trình mỗi ngày một cách dễ dàng; không cần mất thì giờ thay quần áo, lái xe tới phòng tập thể dục. Vì ta có thể đi bộ trong nhà ngoài đường, trước cửa.

            4-Ta không cần có bạn để đi bộ như khi đánh quần vợt, nhưng nếu có bạn cùng đi thì vui hơn;

            5--Người đi bộ thường ít bỏ cuộc và đi lâu hơn là chạy bộ. Nếu ta đã thực thi chương trình được dăm tuần lễ là ta thành như ghiền, mỗi ngày phải đi bộ;

            6-Đi bộ đều đặn làm điều hòa tim mạch, tăng khả năng hít thở của phổi, làm hạ huyết áp, đốt nhiều nhiên liệu khiến bớt mập, giảm sự loãng xương, giảm phong thấp. Một quan sát tại Luân đôn từ năm 1950 với những bưu tín viên đi bộ đưa thư và nhân viên  làm việc văn phòng, cho thấy người đưa thơ ít bị bệnh tim hơn.

            7-Ði bộ mang cho ta nhiều năng lực, hít thở nhiều dưỡng khí trong lành, hồng cầu nhiều dưỡng khí khiến ta thấy khỏe mạnh ra;

            8-- Đi bộ làm tâm hồn thư dãn, tâm trạng thoải mái, trí tuệ lanh lợi, sáng suốt.

            9-Người đi bộ thường ăn uống điều độ, ít hút lá, sống lành mạnh hơn người không tập luyện.

            Trong khi đi bộ, giữ lưng thẳng, bụng thót, cổ và đầu ngay, mắt nhìn về phía trước . Bước tới nhịp nhàng, không quá dài, tay vung tới lui để có thêm chớn và giữ thăng băng cơ thể.

 Một chuyên viên về thể dục thể thao, bác sĩ Whitaker đề nghị quý cụ theo một chương trình 5 tuần rất giản dị sau đây:

Tuần thứ nhứt: Đi bộ 5 phút với những bước đi trung bình không chậm, không nhanh, từ nhà ra đường rồi trở về.

Tuần thứ hai: Tăng thời gian đi bộ từ 5 lên 10 phút từ nhà ra đường, và 10 phút từ đường trở về nhà, vẫn đi những bước trung bình như trên.

Tuần thứ ba: Tăng thời gian lên 15 phút đi và 15 phút về, tổng cộng 30 phút.

Tuần thứ tư: Vẫn giữ thời gian đi và về là 30 phút, nhưng bước nhanh hơn để tăng khoảng đường đi bộ lên 10%.

Tuần thứ năm: Đo nhịp tim đập để tìm nhịp đập thích hợp với bản thân mình. Việc này phải nhờ bác sỹ chỉ dẫn để biết nhịp đâp tối đa của mình là bao nhiêu. Khi biết rồi thì tự đo nhịp tim đập: lấy 70% nhịp đập tối đa làm chuẩn để theo đó mà điều chỉnh bước đi nhanh hay chậm, miễn là tim không đập nhanh hơn số 70% nhịp đập tối đa

Xin nói rõ về nhịp tim tối đa maximum heart rate.

Khi còn trẻ trung khỏe mạnh, trái tim có thể co bóp thật nhanh tới mức độ cao nhất, chẳng hạn 200 nhịp một phút để cung cấp dưỡng khí cho ta leo một ngọn đồi. Nhưng với tuổi cao, trái tim không hoạt động mạnh như vậy được. Nhip tối đa giảm dần dần từ sáu tới tám nhịp cho mỗi thập niên. Cách giản dị để tính nhịp tim tối đa là trừ con số 220 với số tuồi. Người 50 tuổi, nhịp tối đa là 170; tuổi 70 thì nhịp tối đa sẽ là 150. Ðể an toàn ta không nên tập luyện quá 60 - 75% nhịp tối đa

Đi dưới nước

            Đúng ra phải nói là đi trong nước. Nếu có một hồ tắm với mức nước ngang ngực thì đi trong nước là một hình thức vận động lý tưởng. Trước hết, đi trong nước an toàn. Không như chạy bộ có thể làm thương tổn đầu gối và khuỷu chân, bơi lội khiến toàn thân mệt mỏi, tập tạ có thể làm bắp thịt co rút. Đi bộ trong nước không có những rủi ro kể trên.

Khi đi bộ trong hồ nước với mực nước ngang ngực thì ta cảm thấy sức cản của nước và ta có thể điều chỉnh sức cản đó bằng cách tăng hay giảm tốc độ bước đi. Đi bộ trong nước khiến ta tiêu thụ chừng 460 calôri mỗi giờ. Một chương trình gồm có 20 phút đi bộ trong nước, ba lần mỗi tuần, có thể đem lại những lợi ích cho thân thể như đi bộ hoặc chạy bộ.

Các lợi ích gồm có: tăng cường các bắp thịt, các chức năng của tim, sự mềm dẻo của thân thể. Đi bộ trong nước không làm đổ mồ hôi, với những rủi ro như đi trên bộ.

Đi trong nước cũng an toàn đối với những người bị bệnh tim, cao huyết áp, nhức khớp xương, bởi vì nước gánh chịu 90% sức nặng của thân thể, do đó nhiều người không thể đi bộ thoải mái trên đất có thể đi thoải mái trong nước.

Hiệu lực trị liệu của môn đi trong nước khiến nhiều chuyên viên trị liệu phục hồi dùng môn này trong chương trình phục hồi sức khỏe cho những lực sĩ bị thương trong các cuộc vận động biểu diễn.

Nhiều người thực hành đi trong nước khám phá nhiều lợi ích khác. Họ cảm thấy như được xoa bóp (massage) và sự căng thẳng thần kinh cũng tan biến. Một cụ bà 70 tuổi nói rằng cụ thích vừa đi trong nước vừa chuyện trò với các bạn đồng hành và quên rằng mình đang tập thể dục.

Bằng các động tác khác nhau, phương pháp đi trong nước có thể chuyển động mọi bắp thịt của thân thể. Đi tới đi lui, đi ngang, vung hai tay dưới nước là những động tác để thực hiện một cuộc vận động thân thể toàn diện. Các cụ cao niên có bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình vận động bằng phương pháp đi trong nước.                

            Kết luận         

            Để mang lại ích lợi cho cơ thể, tập luyện cần đều đặn và lâu dài; cố gắng giữ đúng giờ tập như một hẹn hò quan trọng, đặt tiêu chuẩn cho từng giai đoạn và tự tưởng thưởng khi thực hiện được ý muốn.

Với nhiều vị cao tuổi, động lực thúc đẩy lúc nào cũng có sẵn. Họ nói rằng sự chuyên cần này mang đến cảm giác sung sức khiến họ khó mà ngưng vì, chỉ thiếu vận động vài ngày là thấy hậu quả ngay. Nhưng cũng có nhiều vị cần thêm một khích lệ như có bạn để cùng tập, nghe nhạc hay coi phim truyện hấp dẫn khi tập.  Đồng thời chương trình tập cũng cần được sắp xếp làm sao cho lý thú, hấp dẫn.

            Cách đây trên nửa thế kỷ, học giả lão thành Trần Trọng Kim và các cộng sự viên đã kể câu chuyện sau đây trong Quốc Văn Giáo  Khoa Thư lớp Dự Bị:

“Người Ngô Phổ hỏi ông Hoa Đà cái cách giữ vệ sinh thế nào, ông Hoa Đà nói rằng:

“ Người ta phải làm lụng vận động luôn, thì ăn uống mới dễ tiêu, huyết mạch mới dễ lưu thông, và bịnh tật mới không sinh ra được. Cái chìa khóa mà không rỉ là vì dùng đến luôn. Nước giừa dòng không dơ bẩn, là vì chảy liên tục. Người ta cũng vậy, có vận động thì mới khỏe mạnh”

“Người Ngô Phổ theo lời dạy ấy. Quả nhiên mỗi ngày một khỏe ra và sống được ngoai chín mươi tuổi”.

            Lại có nhận xét: “ Ở tuổi trẻ, sự sung sức là một lựa chọn, nhưng ở người già, nó là điều cần thiết.”

            Ta nhớ những cái đồng hồ cổ xưa: khi nó ngưng chạy không phải vì lý do hao mòn, mà vì cần phải được lên dây thiều.

Cơ thể người cao tuổi cũng vậy, cần được lên dây thiều. Bằng sự vận động, tập luyện cơ thể đều đặn.

Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC

Texas-USA


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn