SỰ DÙNG DƯỢC PHẨM Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Thuốc hay dược phẩm được định nghĩa là chất lấy ở thực vật, khoáng vật, sinh động vật, hóa chất với mục đích trị bệnh, phòng ngừa bệnh, phục hồi các chức năng của cơ thể hoặc thay đổi quá trình sinh sản v.v.., khi được dùng đúng lúc, đúng cách, trong một thời gian nhất định. Trước năm 1920, dược phẩm trên thị trường rất ít, công dụng tuy giới hạn nhưng an toàn hơn. Ngày nay, có rất nhiều thuốc công hiệu nhưng lại gây một số tác dụng phụ nguy hại, bất lợi. Nếu trong việc cho toa, bác sĩ cần cân nhắc loại thuốc thích hợp với y chứng, phân lượng vừa đủ và thời gian xử dụng, thì người bệnh cũng cần thực thi đúng theo hướng dẫn của bác sĩ: thuốc nào, bệnh nấy. Quý vị lão niên ta rất chăm lo tới sức khỏe, nên rất chăm chỉ trong việc tìm thuốc trị bệnh. Thấy có một triệu chứng bệnh nào là quý vị kiếm thuốc ngay: do bác sĩ biên toa, hoặc qua sự giới thiệu của bạn bè, đọc sách báo y học, mua trên mạng vi tính.
Thành ra, một vị trên 65 tuổi, có khi uống đến cả 7,8 thứ thuốc trong một ngày. Thuốc bệnh do bác sĩ cho về cao huyết áp, thuốc bao tử, thuốc đau nhức, phong thấp, vài viên thuốc ngủ, kèm thêm ít thuốc ta để bổ gân, bổ thận do bạn bè giới thiệu, lại còn sinh tố, anti oxidant.
Với một hỗn hợp nhiều hóa chất khác nhau như vậy e rằng chúng sẽ gây ra những tác dụng tương phản, đôi khi có hại, cho một cơ thể đã có nhiều thay đổi về cấu tạo cũng như chức năng.
Hàng năm, số bệnh nhân cao tuổi nhập viện khẩn cấp do hậu quả của sự xử dụng thuốc không đúng cách lên rất cao, nhất là với thuốc về bệnh tâm thần.
Chúng tôi xin cùng quý vị tìm hiểu thêm về vấn đề xử dụng thuốc này để duy trì một sức khỏe bình thường hơn.
Công dụng của dược phẩm.
Về phương diện trị liệu, sự xử dụng dược phẩm nhằm vào những mục tiêu
chính như:
1-Trị lành bệnh.
Khi mắc một bệnh nhiễm vi trùng, như sưng phổi, ta sẽ có những triệu chứng ho, nóng sốt cao, mệt mỏi, khó thở. Sau khi khám bệnh, bác sĩ cho uống thuốc khángï sinh trong vòng 7-10 ngày. Sau đó nhiệt độ giảm, ta bớt ho và trở lại bình thường. Như vậy thuốc kháng sinh đã tiêu diệt vi trùng và ta đã lành bệnh .
2 -Thay thế những yếu tố thiếu trong cơ thể –
Một người mắc bệnh thiếu máu, hồng huyết cầu thấp, vì ruột không hấp thụ được sinh tố B12. Bác sĩ cho chích mỗi tháng một mũi Vit B12 để thay thế sinh tố thiếu trong cơ thể.
Bệnh nhân bị tiểu đường vì tụy tạng tiết ra rất ít Insulin, sẽ được chích Insulin nhân tạo mỗi ngày để giữ mức đường trong máu bình thường.
Sư thay thế như vậy là cần thiết và đạt được mục tiêu làm cơ thể trở lại bình thường sau thời gian bệnh vì thiếu những chất kể trên.-
3- Ngăn ngừa sự phát triển một bệnh.
Cũng trong trường hợp bệnh tiểu đường, Insulin còn duy trì bệnh ở tình trạng không gây ra những biến chứng nguy hiểm như hư mắt, hư thận và nếu ngưng Insulin, bệnh sẽ trầm trọng thêm lên.
Người bị cao huyết áp nếu ngưng uống thuốc trị cao máu, bệnh sẽ nặng hơn và có thể gây tai-biến-mạch-máu-não, kích xúc tim.
Trong các bệnh này, dược phẩm không những có công dụng điều trị mà còn ngăn ngừa biến chứng của bệnh.
4-Thuốc để làm dịu một triệu chứng.
Thí dụ như khi ta bị đau nhức mình mẩy vì làm vườn quá sức hay nhức đầu vì uống rượu quá nhiều, thường thường ta uống một viên Tylenol hay Aspirine.
Thuốc không làm hết bệnh, mà chỉ làm dịu cảm giác đau, khó chịu. Nhiều khi chẳng cần thuốc, mà chỉ cần nằm nghỉ vài giờ là hết đau.
Số lượng thuốc dùng trong mục đích xoa dịu này rất nhiều, đôi khi có sự lạm dụng.
5- Phòng ngừa bệnh.
Các thuốc này hoặc tạo ra tính miễn dịch hoặc hỗ trợ hệ thống miễn nhiễm của cơ thể như chích ngừa cúm, phong đòn gánh.
Nhờ sự chích ngừa này mà nhân loại tránh được nhiều bệnh truyền nhiễm, gây tử vong cao ở các thế kỷ trước, như bệnh đậu mùa, dịch hạch...
Các tác động có hại của dược phẩm.
Với những công dụng như trên, thuốc giữ một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của con người, nói chung, và của lão niên ta nói riêng.
Mà thuốc thường thường cũng chỉ là một hóa chất, có công dụng như nói ở trên, đồng thời cũng có tác dụng phụ không tốt, bất kể là thuốc gì, dùng nhiều hay là ít. Đó là những tác-động-có-hại của thuốc (Adverse drugs reaction).
Theo định nghĩa của Cơ Quan Y Tế Thế Giới thì tác động này là bất cứ một đáp ứng không mong muốn nào của cơ thể, xẩy ra khi dùng thuốc theo phân lượng để ngừa bệnh, định bệnh hay trị bệnh. Tác động có hại được chia nhiều loại:
1- Dị ứng thuốc.
Có nhiều tác động hại không phải do dị ứng, nhưng vẫn được công chúng hiểu nhầm là dị ứng. Chẳng hạn như sau khi uống thuốc, ta bị ói mửa, đại tiện lỏng, sót ruột..thì chỉ là tác dụng tại chỗ của thuốc vào bao tử.
Dị ứng là do sự tác động của kháng thể đã có trong máu, chống lại sự hiện diện của dược phẩm, và gây ra một số những triệu chứng khó chịu, đôi khi nguy hiểm. Nó có tác dụng ngược lại với cơ chế miễn dịch, chống sự xâm nhập của vi trùng.
Ban chẩn với những lấm tấm đỏ trên da là phản ứng thông thường nhất của dị ứng. Trường hợp nặng sẽ có nóng sốt, khó thở, thở khò khè, ngứa toàn thân, huyết áp giảm, tim đập liên hồi, suy nhược tổng quát ...có thể nguy hiểm cho tính mạng, nếu không được cấp cứu.
Phản ứng này thường thấy khi chích thuốc Penicillin, Insulin hay hóa chất dùng trong việc chụp hình quang tuyến X. Nó có thể xẩy ra tức thì hay chậm lại một thời gian. Cũng nên nhớ là dị ứng có thể xẩy ra dù chỉ dùng một phân lượng rất nhỏ dược phẩm.
2- Tác dụng độc của dược phẩm.
Dược phẩm là một hóa chất, mà bất cứ hóa chất nào cũng có tác dụng độc cho cơ thể, ngoài giá trị chữa bệnh.
Viên Aspirin mà ta thường uống để làm dịu nhức đầu, phong thấp thì cũng làm màng bao tử trầy hư, gây xuất huyết. Thuốc chữa các bệnh ung thư làm rụng tóc. Thuốc trị cao huyết áp gây loạn cương dương. Thuốc ngừa máu đóng cục trong vài bệnh tim làm loãng máu, gây xuất huyết, khó cầm khi bị thương hay giải phẫu.
Đây không phải dị ứng nhưng là tác dụng của hóa chất mà trước khi dùng nó, ta đã được giải thích rõ ràng.
3- Tác dụng do phân lượng không đúng.
Thuốc uống ít quá, không có công hiệu, mà nhiều quá thì dễ gây phản ứng có hại.
4- Tác động bất thường , không rõ nguyên nhân.
Đáp ứng của từng cá nhân với thuốc, như lượng nhỏ thuốc tê có thể gây nóng sốt, hay thuốc Tifomycine gây hủy hoại hồng cầu.
Sau đây là một số yếu tố có thể khiến tác động bất thường của thuốc dễ xẩy ra:
a- Đã có những bệnh dị ứng.
b- Đã có phản ứng với thuốc trong quá khứ.
c- Uống nhiều thuốc khác nhau vì có nhiều bệnh kinh niên.
d- Điều trị bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa, mỗi người cho toa thuốc khác nhau.
e- Có khó khăn về tài chánh, không mua đủ thuốc, dùng thuốc cũ, quá hạn
g- Khiếm khuyết thị giác, thính giác, không nhìn rõ mặt thuốc cũng như không nghe rõ lời dặn của bác sĩ, dược sĩ rồi uống thuốc không đúng cách.
5-Tác dụng giữa thuốc và thực phẩm.
Đa số thuốc ta dùng ở nhà là thuốc uống, mà thuốc và thực phẩm đều được hấp thụ vào máu qua bao tử, nhất là ruột non.
Hiệu quả của thuốc có thể tăng, giảm hoặc không thay đổi, tùy theo loại thực phẩm và tùy theo uống thuốc trước hay sau khi ăn.
Do đó ta cần hỏi bác sĩ, dược sĩ khi nhận thuốc, để tránh phản ứng bất lợi.
6-Uống nhiều thuốc khác nhau.
Vấn đề đặc biệt quan trọng ở người cao tuổi là uống nhiều thuốc cho nhiều bệnh hay nhiều triệu chứng. Thuốc đôi khi có tác dụng tương phản nhau, gây không tốt cho cơ thể.
Hơn nữa, ở người cao tuổi, khả năng hấp thụ ở bộ máy tiêu hóa, biến hóa thuốc ở gan , và bài tiết dược phẩm qua thận đều giảm tới 40% so với tuổi trẻ, trung niên. Thời gian bán hủy của thuốc ở huyết tương kéo dài, và độc tính của thuốc tăng thêm.
Vài cách tránh những điều bất lợi khi dùng thuốc. Để sự xử dụng thuốc có công hiệu, không phản ứng, ta cần lưu ý những điều sau đây:
1-. Kê khai với bác sĩ tất cả những bệnh mình đang có, những thuốc mình đang uống, cả thuốc mua tự do ở chợ hay thuốc do bạn bè giới thiệu.
Mồi lần đi khám bệnh, mang ống, chai thuốc đã dùng để bác sĩ dễ nhận diện thuốc. Nhiều vị nói, “ấy kỳ trước bác sĩ cho tôi viên hạt dưa trắng, tốt lắm”, hay là “tôi đang uống thuốc nước mầu hồng”, thì chả ai biết là thuốc gì.
2-. Theo lời chỉ dẫn của bác sĩ dược sĩ, đọc kỹ nhãn thuốc với cách dùng, giờ uống, uống lúc nào, bụng đói hay no, mấy lần một ngày.
Chẳng hạn thuốc uống bốn lần trong một ngày, có thể là uống vào những bữa ăn và trước khi đi ngủ; hoặc cũng có thể là uống mỗi 6 giờ đồng hồ, kể cả thức dậy ban đêm để uống.
Với thuốc nước , ta cần lắc chai cho thuốc hòa đều với nhau trước khi uống.
Không tự ý tăng hay giảm phân lượng, vì ít quá, không có công hiệu, nhiều quá sẽ gây hại.
Uống cho hết thời hạn bác sĩ dặn, chứ không phải thấy giảm bệnh là ngưng thuốc.
Không uống thuốc trong bóng tối, có thể nhầm loại thuốc.
3-. Thông báo cho bác sĩ tác dụng phụ hay phản ứng của thuốc mình đã có.
4-. Giữ thuốc nơi an toàn, xa tầm tay trẻ con, trong chai, lọ từ nhà thuốc tây, để tránh nhầm thuốc. Vứt bỏ thuốc quá hạn.
5- Ráng nhớ tên thuốc cũng như công dụng của thuốc.
6-Nếu có thể, nên mua thuốc ở một tiệm, như vậy dược sĩ sẽ có toàn bộ hồ sơ thuốc của mình, có thể theo dõi, giải thích tác dụng các loại thuốc khác nhau cho mình.
Người dược sĩ không chỉ đóng vai trò cung cấp thuốc như trước đây. Họ có nhiệm vụ liên lạc với bác sĩ để tham khảo, lựa thuốc thích hợp cho bệnh nhân, hướng dẫn cách dùng thuốc, tác dụng tốt xấu của thuốc, theo dõi xem bệnh nhân có uống thuốc đều đặn không, phân lượng cho có gì bất thường hay không.
Trình bầy dược phẩm.
Nói đến thuốc, tưởng cũng nên tìm hiểu qua về cách thức trình bầy các tên thuốc.
Tại Hoa kỳ, trước năm 1938, hễ có tiền là ta có thể mua tự do bất kể thuốc gì, không cần toa bác sĩ, trừ thuốc có chất ma tuý.
Thế rồi, khi đó có một viện bào chế tung ra thị trường một dược phẩm chứa chất hòa tan độc, làm chết cả trăm người. Chính quyền bèn can thiệp, và từ năm 1951 cơ quan Thực Phẩm và Dược Phẩm (Food and Drug Administration- FDA ) của chính phủ liên bang Hoa Kỳ phân định rõ ràng thuốc cần toa bác sĩ và thuốc bán tự do.
Thuốc được bán với những tên khác nhau, nhưng căn bản dược hóa chất vẫn là một.
Khi viện bào chế khám phá ra một chất hóa học có giá trị chữa bệnh, họ bèn đặt cho nó một cái tên riêng(biệt dược), như đã trình tòa (Brand name ), độc quyền bán thuốc này ít nhất trong dăm năm.
Sau thời gian đó các viện bào chế khác tự do chế hóa chất đó thành dược phẩm cùng có công dụng nhưng dưới tên chung (generic ), nhiều khi mang tên khoa học của hóa chất. Thuốc generic rẻ hơn từ 25 tới 80 % và công hiệu tương đương với biệt dược.
Nhưng giới tiêu thụ thì vẫn thích biệt dược hơn, vì họ cho là tốt hơn. Tên của thuốc tên riêng thường ngắn, gọn, dễ nhớ và được quảng cáo rộng rãi, tốn kém rất nhiều nên bán với giá cao hơn. Do đó bảo hiểm cũng như thẻ khám bệnh người già, người kém lợi tức thường khuyến khích bác sĩ biên thuốc tên chung.
Dươc ïphẩm được bào chế dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thuốc có thể là để chích thịt, dưới da, mạch máu, khớp xương, có khi chích thẳng vào tim.
Thuốc uống thì hoặc là viên, nước.
Có thuốc để dưới lưỡi, xịt mũi, miệng tác dụng rất mau.
Có thuốc dán trên da, hóa chất ngấm thẳng vào mạch máu, hay thuốc nhét hậu môn, cửa mình.
Lại còn thuốc nhỏ lỗ tai, con mắt, thuốc mỡ, thuốc nước bôi ngoài da.
Hình thức khác nhau nhưng chúng có cùng công hiệu và có những tiện lợi tùy theo loại thuốc và bệnh trạng.
Nhiều khi uống viên thuốc vào, nó chặn ở họng hoặc vì hòa tan, nó làm sót đau thực quản nơi ngực, ta có thể dùng mẹo như sau: trước khi uống thuốc, làm trơn cuống họng với một ngụm nước,nuốt thuốc với một miệng đầy nước rồi sau đó uống chừng 1/2 ly nước cho thuốc trôi xuống bao tử.
Nên đứng hoặc ngồi để uống thuốc và giữ vị thế này trong vài phút trước khi nằm để tránh trường hợp thuốc dội ngược lên miệng.
Kết luận
Sir Wiiliams Osler, người thầy thuốc kiêm giáo sư Y khoa nổi danh của Gia Nã đại, có nhận xét : “Sự muốn dùng dược phẩm có lẽ là một đặc trưng lớn nó phân biệt con người với loài vật”.
Nhưng, để sự xử dụng này được công hiệu như ý muốn và tránh được tác dụng không tốt, cần có sự hợp tác chân tình giữa bệnh nhân với bác sĩ, dược sĩ và sự hỗ trợ của gia đình người bệnh.