TÌNH BẰNG HỮU-BẠN GIÀ
Tục ngữ Mỹ có câu nói: ”Tiếp tục kiếm thêm bạn mới nhưng hãy duy trì bằng hữu cũ, vì bạn mới là bạc mà bạn cũ lại là vàng”.
Cụ Nguyễn Đình Chiểu của chúng ta trang trọng bạn xưa với:
" Trong đời mấy bậc cố tri,
Mấy trang đồng đạo, mấy nghì đồng tâm"
Nhà thơ Lê Đại Thanh viết:
“Bạn là một nửa bản thân tôi
Nửa da thịt,nửa trái tim ,khối óc”
Nhiều người tuổi cao cũng có chung ý nghĩ là, khi về già, ngoài việc có một sức khỏe tốt, một gia đình êm ấm, thì tình bạn lâu năm là một hành trang quý giá mà họ đã mang theo được cho tới giai đoạn cuối của cuộc đời.
Bạn hữu là gì?
Hiểu theo nghĩa thông thường, bạn là một nhóm người không có liên hệ ruột thịt, gắn bó với nhau qua những tương đồng về hoàn cảnh sinh sống.
Họ đến với nhau trong tâm đầu ý hợp, bằng kết nối những tâm tư, những nguồn giao cảm gần giống nhau.
Họ thân với nhau để chia xẻ vui buồn, để cùng thực hiện những hoài bão chung, để nương tựa lẫn nhau.
Họ hiểu nhau, tin tưởng nơi nhau, thích nhau. Đây là một gắn bó của sự thủy chung và thương yêu vị tha và lâu dài. Với nhau, họ là người đồng hành, là người tin cậy.
Bạn hữu khác với người quen biết, gặp nhau trong sinh hoạt hàng ngày như ở sở làm, trong cộng đồng, ngoài lối xóm. Đó chỉ là những tiếp xúc trong một thời gian giới hạn và cần thêm nhiều lôi cuốn khác nữa để chuyển sang tình bằng hữu.
Trong đời sống hàng ngày, nhiều khi người ta đã lạm dung chữ bạn. Mới gặp nhau vài lần mà đã nói đó là bạn tôi, cứ như là thật. Ông chủ lấy lòng nhân viên, sai bạn ơi làm hộ tôi cái này, sao mà ngọt như mía lùi.
Bạn hữu thường tập trung vào mấy nhóm.
Một số người có tinh thần độc lập, tự cho là không cần ai. Không phải họ sống cô độc. Nhưng, với họ, những giao tế qua lại thường nhẹ nhàng, có cũng được mà không cũng chẳng sao. Rồi tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhu cầu, nếu cần thì giao tiếp , sau đó có thể quên đi cũng được. Họ sống với hiện tại và thỏa mãn với những người mà họ mới gặp hay đã có sẵn. Cho nên khi mất một giao hữu, họ cũng chẳng tiếc mấy.
Những người kỹ tính, lựa bạn mà chơi thì có gắn bó sâu đậm đặc biệt với một số người mà họ coi là rất thân, nên họ buồn tiếc khi mất. Còn những liên hệ khác thì chỉ là những thiển giao, quen biết nhiều hơn là kết bạn. Họ sống nhiều với bạn xưa và không muốn tìm bạn mới khi tới tuổi cao.
Người hiếu bạn có nhiều bằng hữu hơn: bạn quen từ những năm trước, bạn mới tạo ra sau này. Họ là những người sống với cả quá khứ, hiện tại trong tình bạn và sửa soạn cho tương lai với nhiều bạn bè. Họ luôn luôn dùng giao tế nhân sự để kiếm thêm bạn mới.
Nhiều nhà xã hội học phân biệt bằng hữu tương nhượng, bằng hữu tiếp thu và bằng hữu trong hợp tác.
Khi đôi bên cho nhau lòng trung thành và tình thương yêu thì có sự cân bằng của tình bạn, đôi bên nương tựa lẫn nhau.
Khi chỉ có một bên cống hiến tất cả và bên kia không đáp lễ thì chỉ có tình bạn một chiều.
Khi chỉ hợp tác vì một quyền lợi, một mục đích mà không có thương yêu, chung thủy thì giao tế không bền lâu và rất giới hạn.
Đặc điểm của bằng hữu.
Khác với tình anh em, vợ chồng, tình bạn hữu có những sắc thái riêng biệt. Đây là một giao hảo có tính cách tự nguyện, một ràng buộc riêng tư do đôi bên thương lượng, một liên hệ qua lại trong tinh thần bình đẳng và mang nhiều thiện ý, cảm tình tốt.
Vì tự nguyện với có quyền lựa chọn và được chọn lựa nên không ai bắt buộc ai phải là bạn. Nó cũng không có ràng buộc pháp lý như tình nghĩa vợ chồng, hoặc lễ nghĩa huyết tộc như tình anh chị em ruột thịt.
Cho nên dù có liên hệ huyết mạch, người cùng lối xóm, cùng sở làm mà không có tương khí tương đồng thì cũng không trở nên bằng hữu được. Ta có thể tỏ ra hết sức lịch sự với người cùng phòng, cùng sở nhưng không có điều gì bắt buộc ta phải thích và là bạn người đó. Ta không thể tự coi là bạn của một người khi ta không biết người đó có sẵn sàng nhận ta là bạn không. Một nhà văn Pháp đã nói: “ cha mẹ là do số phận, bạn bè do lựa chọn ”.
Bình đẳng vì tình bạn xây dựng trên cá nhân mỗi con người. Nó không đòi hỏi sự bằng nhau tuyệt đối về học vấn, về địa vị trong xã hội, về sự giàu tiền, lắm bạc như nhau, thành công như nhau. Đã có nhiều tình bạn nẩy nở giữa chủ và thợ, giữa thầy và trò, giữa người giàu và người nghèo.
Tình bạn cũng tôn trọng tính cách độc lập của nhau: mỗi bên có nếp sống riêng tư , tự do quyết định cho đời sống của mình mà không bị bên kia can thiệp. Không có sự áp đặt như chủ với nô lệ hay khuất phục như lãnh chúa độc tài với thần dân.
Trong tình bạn, đôi bên dành cho nhau những cảm tình tốt, những chăm sóc, quan tâm tận tình, những giúp đỡ khi cần và sự rộng lượng, sẵn sàng với nhau. Thiện ý này không đưa đến sự lợi dụng nhau hoặc phụ thuộc nhau. Người giúp thấy thoải mái làm mà không cho là có bổn phận hoặc bị bắt ép phải làm, mà người nhận không bị ám ảnh là đã đòi hỏi quá nhiều ở bạn.
Khi đã phụ thuộc vào nhau thì sự tự do, bình đẳng không còn nữa. Một tình bạn đích thực không những chỉ cởi mở để cho mà còn vui vẻ để nhận.
Tình trạng sẵn sàng với nhau cũng là căn bản của bằng hữu và trong tình bằng hữu, không có sự ghen tị mà còn cần chung thủy, thành thật với nhau, không mầu mè, che đậy.
Để có bằng hữu
Tình bạn có thể được xây dựng trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào của con người.
Căn bản là ít nhất họ có cùng một thôi thúc tình cảm, có sự chia xẻ trao đổi những ý nghĩ giống nhau, có cùng sở thích, cùng quyền lợi. Trong tình bạn tuy cũng có những khác biệt nhưng khác biệt này bổ túc cho nhau. Nếu hoàn toàn giống nhau thì đâu còn đối thoại, đồng cảm.
Bạn thường tìm thấy trong các nhóm có chung sinh hoạt: học cùng trường, ở cùng khu phố, làm cùng nghề, cùng thú vui giải trí, cùng lui tới cơ sở tôn giáo. Nó nẩy sinh ở những lứa tuổi khác nhau. Nhóm trung niên có lợi điểm là có bạn ở mọi lứa già trẻ trong khi người già có bạn ở cùng lứa tuổi hoặc trẻ hơn.
Về giống tính thì thường thường đàn ông đàn bà đều có nhiều bạn như nhau, nhưng chồng thì không hay tâm sự nơi bạn mà tin cẩn vợ hơn, còn vợ thì có nhiều bạn gái để tâm sự ngoài chồng mình.
Bằng hữu nẩy sinh trong những thôi thúc tình cảm giữa hai người. Thôi thúc càng cao thì bằng hữu càng sâu đậm.
Một câu hỏi thường được nêu ra là tại sao ta có ước muốn gắn bó với đối tượng này mà lại hững hờ với đối tượng khác. Có những tình bạn xuất hiện như tia chớp trên nền trời xanh: mới chỉ gặp một vài lần, chưa biết quá trình, hiện tại của nhau nhưng đã có cảm tình cho nhau, đã muốn được có bạn và được nhận là bạn. Ý thức chưa thấy gì, nhưng tiềm thức đã nhận ra và tiên đoán là nhiều triển vọng tình bạn sẽ nẩy nở sau này.
Sự chèo kéo, nài nỉ không đưa tới tình bạn, như các cụ ta nói: “thấy sang bắt quàng làm họ .”
Đồng nghiệp, đồng sở không đương nhiên thành bằng hữu vì đây chỉ là giao tế khách quan, không vượt qua lãnh vực nghề nghiệp.
Một vấn đề tế nhị là sự xét đoán và chấp nhận trong tình bạn: nhận xét một cách khách quan về việc làm của bạn hoặc chấp nhận và hỗ trợ vô điều kiện. Đa số đều kỳ vọng có sự chấp nhận không phê phán từ bạn mình. Một số khác lại tin cậy ở nhận xét của bạn để quyết định và để học cách hành xử trong hoàn cảnh mới. Như vậy mặc dù con người không thích bị đánh giá, nhưng một nhận xét chân thành của bạn có thể có ích cho họ.
Bạn Già
Giống như lúc mới sinh và trong thời còn thơ ấu, tuổi già chịu một số phận không mấy vui là phải phụ thuộc vào người khác sau khi đã có nhiều mất mát.
Nhưng, thay vì vươn ra khỏi sự phụ thuộc như lớp tuổi thơ thì người già lại đi sâu vào vòng phụ thuộc. Họ không còn làm việc, bị giảm lợi tức, con cái đi ở riêng, mất dần bạn bè, người thân yêu kém sức khỏe, bệnh hoạn. Cho nên về già mà có được những bạn cố tri thân thiết hoặc tạo thêm ra những bạn mới để nương tựa lẫn nhau là một điều rất an ủi.
Nhiều người cho rằng dù họ hàng thân thuộc có giúp đỡ nhưng bằng hữu thường gần gũi nhau hơn. Và có những điều mà chính người phối ngẫu không cung ứng được bằng những bạn cố tri. Họ đã cùng vui buồn có nhau khi xưa mà bây giờ già rồi vẫn còn có nhau. Họ nương tựa lẫn nhau để có bàu bạn, hiểu nhau để giúp đỡ lẫn nhau. Họ lắng nghe nhau tâm sự, kể lại cho nhau những kỷ niệm, những việc đã cùng làm. Họ đối xử, xưng hô thân mật như mấy chục năm về trước
Thường thường người già muốn có những người bạn cùng lứa tuổi, có hoàn cảnh như nhau, sở thích kinh nghiệm như nhau, sống gần nhau để thuận tiện qua lại. Nhưng họ cũng có khuynh hướng là tạo thêm bạn mới ở lứa tuổi trẻ hơn để thay thế vào chỗ của những người bạn cùng tuổi sẽ lần lượt ra đi. Cũng có người già tập trung nuôi dưỡng bạn cố tri, giới hạn trong việc tìm thêm bạn mới để tiết kiệm sinh lực và để tránh gặp những trái ý không cần thiết.
Về già cũng có một số hoàn cảnh khiến tình bạn gặp trở ngại.
Kém sức khỏe khiến không cùng nhau sinh hoạt; phụ thuộc vào bạn trong các sinh hoạt hàng ngày. Nếu sự phụ thuộc quá nhiều khiến đôi khi bạn cũng thấy khó chịu, xa dần. Rồi người già rơi vào cảnh cô lập, nhất là khi giảm khả năng đối thoại với tai nghễnh ngãng, mắt kèm nhèm.
Cũng nhiều người già không có thì giờ nhiều cho bạn bè vì phải dành thì giờ chăm sóc cho sức khỏe của mình, dành thì giờ để nghỉ ngơi. Ngoài ra, có trường hợp trong đó khi dư giả thì bạn bè năng tới lui, mà nghèo khó thì lại vắng kẻ tới lui.
Tình nghĩa vợ chồng già dù như đũa có đôi, nhưng cũng nên có những bạn riêng để phòng hờ thời gian cô góa.
Khi mất người phối ngẫu, lão nam cảm thấy cô đơn nhiều hơn vì đã mất người bạn tâm tình quan trọng nhất. Bình thường các cụ bà có nhiều bạn tâm tình trong suốt cuộc đời. Nhưng khi chồng chết, thì cụ bà thấy quan hệ với bạn cũ của vợ chồng giảm dần. May mắn là họ dễ dàng tạo thêm bạn mới, giao hảo mới bằng cánh tham dự vào nhiều sinh hoạt côïng đồng, tôn giáo. Đa số bạn của các cụ bà khi đó là cô quả vì đồng cảnh tương lân, chỉ có một số nhỏ có gia đình.
Cho nên khi còn sống với nhau mà bà vợ không chịu giao tế tạo bạn cho mình thì khi góa sẽ có nguy cơ cô đơn nhất là chẳng may khả năng tài chánh lại không được dồi dào.
Kết luận
Mặc dù có thể có những căng thẳng, những thay đổi ngoài tầm kiểm soát, tình bạn vẫn giúp người già cảm thấy vui lên rất nhiều. Cho nên mất một bạn cố tri là một tai biến vì nhiều người già cảm thấy không còn đủ thời gian để thay thế chỗ trống tình cảm đó.
Hơn nữa, như Simone de Beauvoir đã viết:” Cái chết của bạn thân thiết là sự đoạn tuyệt đột ngột với quá khứ của mình. Chúng ta không những mất một sự hiện diện mà còn mất cả một phần của cuộc sống mà chúng ta đã gửi gắm nơi họ.