NGUYỄN Ý ĐỨC

KHÔNG ĐỀ

            Khi tiếp xúc với quý vị cao niên, cũng như gia đình và bạn bè họ, vì nghề nghiệp hay qua giao tế trong đời sống hàng ngày, chúng tôi được nghe nhiều mẩu ưu tư, nhiều lời tâm sự cuả tuổi về già. Có những vị về già với phong cách, thoải mái thì cũng nhiều vị gặp một số khó khăn, thử thách. Chúng tôi xin ghi lại sau đây một vài tâm sự.

            Vợ chồng già.

            Một lão bà than phiền là lão ông ít lâu nay trở nên khó tính, hay gắt gỏng với bà vì những lý do không đáng gắt gỏng, nhưng khi gặp bạn bè thì ông ấy tươi vui như tết. Bà cũng buồn là ông vẫn sống theo lối cổ điển, chồng chúa vợ tôi, không chịu tiếp tay với bà làm một vài công việc trong nhà. Hai ông bà đã cử hành lễ bạc được 17 năm, chỉ còn tám năm nữa thì con cháu sẽ tổ chức lễ vàng mừng ông bà, nếu mọi sự đều êm đẹp.

            Trường hợp trên rất thông thường trong nhiều cặp vợ chồng người cao niên. Giữa hai người, đã có những điều không bằng lòng, những bất đồng không giải quyết, nhất là từ khi ông về hưu, các con đã thành đạt, ở riêng. Thời gian ông còn đi làm, bà hầu như quán xuyến mọi việc trong nhà, theo đúng truyền thống người đàn bà Việt Nam: chịu đựng và hy sinh. Bây giờ, ông tuy  về hưu, nhiều thì giờ rảnh rỗi, nhưng phong lưu quen thói, chỉ thích giao du với bạn bè. Bà buồn tình bèn cầu cứu hỏi ý kiến các con.

            Cô con gái út vốn tếu, hù mẹ, “coi chừng bố có đào nhí đấy mẹ ơi”. Anh con trai lớn cho là bố mẹ hiện đang trải qua một khó khăn do không có sự đối thoại, cảm thông, giải quyết bất đồng ý kiến. Mẹ vốn chịu đựng nhưng đã tới lúc không kham  được nữa, nhưng mẹ không chịu nói cho bố hay. Còn bố thì bực mình vì rủ mẹ đi đây đi đó, mẹ chẳng chịu đi. Cô thứ hai gợi ý bố mẹ đi tham khảo nhà chuyên môn. Để chiều  các con cũng như muốn lấy lại cái vui vẻ có nhau trên bốn chục năm qua, ông bà đồng ý.

            Từ đó, khi có chuyện gì bực với ông, bà mạnh dạn nói thẳng với chồng để có sự thông cảm. Nếu không nói cho nhau hay sự khác biệt thì chẳng bao giờ có tâm an. Ông phải nói ra ý kiến của mình, bà cũng vậy, đó là cách hữu hiệu để giải tỏa ấm ức trong lòng. Hai người cũng thỏa thuận là nếu một người “ nổi tam bành “ thì người kia “ một sự nhịn là chín sự lành”, im đi cho qua cơn sóng gió rồi tính sau. Chứ hai người cùng nóng nẩy một lúc thì chỉ có tan hoang cửa nhà. Vả lại, mình nhịn vợ nhịn chồng  mình chứ sức mấy mà nhịn người hàng xóm. Ông chạy ra chợ mua gói bánh phở, mớ rau, giúp bà rửa bát. Về hưu, nhiều thì giờ trống, làm việc nhà giúp vợ cũng là điều hợp lý, công bằng, đồng thời chứng tỏ rằng ta còn hữu dụng.

Mà khi chồng làm thì vợ đừng: gớm sao mà bát còn dính  mỡ, rau còn nhiều đất. Kẻo chàng giận lẩy, thì bà làm lấy đi. Bà cũng dành thì giờ đi đây đi đó với ông, lâu lâu vợ chồng đi nghe nhạc , nhẩy đầm. Hai người còn tăng số thời gian để đi lễ,  đi thăm con cháu, chăm sóc sức khỏe cho nhau. Đồng thời cũng không sao nhãng những cuộc mây mưa nhẹ nhàng, vừa lợi ích sinh lý, vừa tăng phần mật thiết tình già.

            Nói cho cùng lý, ngay trong những cuộc hôn nhân toàn hảo nhất, lâu dài nhất, rất hiếm có sự hợp ý  về mọi vấn đề. Với hôn nhân, sẽ liên tục có những thương lượng để đi đến thoả thuận, nhân nhượng, hoà giải để có an vui, cũng như cùng chia sẻ những sự thực để có thông cảm. Đôi khi cần có khoảng thời gian ngắn xa cách nhau để hương gây mùi nhớ.

Tác giả A.J. Liebling đã phát biểu: người sành ăn phải không giầu quá hoặc nghèo qúa. Vì có nhiều tiền anh ta sẽ mua ăn lãng phí, không thưởng thức. Mà nghèo qúa thì không có tiền mua thức ăn ngon. Về già cũng vậy, thường xuyên gần nhau thì dễ chán vì no nê. Ít đi một tý sẽ gây thèm nhớ, thiếu thốn.

 

            Chuyện khoảng cách giữa bố mẹ-con cái.

            Tâm sự tiếp là mối liên hệ giữa hai ông bà Lan với các con.

Ông bà năm nay cũng gần bẩy chục tuổi, được một  trai hai gái, và ba cháu nội ngoại. Các con đã trưởng thành, có công ăn việc làm tốt. Ông bà đã hy sinh rất nhiều trong công việc học hành cũng như dựng vợ gả chồng cho các con. Bây giờ, tuy chúng đã lớn, ông bà vẫn để ý chăm sóc, giúp đỡ, nhắc nhở các việc cần làm. Ông bà vẫn nghĩ là dầu sao chúng vẫn là con mình, còn thiếu kinh nghiệm trường đời, nên còn cần đến ông bà. Ông bà cho việc chăm sóc này là tự nhiên, cũng như trước đây ông bà đã được các cụ thân chăm sóc, gây dựng cho mình. Ông bà rất hãnh diện với bạn bè về sự thành đạt của các con, do bàn tay mình tạo ra.

            Mấy người con thì rất cảm ơn bố mẹ, nhưng không được vui lắm. Họ cho là bố mẹ vẫn coi họ còn con nít, cần nhiều lời khuyên dậy, hướng dẫn, đôi khi quá  xen lấn vào đời tư của họ.

Cụ ông thì nhắc nhở phải mua bảo hiểm xe hai chiều cũng như nhớ ngày xin gia hạn bằng lái xe.Thấy con trai hơi mập, cụ nhắc phải ăn kiêng khem, tập thể thao. Khi con về thăm quê hương là hai cụ viết ra cả một danh sách dài mấy trang giấy: phải mang quần áo gì, quà cáp cho ai, đừng quên  thuốc ngừa tiêu chẩy, cảm cúm, tên họ bà con, gặp bác này nói gì, cô kia hỏi thăm ra sao...

Con gái mang cháu về thăm bố mẹ, thì cụ bà chỉ cho con từ cách thay tã tới cho cháu bú...Bà lên thăm cháu thì lau chùi tủ lạnh, sắp lại thực phẩm ở nhà kho, đôi khi còn tự động thay đổi phòng ngủ của  cháu. Cứ làm như nhà mình, chẳng quan  tâm gì đến ý kiến của con gái và rể...

Các con  nghĩ là bố mẹ đã quá che chở, bảo vệ con, không hiểu rõ các con, không thấy những khó khăn mà các con đã tự vượt qua, mà chỉ chờ có cơ hội là khuyên nhủ, chỉ dẫn. Các con muốn được có dịp chia xẻ mọi việc với bố mẹ mà không bị phán xét, hoặc “ con làm thế không được, con phải làm thế này, bố biết rõ mà “.

Nhiều khi các con muốn thật cởi mở với cha mẹ mà cứ sợ cha mẹ phật ý. Họ muốn cha mẹ cư xử với mình như một người bạn trưởng thành, chứ không phải đứa bé đầu còn để chỏm, mặc quần thủng đít. Cũng xin đừng  có ý muốn kiểm soát, thay đổi nếp sống của con.

            Ngoài vài mâu thuẫn kể trên, mối liên hệ giữa ông bà Lan và các con rất hòa thuận. Liên hệ này là do tình yêu thương của các cháu với cha mẹ, và do các cháu muốn vậy chứ không phải vì bổn phận. Các cháu vẫn nghĩ là mối liên hệ gia đình cần được duy trì và làm toàn hảo hơn, vì các cháu không từ bỏ được cha mẹ và không muốn sau này mang niềm tiếc hối .

            Nhân tình huống trên, có người đặt vấn đề là liệu các con có nợ, có bổn phận hay chịu ơn bố mẹ ở một khía cạnh nào không hay ngược lại.                                                         Đã có thời kỳ con cái  được coi như sở hữu của cha mẹ, sống và làm việc phụ giúp cho cha mẹ trong dịch vụ thương mại, canh nông ...của gia đình. Trưởng thành được cha mẹ dựng vợ, gả chồng, cung cấp cho một số vốn để làm ăn, một cơ ngơi nhỏ để ở. Con hầu như phụ thuộc vào cha mẹ, nên có khái niệm công ơn sinh thành dưỡng dục và bổn phận đối với cha mẹ. Và quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con” phát sinh. Do đó, con cái phụng dưỡng cha mẹ nhiều khi vì bổn phận, trả ơn, nhiều hơn là vì yêu thương. Chúng sợ bị mang tiếng là bất hiếu, vô ân.                                                            Cũng có xu hướng cho là con cái không mang nợ gì với cha mẹ. Khi chọn lựa có con vì bất cứ lý do nào, ( nối dõi tông đường, vui cửa vui nhà, thêm nhân lực....) thì cha mẹ đã mang cái trách nhiệm nuôi chúng cho tới khi trưởng thành. Và chính cha mẹ mang nợ với con cái, cho tới khi chúng khôn lớn, tự lập. Khi về già, các bậc cha mẹ nếu có cần con tiếp đỡ thì các người cũng mong là do tình thương yêu, đùm bọc mà ra, chứ không do “ nuôi chúng, bây giờ chúng nuôi lại.”

 

            Ông già nói nhiều.

             Câu chuyện sau đây do Cụ Linh kể. Cụ cho biết là ông bạn già Tân hồi này trở thành  nhà hùng biện quá độ. Trong bất cứ cuộc họp mặt nào với anh em, ông cũng dành nói hết. Ông kể những việc ông đã làm khi Nhật cướp chính quyền, chuyện  đói năm Ất Dậu với bao nhiêu người chết, chuyện đào hoa của ông khi xưa với các thiếu nữ Hàng Gai, Hàng Đào v v...Có chuyện ông đã kể đi kể lại cả chục lần, người nghe phát ngán mà ông vẫn tỉnh bơ, nói tiếp.

            Cụ Linh mao tôn cương như sau: “Già Tân  mắc tật ba hoa”.

Mà chẳng riêng gì già Tân, nhiều vị cao niên cũng mắc tật này. Khi say sưa nói, già Tân không để ý là nhiều người khác cũng có chuyện để kể. Không ai ngắt lời già Tân, vì các cụ do thói quen được dạy từ nhỏ là  không ngắt lời người lớn tuổi. Già quên là ngoại trừ khi mình làm chủ nhân, khách đâu có trách nhiệm cần giữ câu chuyện cho liên tục, mà dành phần chủ động, đưa đà. Hơn nữa, chuyện mình kể có thể hấp dẫn với mình, nhưng với cử tọa  có mặt chưa chắc đã được tán thưởng,  nhất là khi có nhiều bạn trẻ tham dự. Và chuyện già nói đâu có gì mới lạ.

Cụ Linh cảnh giác là nếu cứ tiếp tục thì sợ rằng già Tân không còn cử tọa.

 

            Già dưới con mắt người trẻ.

Tập san Y Sĩ  của Hội Y Sĩ VN tại Canada có đăng bài phỏng vấn một đồng nghiệp ngoài 30 tuổi, chúng tôi thấy có vài ý kiến đáng lưu ý, nên xin trích đăng  sau đây để chúng ta cùng  suy gẫm.                                                                                                   Khi được hỏi: “ Giữa thế hệ già và trẻ thường có nhiều quan điểm bất đồng. Theo ý anh, một người ngoài 30 tuổi, đâu là những dị biệt đáng kể nhất?”         

 Đồng nghiệp 32 tuổi đã trả lời: “Giới trẻ thường than là các bậc cha anh của họ còn quy nặng về quá khứ, ít nhìn nhận hiện tại ( tỷ dụ sự tranh đấu khó khăn của họ để có chỗ đứng nơi đất khách quê người ) và không mấy tự sửa soạn ( ít ra về tâm lý ) để thích ứng với biến chuyển trong tương lai. Thế hệ trẻ thấy thế hệ cha anh đã chịu quá  nhiều ảnh hưởng cuả nho học, tư tưởng bị giam khóa trong “ khuôn vàng thước ngọc “ của  trật tự xã hội “ sĩ nông công thương” trọng người bạch diện thư sinh, khinh anh vai u thịt bắp, cảnh chân lấm tay bùn của kẻ thợ thuyền. Thời Pháp thuộc cũng đã cho họ một lối học từ chương, ít suy nghĩ và thực hành, thích hợp với việc đào tạo một thừa hành viên mẫn cán hơn là một doanh gia độc lập, có sáng kiến và biết quyết định nhanh chóng trong mọi thử thách. Thế hệ cha anh cũng quá trọng khoa bảng, chỉ biết căn cứ vào mảnh bằng để phán xét đạo đức và nhân phẩm con người. Một số lại ưa dùng sáo ngữ, thậm chí cả lộng ngôn ngoa ngữ để che đậy sự suy diễn nông cạn, sự tổ chức thiếu mọi điều nghiên cứu đứng đắn, hay những thực hành không thực tiễn hay thiếu tầm vóc , những điều mà ta ít thấy ở người Đại Hàn, Trung Hoa. Giới trẻ cũng thấy rằng thế hệ cha anh thường quy ngã ( egocentrique ) và chấp ngã. Khoan dung với khuyết điểm của mình, mà xét nét nghiệt ngã mọi sơ hở của người khác. Ngoài ra lại có óc thủ lợi gần, không có tầm nhìn xa và ưa dùng tiểu xảo để giữ quyền lợi ích kỷ và ý thức thường được giới hạn trong ranh giới gia đình, hoàn toàn thiếu các lý tưởng và ý thức xã hội “

            Người viết chỉ xin phép tác giả bài viết và  ban chủ biên Tập san Y Sĩ của Hội Y Sĩ Việt Nam tại Canada được trích đăng nguyên văn mà không có lời lạm bàn. Nhưng thấy vài ý kiến dường như cũng đạt tới tim đen của mình.

            Và mượn ý một đoạn trong nhật ký ngày 1 tháng 7, 1910 của văn hào Nga Leo Tolstoy để làm dáng cho tản mạn Không Đề này :

 “ Cuộc đời của ta là đi tìm sự thỏa  mãn. Có thoả mãn thể xác, sức khoẻ, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, tình dục. Những thỏa mãn này ở ngoài tầm kiểm soát của ta, có thể bị sự chết lấy đi bất cứ lúc nào, và không phải ai cũng có được. Nhưng còn những thỏa mãn khác về tinh thần, về  tình thương yêu tha nhân, mà ta luôn luôn  làm chủ, tử thần không cướp đi được, mà khi ta càng sống với nó thì đời ta càng đẹp hơn ”.

Hy vọng rằng có nhiều người cũng nghĩ như vậy.


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn