Giải đáp thắc mắc sức khỏe
Ông Vi Hùng ở Hàm Tân, Bình Thuận
Năm nay tôi 65 tuổi bị bệnh Tim mạch đã 10 năm; lại có cholesterol cao, thử máu cho biết bị rối loạn lipid máu; mới đây lại bị bệnh tiểu đường và đã uống Glucophage, Diamytron thì đường xuống mà khi ngưng thuốc thì đường lại lên.
Bác sĩ nói tôi bị rung nhĩ làm cho mệt từng cơn có khi mươi mười lăm ngày- xẩy ra một lần và kéo dài 24 tiếng mới hết . Khi hết cơn thì trong người thấy chóang váng khi đi đứng phải ngồi xuống không thì té. Khi ngồi xuống như vậy thì tôi trở lại bình thường.
Hiện giờ đang uống Atelonol, isosorbid , aspirin 81 mg uống mỗi ngày từ 10 năm nay.
Tôi vẫn t ập thể dục mỗi ngày, lại kiêng ăn chất béo, ngot theo lời bác sĩ
Mối quan tâm của tôi bây giờ là bệnh Tim không hết , mỗi tuần lên một lần có khi 24 giờ mới hết .
Xin bác sĩ cho tôi biết nguyên nhân lên rung nhĩ là như thế nào và bệnh tôi có chửa
Đáp:
Cụ hiện bây giờ đang mắc ba bệnh :bệnh tiểu đường, bệnh cao cholesterol và bệnh tim mạch với rung tâm nhĩ. Chúng tôi xin lần lượt góp ý với cụ cho từng trường hợp:
1-Theo như cụ nói thì bệnh tiểu đường đang được diều trị và mức đường được giữ ở mức bình thường với các thuốc Glucophage, Diamitron, nhưng khi ngưng thuốc thì đường lại lên cao. Xin thưa với cụ rằng: tiểu đường là bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng trầm trọng cho cơ thể nếu mức đường trong máu không kiểm soát được ở mức bình thường là dưới 120mg/100ml máu. Các biến chứng đó là suy thận, mắt mờ, giây thần kinh ngoại vi ở bàn chân thoái hóa. Thành ra chúng tôi đề nghị với cụ ba điều:
a- Uống một cách rất đều đặn, đúng liều lượng các thuốc mà hiện thời bây giờ bác sĩ đang biên toa cho cụ. Xin cụ nhớ cho là chỉ ngưng thuốc một ngày là đường trong máu lại lên cao ngay.
b- Xin cụ tiếp tục vận động cơ thể đều đặn, hợp với tình trạng sức khỏe của cụ. Sự vận động cơ thể này cũng đốt bớt đường trong máu rất nhiều. Cụ có thể đi bộ mỗi ngày chừng 15 phút tới 30 phút là đủ rồi.
c- Giới hạn các chất ngọt như đường trắng vì đường này lan vào máu rất nhanh sau khi ta ăn, nên làm đường lên cao. Cụ có thể dùng nhiều trái cây hoặc một ít đường nhân tạo.
2-Về cholesterol mà cụ nói là cao, thì cụ không cho biết cao bao nhiêu. Xin nhắc lại mức cholesterol lý tưởng là dưới 200mg/100ml máu; cholesterol xấu LDL dưới 130mg/100ml; HDL tốt phải trên 45mg/100ml máu. Khi bị rối loạn lipid máu thì có nhiều nguy cơ bị các bệnh tim mà vữa xơ động mạch là khởi điểm. Mỡ béo sẽ đóng trong thành động mạch, cản trở sự lưu thông của máu mang chất bổ dưỡng nuôi cơ thể. Rồi nếu vì một lý do nào đó mà một mảnh bựa chất béo tách khỏi thành mạch máu, chạy lên não sẽ gây ra tai biến động mạch não , nghẹt ở tim nó gây ra kích xúc tim. Thành ra chúng tôi đề nghị với cụ xin bác sĩ đo lại cholesterol trong máu. Nếu còn cao thì xin thuốc uống để hạ cholesterol. Các thuốc hạ cholesterol bên Việt Nam mình có nhiều lắm và công hiệu như thuốc bán ở nước ngoài. Một điều nữa chúng toi cũng muốn lưu ý cụ là cụ cần giảm ăn các chất béo động vật, thay bằng dầu thực vật như dầu olive, dầu ngô bắp; ăn cá thường xuyên, ăn nhiều chất xơ trong rau trái cây và vận động cơ thể. Nếu cụ hút thuốc lá, uống nhiều rượu thì cũng xin cụ ngưng.
3-Cụ quan tâm nhiều tới bệnh Rung tâm nhĩ mà cụ hiện đang mắc phải. Chúng tôi xin nói rõ thêm.
Tim của ta có bốn ngăn: hai ngăn nằm ở trên gọi là tâm nhĩ, hai ngăn dưới gọi là tâm thất. Khi các ngăn của tim co bắp nhịp nhàng với nhau thì tim làm việc hữu hiệu để mang máu nuôi cơ thể. Khi tâm nhĩ bóp không hiệu quả và không đúng nhịp với tâm thất thì ta có rung tâm nhĩ. Sự rung nhĩ này có thể xẩy ra thành từng giai đoạn với thời kỳ tim dập bình thường. Như trường hợp cụ kể: mỗi tuần lên một lần kéo dài tới 24 giờ đồng hồ, khiến cho cụ rất mệt, chóng mặt, muốn xỉu.
Rung nhĩ xẩy ra có thể khi tim bình thường hoặc khi ta có một số bệnh như bệnh động mạch vành, bệnh thấp tim, rối loạn chức năng của van hai lá( mitral valve), viêm màng bao tim, hoặc do cường tuyến giáp..
Cái nguy hiểm của rung nhĩ là máu không được bóp ra hết ở tâm thất, có thể đóng cục ở đây mà khi bung ra có thể chạy lên não, lên phổi và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Bệnh này cần được bác sĩ chuyên khoa tim khám, thử nghiệm , đo tâm điện đồ, làm siêu âm tim, chụp X quang tim và mạch máu
Khi đã định bệnh thì việc điều trị nhắm vào nguyên nhân gây ra bệnh.
Để điều hòa nhịp tim, có nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó có các thuốc cụ đang dùng. Các thuốc này cần được theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa vì có nhiều tác dụng phụ cũng như liều lượng thay đổi tùy theo bệnh nặng hay nhẹ.
Xin đề nghị với cụ: gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch, tiếp tục uống thuốc. Bệnh của cụ có thể điều trị được nếu gặp được thầy thuốc giỏi và nếu cụ làm theo lời dặn của bác sĩ.
Chúc cụ bình an.
Câu hỏi:
Tôi bị lãi kim trên ba chục năm. Trước đây chỉ buổi tối lãi mới ra hậu môn , đôi khi phải bắt bây giờ lãi ra suốt ngày. Tôi đã dùng hàng chuc loại thuốc mà vẫn không hết. Vậy xin bác sĩ cho hay có thuốc gì khác không?
Đáp:
Ông không cho biết là trong gia đình còn ai bị bệnh lãi kim này hay không, vì thường thường bệnh lãi kim lan truyền cho mọi người trong gia đình, nhất là ở trẻ em. sống ở vùng có khí hậu ôn hòa. Sán này thường xuất hiện ở hậu môn, và thường vào ban đêm, như trường hợp của ông. Sán cái đẻ trứng ở hậu môn, và khi sán bò thì ta thấy ngứa và đưa tay gãi. Thế là trứng dính vào tay và nếu vô tình ta đưa lên miệng là trứng lại xâm nhập cơ thể, tăng trưởng thành sán con. Trứng cũng rơi vãi ra quần áo, bàn ghế, đồ chơi mà khi ta đụng vào rồi đưa tay lên miệng là lại mắc bệnh. Trứng có thế sống trên các vật dụng kể trên tới ba tuần lễ trong nhiệt độ bình thường.
Người mắc bệnh sán kim thì đôi khi không thấy triệu chứng gì. Nhiều khi thấy ngứa ở hậu môn, hoặc cửa mình nữ giới; đau bụng ngầm ngầm, khó ngủ.
Bệnh của ông đã có từ trên ba mươi năm và ông đã dùng hàng chục loại thuốc mà không khỏi. Giá kể ông cho chúng tôi biết đó là những thuốc gì tđể chúng tôi góp ý thì tốt hơn. Tuy nhiên, các thuốc mà ở bên Mỹ dùng là: Mebendazole, Pyrantel pamoate. Một điểm rất quan trọng là tất cả mọi người trong gia đình đều phải uống thuốc thì mới có hy vọng tiêu diệt sán kim. Xin ông hỏi bác sĩ gia đình coi là ông đã dùng các thuốc này chưa. Ngoài ra cần giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch sẽ, tránh đừng gãi hậu môn. Nếu ngứa có thể bôi loại kem chống ngứa vài ba lần trong ngày. Các vật dụng như quần áo mùng mền cần được tẩy sạch trứng sán bằng nấu trong nước nóng, phơi khô.
Xin cảm ơn ông đã nêu câu hỏi với đài Phát thanh Tiếng nói Hoa Kỳ.
Hỏi.
Ba cháu lúc 27 tuổi đi bộ đội hay sốt giảm nhưng gần đây da mặt nám đen
Có phải do thuốc khi ở bộ đội
Mang tai phía dưới xưng cục to quai bị. bên to bên nhỏ không đau không sốt . Anh ấy chưa khám bác sĩ năm nay 36 tuổi phát bệnh bên to nhỏ được 4 năm. không đau nhức. da mặt nám đen
Sức khỏe bình thường
Bộ đội thì ốm có 50 kí, giờ mập hơn lên được 65 kí.
u bướu?
Đi bộ đội bị sốt: bị rét rừng. Gan ảnh hưởng??
Đáp.
Chi tiết về bệnh của ông nhà mà bà kể không được nhiều lắm nên chúng tôi xin dựa vào đó để góp ý như sau:
Bà nói là ông ấy lúc 27 tuổi đi bộ đội hay bị sốt rồi bây giờ thì sức khỏe bình thường, lên kí và chỉ bị nám mặt. Bà thắc mắc là nám mặt có phải do các thuốc dùng khi còn ở bộ đội hay không. Xin thưa là: có thể khi xưa ông nhà bị sốt là có thể mắc bệnh rét rừng khi phục vụ quân đội, nay đây mai đó, trên rừng, dưới đồng bằng. Do đó các chức năng của gan có thể bị ảnh hưởng. Còn chuyện nám mặt thì nhiều người cứ nói là vì gan yếu mà ra. Tuy nhiên nám mặt cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác và nếu có nhiều thì xin bà đưa ông nhà đi khám bác sĩ, thử nghiệm máu.
Còn vấn đề xưng mang tai được 4 năm mà không đau, không sốt thì tôi không nghĩ đó là bệnh quai bị. Bệnh quai bị là bệnh cấp tính của tuyến nước bọt, rất hay lây gây ra do siêu vi khuẩn. Người bệnh lên cơn sốt, ớn lạnh, nhức đầu, mệt mỏi, ăn mất ngon, hàm rất đau và xưng to. Biến chứng của bệnh quai bị là viêm ngọc hành , viêm màng óc, viêm tụy tạng.
Trường hợp của ông xưng hàm. không đau đã bốn năm thì tôi nghĩ có thể là các bệnh khác như u bướu tuyến nước miếng trong vài bệnh về máu. Tôi đề nghị ông nên đi khám bác sĩ để được thử nghiệm, chụp hình X quang xương hàm., càng sớm càng tốt., ông nhé.
Hỏi
Nguyễn Ba Xê 80 tuổi Tân Thuận Đông, Cần Thơ.
Tôi bị bệnh cao huyết áp từ năm 1987, lúc đó tôi 63 tuổi . Trong 9 năm tôi tự dùng thuốc, không đi bác sĩ.
Năm 1996 tôi nhập bệnh viện cần thơ và bác sĩ đo máu thì huyết áp là 21/11.
Lúc đó tôi cũng không có triệu chứng gì như chóng mặt, ù tai
Sau 1 tuần lễ, bác sĩ cho tôi xuất viện và bác sĩ bảo bị Thiếu Mấu Cục Bộ Cơ Tim và bảo tôi đi tái khám bác sĩ ở bảo hiểm y tế.
Tôi đã uống thuốc 6 năm và huyết áp hiện nay đã ổn định 15/10.
Tôi đang uống thuốc NEFiPENE. Thuốc đó có hại không. Có tiếp tục được không Nếu cần hạn chế thì đổi thuốc gì
Trong bữa ăn hay sau khi ăn nhiều người có thói quen uống nước đá lạnh, trà rượu bia: uống như vậy thì tốt hay không tốt cho tiêu hóa . Cách nào là đúng. Xin cho biết.
Đáp.
Trước hết, xin mừng cụ đã một lần tai qua nạn khỏi: đó là vào năm 1996 khi cụ phải nhập viện Cần Thơ vì huyết áp lên tới 21/10. Tôi mừng cụ vì cụ không bị những biến chứng của bệnh cao huyết áp như tai biến động mạch não, kích xúc tim... Vì, người ta thường nói, cao huyết áp là tên sát nhân thầm lặng, nó đưa người bệnh tới tử vong lúc nào không hay. Cụ bị cao huyết áp từ năm 1987 mà lại không đi bác sĩ cũng như uống thuốc, tự chữa lấy. Cụ chữa bằng cách nào đấy, thưa cụ? Cao huyết áp thường diễn ra rất âm thầm, không triệu chứng và thường khám phá do tình cờ đo huyết áp thấy lên cao hoặc vì cao quá, gây ra biến chứng. Hiện nay huyết áp cụ xuống 15/10 thì chúng tôi thấy vẫn còn hơi cao đấy. Nếu xuống khoảng 13/8 thì tốt hơn.
Xin thưa với cụ là không có thuốc gì chữa rứt được cao huyết áp đâu. Thuốc chỉ giữ huyết áp ở mức bình thường để tim làm việc tốt. Khi mà ta ngưng thuốc thì huyết áp nó lại lên cao ngay. Thuốc cụ đang uống là loại tốt đấy. Cụ hỏi là thuốc uống lâu có hại không thì xin thưa rằng: thuốc là một hóa chất, nếu dùng lâu thì có thể có tác dụng phụ hoặc quen thuốc. Vì thế người bệnh phải thường xuyên được theo dõi bời người thầy thuốc để gia giảm liều lượng thuốc cũng như thay đổi thuốc khi cần.Có rất nhiều loại thuốc để chữa cao huyết áp và ở bên nhà cũng có đủ các thứ này.
Chúng tôi đề nghị với cụ: Nhớ đi tái khám đều đặn theo hẹn trước. Nhớ dùng thuốc đều đặn như bác sĩ dặn. Cho bác sĩ hay khi có tác dụng phụ nào đó của thuốc. Cụ nen vận động cơ thể một chút đế máu huyết lưu thông, xương thịt co giãn. Nếu cụ nhậy cảm với muối thì nên ăn lạt một chút. Nếu cân có quá nặng thì coi ăn uống vừa phải, cân bằng. Ăn nhiều rau và trái cây cho tiêu hóa dễ dàng. Tránh dùng quá nhiều chất mỡ động vật để cholesterol khỏi lên cao. Và giữ tâm thân an lạc, vui hưởng tuổi già bên con cháu, xóm làng.
Còn câu hỏi về uống nước lạnh trong bữa ăn thì: tùy theo thói quen của từng người và không có ảnh hưởng gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu trong khi ăn mà ta uống nhiều nước hoặc bia quá, thì sẽ mau no bụng và sẽ ăn ít thực phẩm đi. Tiếp diễn lâu năm có thể đưa tới suy dinh dưỡng.
Kính chúc cụ trường thọ và vui mạnh.