CÂU CHUYỆN THẦY LANG
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Nuôi con bằng SỮA MẸ HIỀN
"Nâng niu bú mớm đêm ngày
Công cha nghĩa mẹ coi tầy biển non."
Ca dao
Đã trên nửa thế kỷ mà cái hình ảnh đẹp đó vẫn còn in xâu trong trí nhớ của Vinh.
Hình ảnh người thím nằm vạch vú cho con bú trên một chiếc võng gai, vào một buổi trưa Hè tại miền quê Bắc Việt.
Đứa bé khoảng sáu tháng, tròn trĩnh như củ khoai, hồng hào như một trái bồ quân. Nó lim dim mắt, miệng ngậm một vú sữa, tay mân mê núm vú bên kia. Nó nuốt từng giọt sữa tươi mát từ bầu vú người mẹ.
Thím có sáu đứa con. Đứa nào thím cũng cho con bú sữa mình cho tới hơn một tuổi mới cai. Thím còn nhai cơm với thịt nạc mớm cho các con. Gọi là ăn trộn.
Bà nội Vinh vẫn thường nói "chẳng có gì tốt bằng sữa mẹ".
Nói tới việc nuôi con bằng sữa mẹ vào thời đại vi tính tiến bộ này thì có vẻ như chậm tiến chăng. Ngoài chợ, thiếu gì baby foods vừa tiện lợi, vệ sinh lại có đầy đủ chất dinh dưỡng. "Thì hà cớ gì phải ngồi vạch áo cho con bú, hở bác. Vừa mắc cỡ lại xấu người đi" Cô cháu tân thời của tôi nói vậy. Chả hiểu cô ta nói đùa hay nói thật.
Có lẽ chẳng phải một mình cháu nói vậy, mà có lẽ nhiều bà mẹ bây giờ cũng nghĩ như thế.
Ngày nay, chỉ vài tuần sau khi sanh là các bà mẹ đều phải trở lại với công việc làm ăn, không có nhiều thì giờ ngồi chờ con bú. Nên cái tập tục cao đẹp ôm con vào lòng, cho con bú cũng dần dần đi vào dĩ vãng. Nhất là với dân chúng thành thị.
Và nhất là tại các quốc gia văn minh, kỹ nghệ.
Tại Mỹ, cách đây trên nửa thế kỷ, có khoảng 65% trẻ sơ sinh được ôm bầu sữa mẹ. Đến cuối thế kỷ vừa qua thì con số trẻ em may mắn đó tụt xuống còn có 25%. Cũng có nhiều bà mẹ cho là mình ít sữa, không đủ cho con bú. Hoặc đau bệnh, kém sức khỏe. Nhưng cũng có nhiều người không được hướng dẫn về lợi ích của sữa do mẹ làm ra.
Từ thuở được làm người, Thượng Đế tín nhiệm giao cho phụ nữ cái trọng trách mang thai, sanh con rồi cho con bú sữa mình. Do đó họ mới có cặp nhũ hoa bầu bĩnh đầy ắp sữa mà người nam rất muốn nhưng Thượng Đế không ban cho.
Sữa mẹ là thực phẩm hoàn toàn thích hợp cho sự tăng trưởng của bé mới sanh. Sữa con bò mẹ có nhiều calcium và chất đạm khác cần cho bê mau lớn, biết đi. Còn con trẻ mình mới sanh lại cần tăng trưởng não bộ và giây thần kinh nhiều hơn. Nên sữa mẹ cung cấp những chất dinh dưỡng riêng cho nhu cầu này.
Các nhà dinh dưỡng đã nêu ra nhiều lợi điểm khi mẹ cho con bú sữa mình.
1-Về phương diện tâm lý, không có một sự kiện đẹp và cao quý nào bằng việc người mẹ trực tiếp truyền sự sống của mình qua những giọt sữa cho đứa con. Con nằm trong lòng mẹ hiền, hút từng giọt dinh dưỡng tinh khiết. Trong tiềm thức của nó, một biết ơn đã manh nha. Sự quyến luyến, tình thương yêu từ đó mà tăng. Đứa bé trưởng thành trong niềm tin:
" Công cha như núi Thái Sơn;
Sữa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra".
Mà mẹ cũng có những tiếp cận thường xuyên với con nhiều lần trong ngày. Sự ôm ấp vỗ về cung cấp những kích thích để con phát triển tình cảm. Mẹ con có nhiều cảm thông, thương yêu. Nên tấm bé con thường quyện lấy chân mẹ.
2- Sữa mẹ là nguồn thực phẩm thiên nhiên, hoàn toàn tinh khiết, rất tươi và lúc nào cũng được dự trữ ở nhiệt độ thích hợp, sẵn sàng khi con cần đến.
3- Về cấu tạo hóa học, sữa mẹ được chế tạo đặc biệt cho cơ thể con nít mà khoa học không sao làm giống hệt được. Sửa có đủ chất dinh dưỡng, từ đạm, béo, sinh tố, khoáng chất. Sữa mẹ lại dễ tiêu hóa và hấp thụ hơn sữa bò. Chất béo thuộc nhóm bất bão hòa nên ít rủi ro.
4- Sữa mẹ thường ít đóng cục hơn sữa bò nên ít khi gây ra táo bón, tiêu chẩy hoặc dị ứng .
5- Đặc biệt sữa mẹ có nhiều kháng thể chống lại một số bệnh tật. Các em được hưởng sự miễn dịch tự nhiên đối với các bệnh như tê liệt trẻ em, bệnh do vi khuẩn E.Coli, Salmonella, Shigella gây ra trong bộ máy tiêu hóa.
6- Bú sữa mẹ, em bé thường tự nhả núm vú khi no bụng. Như vậy tránh được trường hợp ăn quá nhiều vì mẹ pha bình sữa quá tay, ép con uống cho hết.
7- Cho con bú, mẹ cũng hưởng nhiều ích lợi. Mẹ bớt mập vì mỡ béo tích tụ trong khi mang thai được sử dụng, chuyển sang sữa. Đây cũng là cách ngừa mang thai vì sự rụng trứng, trở lại đường kinh chậm lại mươi tuần, có khi cả năm. Và còn giảm nguy cơ loãng xương, ung thư vú vào tuổi mãn kinh.
Trong khi bồi dưỡng cho con bằng sữa của mình thì người mẹ cũng cần lưu tâm tới việc dinh dưỡng đầy đủ cho chính mình. Mẹ phải tăng thêm khẩu phần thịt, cá, trứng, sữa, rau trái và các loại sinh tố, khoáng chất. Nước uống khoảng 2 lít mỗi ngày. để bù đắp lại số chất lỏng chuyển sang sữa.
Ngay sau khi sanh, nếu mẹ không uống thuốc, bé chào đời bình thường khỏe mạnh , thì có thể cho con bú mỗi bên vú vài phút. Những giọt sữa non (colustrum) rất là quý giá vì có nhiều chất bổ dưỡng cũng như kháng thể.
Tới ngày thứ hai, cho con bú mỗi vú dăm phút, cách nhau 4 giờ. Khi sữa lên nhiều thì có thể tăng lên 20 phút.
Bé càng hút núm vú, càng tăng kích thích tố prolactin và sữa càng lên nhiều. các cụ ta ngày xưa cho bà đẻ ăn cháo nấu chân giò lợn, lau vú bằng lá mít để có nhiều sữa.
Sữa mẹ con không bú hết, có thể hút, cất vào tủ đá đông lạnh, dùng dần.
Tuy là hoàn hảo, nhưng trong vài trường hợp sữa mẹ cũng không được cho con dùng:
1-Khi nhũ hoa mẹ sưng , nhiễm trùng, tác nhân gây bệnh có thể truyền sang con;
2-Mẹ mắc các bệnh trầm trọng như lao phổi, tiểu đường, bệnh tim, thận, thiếu hồng cầu hoặc thiếu dinh dưỡng;
3- Mẹ có bệnh tâm trí đang uống thuốc điều trị.
4- Khi em bé sanh ra có khuyết tật chẻ môi (cleft palate) hoặc biết là không hợp với sữa mẹ thì cũng không nên cho bú.
Riêng với dược phẩm thì hầu hết khi mẹ dùng đều chuyển sang sữa. Ảnh hưởng tùy theo loại thuốc, số lượng trong sữa và khả năng hấp thụ của em bé.
Khi dùng các thuốc sau đây thì không cho con bú: thuốc atropine, thuốc warfarin ngăn đông máu; thuốc chữa bệnh tuyến giáp; thuốc chữa ung thư; thuốc có chất á phiện; kháng sinh tetracycline, metronidazole và nhiều thuốc khác. Cần hỏi bác sĩ về cho con bú khi dùng bất cứ loại dược phẩm nào. Cafeine, nicotine được coi như vô hại, nhưng nếu quá nhiều thì sẽ có tác dụng không tốt tới em bé.
Con có khóc mẹ mới cho con bú.
Mà "bú tí " từ những giọt sữa tươi ấm của mẹ thì mẹ có cái vui làm mẹ. Còn con thì:
"Ba năm bú mớm con thơ
Kể công cha mẹ biết cơ ngần nào" Nguyễn Trãi.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas 10-03