NGUYỄN Ý ĐỨC

Câu Chuyện Thầy Lang

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Nhầm Lẫn Y Tế

Tin từ thung lũng Tình Yêu cho hay: một mệnh phụ phu nhân đã đệ đơn lên Ba Tòa Quan Lớn để kiện  giải phẫu gia Biển Hoa. Vì làm hỏng bộ ngực của bà ta. Dì mụ mải nghe nhạc “Vàng”, nặn cho bà cặp nhũ hoa quá khổ, khiến bà nặng nề đi lại, khó thở khi nằm. Lương y Biển Hoa  hứa sẽ tu bổ để ngực thon nhẹ hơn. Oâng gọt cắt hơi quá tay, nên bên xẹp bên phồng.

Một danh hề  Mỹ được nối mạch máu  tim bị nghẹt thì bác sĩ lại giải phẫu  mạch máu lành. Vì “mạch máu anh ta nằm  ở vị trí bất thường  nên tôi phạm bất cẩn không cố ý”, ông thầy thuốc bào chữa.

Thay vì thuốc bán thuốc chữa phong thấp Celebrex như  ghi trong toa bác sĩ thì dược phòng lại đưa cho bệnh nhân thuốc chống kinh phong Cerebyx.

Một bà  nạ dòng, đông con, muốn chồng tận hưởng lạc thú phòng the, yêu cầu thầy lang thu hẹp “sự đời”, nhưng quên không đo kích thước. Lang quân vất vả vì đường vào quá chật, bực mình bỏ cuộc chơi. Tội nghiệp lang y lãnh lời trách móc, bồi thường nới rộng..

Và nhiều trường hợp khác nữa thường được truyền thông nhắc nhỡ, loan tin. Đó là những Nhầm Lẫn Y Tế trong việc phục vụ bệnh nhân.

Bên Hoa Kỳ, Viện Y Học  cho hay hàng năm có từ 44,000 tới 98,000 người chết vì  những sai sót  có thể tránh được này  Con số này  thực ra cũng không chính xác lắm vì có nhiều nhầm lẫn không được ghi lại, cũng như các nhầm lẫn do chăm sóc tại gia, tại viện dưỡng lão đều chưa được biết tới.

Trong nhà thương, nhầm lẫn y tế là nguy cơ  thứ tám gây ra tử vong ở Mỹ: cao hơn cả chết vì tai nạn xe hơi (43,458), ung thư vú (42,297) hoặc AIDS (16,516).

Thế nào là Nhầm lẫn Y tế?

Nhầm lẫn xẩy  ra khi:

-Định bệnh sai;

-Phương thức định mang ra để chữa trị nhưng không đạt được kết quả như dự định

-Phương thức  trị liệu không thích hợp với bệnh nhân. Người bị suyễn lại uống thuốc có tác dụng làm phế quản thu hẹp.

-Cho thuốc mà không biết là bệnh nhân dị ứng với thuốc đó.

-Cho đúng thuốc nhưng ghi phân lượng quá cao, nguy hiểm tới tính mạng bệnh nhân;

-Dược phòng đưa nhầm thuốc cho bệnh nhân;

-Nhân viên sơ sót trong khi chăm sóc: Đã có trường hợp một chuyên viên thuốc mê, ngủ gật, không đối phó với thay đổi bất thường của bệnh nhân đang được mổ. Bệnh nhân thiệt mạng. Biện hộ vì “hôm đó tôi phải đánh thuốc mê cho mấy bệnh nhân liền, nên ngủ thiếp đi mất. Tôi không cố tình”. Nhưng tòa vẫn mời ông về ngủ nghỉ dăm năm, cho khỏe.

-Không có sự giải thích, tìm hiểu giữa bệnh nhân và người chăm sóc, nhất là ngôn ngữ bất đồng; bệnh nhân ngại ngùng, không hỏi. Đây là trường hợp thường xẩy ra cho đồng hương ta.Người mình thì hay ngại ngùng, quá tế nhị, sợ thầy thuốc cho là mình căn vặn, nên đôi khi mang phần thiệt về mình.

-Bệnh nhân  ăn kiêng mà phần ăn lại có nhiều  thực phẩm, gia vị đó. Như cao huyết áp cần hạn chế muối, lại cho ăn cà muối nhiều mặn; hoặc tiểu dường lại tráng miệng bánh ngọt.

Chỉ việc nhầm lẫn về dược phẩm  mỗi năm cũng gây tử vong cho 7000 người ở nhà thương và 10,000 người ở các phòng mạch. Nhầm tên thuốc rất thuờng xẩy ra vì tên  gần giống nhau ( thuốc kinh phong Lamictal với  thuốc kháng nấm Lamisil, thuốc chống loãng xương Fosamax thay vì Flomax cho bệnh nhiếp tuyến

Và còn nhiều nhầm lẫn khác nữa. Nhân viên thừa hành không thực hiện đúng kế hoạch. Bệnh nhân té ngã trong phòng tắm vì sàn ướt. Nhiễm bệnh lây lan vì vệ sinh bệnh viện kém. Chích thuốc gây nhiễm độc ngoài da. Lạm dụng, bạo hành bệnh nhân già.Chuyên gia thiếu khả năng, cẩu thả. Thiếu chuyên gia, một người làm công việc của hai ba người. Hậu quả của tổ chức bảo hiểm giới hạn quyền quyết định của thầy thuốc, giới hạn tham khảo ý kiến, giới hạn thời gian, phương tiện điều trị…..

Nơi mà nhầm lẫn thường xẩy ra là  nhà thương, phòng mạch bác sĩ,  dược phòng, viện dưỡng lão.

Để  tránh nhầm lẫn, người cung cấp dịch vụ cũng như bệnh nhân cần ý thức được việc làm và nhu cầu của mình.

Phía cung cấp dịch vụ đang cố gắng đưa ra các biện pháp để giảm thiểu nhầm lẫn từ phía mình. Nhiều bệnh viện đã lập ra ủy ban tự  kiểm thảo, thiết kế dụng cụ chia phát  thuốc tự động, tổ chức các lớp học tập để cập nhật kiến thức chuyên môn. Họ cũng dùng hệ thống máy vi tính để  kiểm soát lại các quyết định của nhân viên y tế

Khi còn tại chức, chính Tổng Thống  Clinton cũng thấy vần đề trầm trọng. Oâng đã  lập ra một cơ quan với ngân sách 20 triệu đô  để  tìm cách giảm thiểu nhầm lẫn y tế tại hơn 6000 bệnh viện tham dự chương trình Medicare.

Cơ Quan Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ cũng dồn nhiều nỗ lực để giảm thiểu nhầm lẫn này. Cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát, bảo đảm an toàn dược phẩm cũng như theo dõi nhầm lẫn do dược phẩm gây ra. Tránh  sản xuất thuốc  có âm và có dáng giống nhau (sound- alike, look –alike); đòi hỏi  nhãn hiệu ghi rõ tác dụng  có hại, tương tác giữa các thuốc; theo dõi sự dùng thuốc sau khi cho phép bào chế coi có tác dụng độc hại không ngờ. Nhưng cơ quan thú nhận là không kiểm soát được sự viết tháu  viết nhanh của thầy thuốc biên toa.

Viện Y Học Quốc Gia đã thúc giục có luật đòi hỏi nhà thương, dưỡng đường, phòng mạch và viện dưỡng lão thông báo cho chính quyền tiểu bang về mọi tử vong, thương tích do Nhầm lẫn y tế gây ra. Để học hỏi, mà tránh tái diễn. Theo tổ chức này, căn bản của những nhầm lẫn là do thiếu thận trọng trong hệ thống dịch vụ y tế.

Hiệp hội Y học Hoa kỳ thì lại an ủi “ Bất cứ một lầm lẫn nào đưa thiệt hại cho bệnh nhân đều là lầm lỗi. Nhưng nói chung y tế nơi đây rất an toàn khi ta thấy là mỗi ngày có cả triệu tương quan bệnh nhân-thầy thuốc”.

Giới chức  khác lại phát ngôn: “ Chăm sóc y tế là con người chăm sóc con người, từng bệnh nhân một. Khi mà còn con người chăm sóc cho nhau thì thế nào cũng có sơ sót do con người gây ra”  Và  đề nghị là hãy quên đi thói quen  chỉ tay buộc tội (naming, shaming, blaming) đối với người  cung cấp dịch vụ y tế phạm lỗi. Mà tập trung vào  việc ngăn ngừa nhầm lẫn có thể xẩy ra trong tương lai, bằng  cách hoàn thiện hóa  sự cung cấp dịch vụ.

Đôi khi, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bệnh nhân mình  cũng nên tham gia tích cực vào việc điều trị, để giảm thiểu rủi ro cho chính mình.

Xin đan cử một vài điều mà mình có thể làm:

*Cần cung cấp tất cả chi tiết về bệnh tình của mình, bây giờ cũng như trong quá khứ;

*Cho bác sĩ biết tất cả các thuốc nào mình đang dùng: từ thuốc do các bác sĩ khác nhau cho, thuốc do bạn bè chỉ mách, thuốc mình tự mua thêm cũng như thuốc cổ truyền, quảng cáo.

*Nói cho thầy thuốc mình có dị ứng với bất cứ dược phẩm, thực phẩm nào

*Khi lãnh toa, hỏi rõ bác sĩ thuốc chữa bệnh gì, bao lâu sẽ thấy công hiệu, có tác dụng phụ nào không, uống bao lâu, cách uống, phân lượng; cần kiêng cữ món ăn nào, 

*Khi nhận thuốc từ dược phòng, hỏi lại dược sĩ coi có phải đây là thuốc bác sĩ biên cho bệnh của mình, nhất là khi thấy thuốc kỳ này khác với thuốc kỳ trước. Có nhiều trường hợp dược phòng bán nhầm thuốc đã xẩy ra.

*Khi đi khám bệnh, nên mang tấ cả các thuốc mình đang uống hoặc thuốc cũ, nhờ bác sĩ coi lại, ném bỏ thuốc không dùng, điều chỉnh phân lượng thuốc đang uống

*Yêu cầu giải thích rõ kết quả  tốt, xấu các thử nghiệm. Đừng cho là “không giải thích là mọi sự đều tốt “( no news  is good news. Có thể hỏi trực tiếp, kêu điện thoại hoặc gửi thư.

*Nếu có thể, lựa bệnh viện đã được bạn bè tín nhiệm trong việc chăm sóc, điều trị; để ý coi nhân viên chăm sóc mình có tôn trọng quy tắc vệ sinh căn bản khi phục vụ( rửa tay trước khi tiếp  xúc……..); khi rời bệnh viện, hỏi rõ cách tiếp tục điều trị tại gia, bao giờ tái khám, bao giờ làm việc trở lại..

*Khi cần giải phẫu, yêu cầu giải thích lý do, công hiệu và  hậu quả của  phẫu thuật; sau giải phẫu mình phải kiêng cữ gì, bao lâu có thể đi xa, đi máy bay. Nếu cần xin ý kiến chuyên viên thứ nhì.

*Khi có nghi vấn nào về điều trị, cần hỏi ngay cho ra lẽ. Đó là quyền hạn của mình. Các cụ ta vẫn nói “Con có khóc, mẹ mới cho con bú”

*Nên mang theo thân nhân để nhắc nhở điều mình quên nói cho thầy thuốc, cũng như  điều mà thầy thuốc dặn mình về điều trị.

*Khi có thắc mắc về phương thức điều trị, giải phẫu, nên xin ý kiến  người chuyên môn  khác (Second opinion).

Kết luận.

Dân gian mình vẫn thường nói “Phúc chủ , Lộc thầy”. Ngoài kinh nghiệm chuyên môn trị bệnh, người thầy thuốc cũng nhờ cái âm đức tốt của bệnh nhân để giúp mình được tiếng là mát tay, chữa khỏi bệnh.  Không kể những trự lang băm, bịp bợm, người thầy thuốc vốn vẫn được coi trọng “Lương y như từ mẫu”.Tương quan thầy thuốc bệnh nhân  vốn bao dung, thông cảm. Những sơ sót đa số đều là vô tình. Những lời  chân thành xin lỗi, những hành động cải thiện, đều đưa tới  “xính xái”.

Ngày nay, tương quan này thường bị chi phối của nhóm  tài phiệt, thương mại. Thầy thuốc bị giới hạn trong việc trị bệnh. Bệnh nhân bị hạn chế quyền được chăm sóc y tế. Lương y trở thành người cung cấp dịch vụ, bệnh nhân là người tiếp nhận. Tương quan trở nên lỏng lẻo, sòng phẳng, đôi khi căng thẳng. Vì sơ hở  từ  phía này hoặc phía kia là đáo tụng đình, làm giầu cho nhóm mưu mẹo, nhiều pháp lý.

Nhầm lẫn y tế là một sự thực. Nhầm lẫn đưa tới thiệt hại cho cả bệnh nhân lẫn giới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chữa lợn lành hóa lợn què. Bệnh nhân trở thành nạn nhân.

Theo nhiều giới chức có thẩm quyền, 68% các nhầm lẫn đều có thể tránh được. Nếu giới cung cấp dịch vụ chấn chỉnh nghiệp vụ của mình. Và nếu người bệnh tích cực hợp tác.

Để đôi bên giữ được mối giao hảo tốt đẹp.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Texas 12-2003


Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Câu chuyện Thấy lang
Trang NGUYỄN Ý ĐỨC - Sức khỏe nghề nghiệp
TỰA - An hưởng tuổi vàng - BS Nguyễn Ý Đức


Trang nhiều tác giả
Trang riêng của Lê Ngọc Dũng
Trang riêng của Lương Lễ Hoàng
Trang riêng của Nguyễn Bảo Trung
Trang riêng của Nguyễn Hoài Nam
Trang riêng của Nguyễn Hữu Đức
Trang riêng của Nguyễn Văn Tuấn
Trang riêng của Nguyễn Ý Đức
Trang riêng của Nguyễn Đình Nguyên
Trang riêng của Phan Xuân Trung
Trang riêng của Đỗ Hồng Ngọc
Trang riêng của Đỗ Minh Tuấn